Cách mạng Tháng Tám - bản hùng ca đi cùng năm tháng
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một trang sử vĩ đại cho dân tộc Việt Nam, đồng thời đóng góp to lớn vào phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ thế giới.
75 năm nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị của độc lập, tự do, hòa bình và cũng để thấy rõ hơn trách nhiệm gìn giữ, phát huy tinh thần hào hùng ấy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Báo Quân đội nhân dân ghi lại cảm xúc của một số nhân chứng lịch sử và thế hệ hôm nay về sự kiện lịch sử trọng đại này.
Cựu chiến binh ĐỖ HẠP, 94 tuổi, cựu học viên khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn:
Vinh quang ấy có biết bao trí tuệ, công lao, xương máu
Mỗi dịp mùa thu tháng Tám về, lòng tôi lại bồi hồi xúc động. Tôi sinh ra khi đất nước đang trong xiềng xích lô nệ của thực dân, phong kiến; phải chứng kiến bao nhiêu sự đàn áp của thực dân Pháp và nỗi thống khổ của đồng bào mình. Thế hệ chúng tôi lúc đó đều mong muốn tham gia cách mạng, góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thời gian trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi đã được tham gia rải truyền đơn chống Nhật, Pháp, tuyên truyền nhân dân đứng dậy làm cách mạng. Ngày 18-8-1945, tôi được đứng trong hàng ngũ lực lượng đấu tranh giành chính quyền tại địa phương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23-9-1945, quân đội viễn chinh Pháp núp bóng quân đồng minh gây chiến ở Nam Bộ hòng cướp nước ta một lần nữa... Bối cảnh lúc bấy giờ như càng thôi thúc thế hệ chúng tôi tham gia cách mạng. Ngày 15-4-1946, tôi nộp đơn vào học khóa đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Những ngày học tập, rèn luyện tại trường, tôi thấy rất vinh dự, tự hào khi được chứng kiến Bác Hồ nhiều lần về thăm, được nhìn thấy Bác, được nghe Bác căn dặn. Sau ngày bế giảng, 300 học viên đầu tiên được đào tạo chính quy tỏa đi khắp chiến trường, đóng góp xương máu và trí tuệ cùng toàn dân đưa kháng chiến đến thắng lợi. Thời trẻ, tôi tham gia hàng chục trận đánh ở nhiều chiến trường và có được may mắn trở về, nhưng còn gần 100 người bạn tôi đã mãi mãi nằm xuống vì Tổ quốc.
Đất nước hòa bình, công cuộc xây dựng và đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn, cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân khởi sắc... Vinh quang và thành quả ấy có được là nhờ biết bao trí tuệ, công lao, xương máu của thế hệ cha anh. KIM TẬP (ghi)
---------------------
Trung tá, CCB ĐỖ VĂN HOA, 79 tuổi, nguyên giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ quân sự:
Hào khí Cách mạng Tháng Tám mãi mãi tiếp thêm sức mạnh
17 tuổi, tôi vào bộ đội rồi tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. 9 năm kháng chiến gian khổ, ác liệt, là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, tôi đạt nhiều thành tích, được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Năm 1973, trong một lần bị thương, tôi ra Bắc điều trị, rồi được quân đội cử đi học tại Học viện Nguyễn Ái Quốc, trở về làm giảng viên bộ môn Chủ nghĩa Xã hội khoa học. Những năm làm giảng viên, tôi tự hào về bộ môn tôi dạy bởi nó là lý luận nhưng rất sinh động vì thực tiễn dân tộc Việt Nam có những con người vĩ đại, những sự kiện lịch sử trọng đại, những trang sử vàng chói lọi làm minh chứng nên không hề khô cứng, giáo điều. Sự kiện Cách mạng Tháng Tám là một bài giảng để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Vì từ một nước Việt Nam lạc hậu, bị đô hộ nhưng dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã đứng lên làm cách mạng, tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành độc lập, tự do.
Với những bài học từ Cách mạng Tháng Tám, những kinh nghiệm mà chúng ta đúc kết sau gần 35 năm đổi mới, tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, đất nước tiếp tục phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hào khí của Cách mạng Tháng Tám đã, đang và mãi mãi cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
HOÀNG PHONG (ghi)
-------------------------
Ông ĐINH BÁ MẠNH, cán bộ UBND xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình:
Tự hào vì có cha tham gia cách mạng
Trên đường đi làm về, tôi bất chợt nghe ca khúc Diệt phát xít từ loa công cộng phát ra, một cảm xúc khó tả, như có luồng điện chạy qua người. Tôi mua nén hương và ghé vào viếng mộ cha, mẹ mình. Hình ảnh thân thuộc năm xưa lại ùa về trong tôi.
