Cách mạng Tháng Tám: Hai bài học lớn về xây dựng Đảng và đại đoàn kết dân tộc

Thời gian trôi đi càng làm nổi bật những bài học của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại mùa thu năm 1945 mà nổi bật là bài học về xây dựng Đảng và đại đoàn kết dân tộc.

Khi nói về bài học xây dựng Đảng trong Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một câu tổng kết ngắn gọn mà vô cùng sâu sắc. Người nói: “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ đưa lại độc lập, tự do cho một dân tộc luôn khát khao với quyền tự quyết của mình mà còn là khẳng định tầm quan trọng hàng đầu về xây dựng một đảng cách mạng chân chính, đại biểu cho quyền lợi của dân tộc để có thể lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng đi đến thành công.

Thực tiễn 15 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 đến khi lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công đã cho thấy rõ ý nghĩa quyết định của việc xây dựng Đảng vững mạnh, trung thành vô hạn với dân tộc và giai cấp, một Đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử. Cùng đó đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng; phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền.

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945.

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945.

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, lúc đó Đảng ta mới 15 tuổi, với gần 5.000 đảng viên nhưng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc cách mạng giành thắng lợi. Đảng đã kiên định, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, định ra đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn. Đặc biệt, Đảng có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng và đi theo.

Nhờ đó, khi Đảng kêu gọi Nhân dân đứng lên làm cuộc cách mạng thì muôn người như một, đoàn kết thành sức mạnh vô cùng to lớn đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Bài học thứ hai vẫn vẹn nguyên tính thời sự là bài học về đại đoàn kết toàn dân. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Bài học của sự thành công trong việc tập hợp gắn kết toàn dân tộc đi theo tiếng gọi của Tổ quốc chính là ở chỗ Đảng ta tạo được niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; cán bộ, đảng viên đều tạo được niềm tin về sự hy sinh, đạo đức trong sáng của mình đối với quần chúng.

Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã sớm nhận thức đúng và đầy đủ về sức mạnh to lớn của đông đảo quần chúng nhân dân, sớm đề ra đường lối chiến lược giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và dân chủ, đáp ứng đúng nguyện vọng của đại đa số nhân dân là độc lập, tự do, người cày có ruộng.

Chính vì thế, Đảng ta đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức, khai thác và phát huy triệt để động lực tinh thần, nêu cao “ý chí Việt Nam”, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng xông lên cứu nước cứu nhà, tạo thành nguồn động lực nội sinh to lớn để “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, để đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong bối cảnh mới, việc phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ là tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa những bài học của cuộc cách mạng toàn dân này mà chính là kết hợp nhuần nhuyễn những bài học đó mà cụ thể ở đây là kết hợp việc xây dựng Đảng vững mạnh để làm hạt nhân, là chỗ dựa để phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân.

Chính bởi vậy, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc đã thêm một lần khẳng định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong bối cảnh mới, Đảng ta xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cach-mang-thang-tam-hai-bai-hoc-lon-ve-xay-dung-dang-va-dai-doan-ket-dan-toc-339909.html