Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa - thắng lợi của tinh thần chủ động và sáng tạo
Cách đây 79 năm, với sự lãnh đạo chủ động và sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của quân và dân trong tỉnh đã diễn ra sôi nổi, góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ II đi vào giai đoạn kết thúc với thắng lợi của quân Đồng minh từng bước đánh bại chủ nghĩa phát xít; ở Đông Dương cuộc đảo chính Nhật - Pháp diễn ra (9/3/1945) đẩy kẻ thù chính của nhân dân Đông dương vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc - Thời cơ cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân ta đã đến.
Trước tình hình đó, ngày 12/3/1945 Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Tại Thanh Hóa, tiếp thu tinh thần Chỉ thị, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tại làng Vĩ Liệt (Hà Trung) đề ra nhiệm vụ chuẩn bị điều kiện tiến tới đánh đổ chính quyền cũ, xác lập chính quyền cách mạng. Tỉnh ủy tổ chức các lớp huấn huyện quân sự cấp tốc; ban hành Chỉ thị “sắm vũ khí đuổi thù chung”, phát động các phong trào kháng Nhật cứu nước với phương thức đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị đem lại sức mạnh to lớn. Quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng hừng hực khí thế vùng lên chuẩn bị khởi nghĩa.
Tại các huyện, thị trong tỉnh, phong trào chống bắt phu, bắt lính, chống thuế, chống khủng bố tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra rộng khắp. Ngày 24/7/1945, huyện Hoằng Hóa giành chính quyền, mở đầu cho lực lượng cách mạng của các huyện trong tỉnh tích cực chuẩn bị mọi điều kiện chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.
Trước khí thế cách mạng diễn ra sôi sục trong cả tỉnh, ngày 13/8/1945 Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tại làng Mao Xá (Thiệu Hóa) bàn biện pháp chờ lệnh Tổng khởi nghĩa. Hội nghị họp đến ngày 16/8 nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Tỉnh ủy quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh, vào đêm 18, rạng sáng 19/8. Tỉnh ủy đã chỉ định Ủy ban khởi nghĩa gồm 7 đồng chí, chỉ định Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch và chỉ định Trưởng ban khởi nghĩa, Chủ tịch ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời các huyện. Riêng 6 huyện miền núi tiến hành giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Ủy ban khởi nghĩa viết thư yêu cầu quân Nhật không được can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, Việt Minh sẽ tạo điều kiện cho quân Nhật rút về nước.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đêm 18/8/1945 tại Thiệu Hóa đã diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa, sáng 19/8 giành chính quyền về tay Nhân dân. Tiếp đến các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn cũng giành thắng lợi trọn vẹn trong ngày 19/8. Ngày 20/8, các huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), Nông Cống giành chính quyền...
Ngày 23/8 hàng vạn quần chúng tập trung về thành phố Thanh Hóa chào đón Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa từ căn cứ Thiệu Hóa tiến về thành phố ra mắt quốc dân đồng bào. Đồng chí Lê Tất Đắc là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng và kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng bảo vệ chế độ mới. Đến cuối tháng 8/1945, chính quyền cách mạng được xác lập trên địa bàn toàn tỉnh.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh. Ngoài những nét chung về phương pháp tiến hành khởi nghĩa như đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Đảng bộ tỉnh đã giải quyết một cách nhanh nhạy và sáng tạo nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình giành chính quyền.
Cụ thể đó là dù chưa nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng về phát động Tổng khởi nghĩa nhưng Đảng bộ tỉnh cho rằng: “Thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến, tình thế chuyển biến thuận lợi không thể ngồi chờ”, cần phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời cử cán bộ đi gặp Trung ương Đảng báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo. Cách làm việc này vừa thể hiện tinh thần sáng tạo, chủ động cách mạng, vừa thể hiện ý thức tổ chức kỷ luật rất cao.
Sức mạnh quật khởi và truyền thống cách mạng kiên cường của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong Cách mạng tháng 8/1945 đang tiếp tục được khơi dậy trong thế kỷ XXI, Thanh Hóa phấn đấu đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, hợp thành cực tăng trưởng mới (cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc); đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.