Khi tôi còn bé, vào dịp tháng Tám này, chiếc radio vốn chỉ để dành tối thứ bảy hằng tuần nghe "Câu chuyện cảnh giác" và "Sân khấu truyền thanh", được cha tôi mở hằng ngày. Từ chiếc đài bán dẫn ấy, những bài ca cách mạng như: Mười chín tháng Tám, Diệt phát xít... được phát đi phát lại. Cha tôi ngồi đó, lúc thì mắt nhìn xa xăm, khi lại ánh lên niềm vui, sự tự hào. Bên chiếc radio, những câu chuyện phá kho thóc của Nhật ở đình Bưởi đầu năm 1945, vác mã tấu đi giành chính quyền ở huyện lỵ Phụ Dực ngày 19-8-1945, rào làng, đắp lũy, chống càn... được cha tôi kể đi, kể lại. Suy nghĩ non nớt của đứa trẻ mới lớn ngày ấy, tôi tò mò nhiều hơn là hiểu được. Sau này được học hành, tôi mới hiểu được phần nào cảm xúc của cha tôi ngày ấy. Cha tôi vui vì thoát kiếp ở đợ lầm than, không phải chết đói như một phần ba dân làng tôi khi ấy. Cha tôi nhìn xa xăm, mắt đượm buồn vì những đồng chí ngày xưa của mình mất dần. Cha tôi tự hào, vì mình là một phần của lịch sử cách mạng quê hương. Những cảm xúc ấy, những hình ảnh cha tôi lăn lộn với phong trào hợp tác hóa, thấm vào suy nghĩ của tôi, hình thành nên tình yêu quê hương máu thịt, tác động lên con đường theo Đảng mà tôi tự nguyện dấn thân.
Năm tháng qua đi, cha tôi nay đã trở thành người thiên cổ. Mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám là tôi lại thêm nhớ về người cha thân yêu của mình. Nguồn cảm hứng cách mạng của thế hệ cha tôi được truyền sang thế hệ chúng tôi một cách tự nhiên và máu thịt như vậy.
HÀ PHƯƠNG (ghi)
---------------------
Anh BÙI QUỲNH LAM, 34 tuổi, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình:
Giáo dục truyền thống bên mâm cỗ Tết 19-8
Cứ vào ngày 19-8 hằng năm, người dân ở Mường Vó, xã Nhân Nghĩa lại tổ chức ăn Tết 19-8. Đây là truyền thống của người Mường Vó nhằm giáo dục truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương. Tôi nghe các cụ kể lại, trước kia, người dân nơi đây thường tổ chức ăn Tết rằm tháng Bảy để tổng kết một mùa vụ kéo dài, để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; người dân có sức khỏe, nhà nhà giàu có. Tuy nhiên, từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, phong tục ăn Tết rằm tháng Bảy được chuyển thành ăn Tết 19-8 để kỷ niệm ngày cách mạng thành công, đất nước độc lập.
Ngày nay, cuộc sống của người dân ở Mường Vó đã có nhiều đổi thay, ngày Tết 19-8 càng đông vui, đầy đủ hơn. Vào dịp này, gia đình tôi thường treo cờ Tổ quốc, thịt lợn để làm cỗ. Ngoài mâm cúng, gia đình tôi cũng chuẩn bị thêm vài mâm cơm mời khách đến chung vui. Tết 19-8, con cháu Mường Vó khắp mọi miền đất nước đều trở về quê với gia đình. Bên mâm cỗ vui vầy, thế hệ trẻ chúng tôi được nghe các cụ kể chuyện làng xóm, đất nước từ những năm xa xưa với bao khó khăn vất vả, những câu chuyện về sự đổi thay từng ngày kể từ sau Cách mạng Tháng Tám. Thông qua đó, các cụ răn dạy và giáo dục con cháu về truyền thống cách mạng. Đây cũng là dịp anh em, bạn bè và những người thân trong gia đình có dịp thăm hỏi, động viên nhau và cùng vui hát những bài ngợi ca quê hương, đất nước...