Cách mạng tháng Tám ở An Khê

Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, An Khê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động đi đầu phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Các thủ lĩnh thanh niên nơi đây đã có nhiều hoạt động sáng tạo, chớp thời cơ để giành thế chủ động buộc chính quyền tay sai phải buông bỏ quyền lực, đồng thời nhanh chóng thành lập chính quyền cách mạng lâm thời do nhân dân làm chủ.

An Khê là vùng đất có lưu dân người Kinh đến định cư vào khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, cho đến khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn bùng phát (1771) thì nơi này đã trở thành căn cứ địa quan trọng của nghĩa quân. Qua nhiều thế hệ, An Khê trở thành cửa ngõ chính để vào Bắc Tây Nguyên, qua vùng Nam Lào và Bắc Campuchia.

Trong nhiều tài liệu lịch sử, đặc biệt là cuốn “Anh hùng Đỗ Trạc, người có công khai sáng, người mở đường đầu tiên cho phong trào cách mạng An Khê” của tác giả Đỗ Hằng (sưu tầm, tổng hợp) đã khẳng định: Nhân dân An Khê vốn có truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn, ghét áp bức bất công, được kết tinh từ hào khí của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII. Vì vậy, trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, nhiều cuộc nổi dậy của đồng bào Bahnar bản địa chống lại chính sách cai trị hà khắc của nhà cầm quyền đương thời khiến cho kẻ thù nhiều phen lao đao, đối phó hết sức khó khăn.

Sau năm 1940, trong tầng lớp trẻ ở An Khê đã xuất hiện một số thanh niên ưu tú, có học vấn, từng giao lưu tiếp thu tư tưởng tiến bộ của các vị tiền bối cách mạng nên vận động thành lập Đoàn Thanh niên Chấn Hưng lấy danh nghĩa là rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao để truyền bá tinh thần yêu nước, chống lại thực dân, phong kiến và tay sai, giành độc lập dân tộc. Nổi lên trong phong trào thanh niên ở An Khê thời ấy với vai trò thủ lĩnh có ông Đỗ Trạc, người sau này được Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong tập sách của mình, tác giả Đỗ Hằng viết: Người thanh niên An Khê đó bấy giờ mới tuổi đôi mươi. Nhưng khi học ở Kon Tum, trước phong trào đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản ở Ngục Kon Tum và nhân dân thị xã Kon Tum đã tác động đến tư tưởng cậu học sinh yêu nước Đỗ Trạc.

Khi chuyển ra học ở Trường Trung học Huế, anh chịu tác động sâu sắc của phong trào Mặt trận Dân chủ ở Huế với nhiều hoạt động công khai dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sau ngày phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), tình hình chính trị trong nước có những chuyển biến mới. Tháng 4-1945, đoàn tù chính trị ở Kon Tum, trong đó có các đồng chí: Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ… được trả tự do, trên đường về đồng bằng có ghé qua An Khê và được nhóm thanh niên tiến bộ nơi đây, trong đó có anh Đỗ Trạc tiếp xúc.

Các đồng chí trong nhóm cộng sản tù chính trị bấy giờ đã gợi mở phương hướng hoạt động cách mạng cho nhóm thanh niên địa phương ở An Khê. Từ đó, các anh trong nhóm thanh niên nòng cốt nơi đây, như: Đỗ Trạc, Trần Thông, Nguyễn Diễm, Lý Bính đã lập ra Đoàn Thanh niên Chấn Hưng (5-1945) gồm 30 người với mục đích là tập hợp lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, truyền bá tinh thần yêu nước, nuôi dưỡng ý chí độc lập dân tộc. Dưới sự hướng dẫn của các anh trong ban lãnh đạo thanh niên An Khê, Đoàn Thanh niên Chấn Hưng đã đi vào quỹ đạo hoạt động đấu tranh theo phương hướng của Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Thị xã An Khê ngày nay. Ảnh: Ngọc Minh

Thị xã An Khê ngày nay. Ảnh: Ngọc Minh

Tác giả Đỗ Hằng cho biết: Tháng 7-1945, các anh: Đỗ Trạc, Trần Thông đến Quảng Ngãi và được ban lãnh đạo Việt Minh ở địa phương này giao nhiệm vụ trở về An Khê chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ để vũ trang giành chính quyền. Tại An Khê, các anh trong ban lãnh đạo thanh niên đã nỗ lực tập hợp lực lượng, trang bị khí tài, huấn luyện chiến đấu, tuyên truyền về đường lối Việt Minh trong nhân dân, vạch trần âm mưu của phát xít Nhật, cô lập bọn tay sai.

Trong nửa đầu tháng 8-1945, Đoàn Thanh niên Chấn Hưng đã nhận được tin tức quan trọng về tình hình trong nước và quốc tế từ tổ chức Việt Minh Bình Định và chuẩn bị tinh thần cùng với các địa phương cả nước tổng khởi nghĩa. Trong lúc Đoàn Thanh niên Gia Lai và Kon Tum đang chuẩn bị lực lượng thì ngày 20-8-1945, Đoàn Thanh niên Chấn Hưng đã huy động quần chúng cùng lực lượng thanh niên nòng cốt nổi dậy chiếm đồn bảo an huyện lỵ An Khê. Dưới áp lực mạnh mẽ của nhân dân, trung đội bảo an ở An Khê đã tự buông vũ khí và đi theo phong trào cách mạng. Trước tình hình chuyển biến quá nhanh, Tri huyện Phan Sĩ Sàng và cả bộ máy tay sai ở huyện đường chấp nhận bàn giao chính quyền cho những người đại diện nhân dân.

Tại đây, lãnh đạo Đoàn Thanh niên Chấn Hưng cùng quần chúng khởi nghĩa đã tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn bộ máy tay sai của chính quyền bù nhìn thân Nhật, thiết lập bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, thực thi các chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi toàn dân đoàn kết ủng hộ Việt Minh và chính quyền cách mạng. Từ đó, huyện lỵ An Khê được hoàn toàn giải phóng và nhân dân làm chủ. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ở An Khê được thành lập, gồm các ông: Trần Sanh làm Chủ tịch, Bùi Thế Viện làm Phó Chủ tịch, Đỗ Trạc làm Ủy viên thư ký, Trần Thông làm Ủy viên quân sự.

Cũng trong ngày 20-8, UBND cách mạng lâm thời huyện An Khê tổ chức lực lượng khởi nghĩa về các làng, xã ở địa phương để biểu dương lực lượng, thu tài liệu, con dấu của bọn tổng lý, đồng thời thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở xã. Sau khi ổn định tình hình tại địa phương, các thủ lĩnh thanh niên An Khê tổ chức lực lượng tiến về thị xã Pleiku để hỗ trợ Đoàn Thanh niên Gia Lai giành chính quyền tại đô thị này ngày 23-8-1945 và đô thị Kon Tum ngày 25-8-1945.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/721/202008/cach-mang-thang-tam-o-an-khe-5696193/