Cách mạng Tháng Tám trong ký ức của người lính già
Một ngày cuối tháng Tám, chúng tôi tìm về tổ 4, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ), gặp ông Nguyễn Văn Sực, 96 tuổi, là một trong số ít người đã tham gia sự kiện phá kho thóc Nhật vào tháng 3-1945 còn sống. Ở tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng nhắc lại những ngày Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tháng 8-1945, những ký ức vẫn vẹn nguyên.
Những ngày không quên
Sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, nơi có cao trào kháng Nhật cứu nước, phong trào Việt Minh phát triển mạnh, từ những ngày còn bé, cũng như bao người dân địa phương khác, ông Sực đã sớm kiên định, một lòng đi theo cách mạng. Lần về từng mảnh nhỏ ký ức, ông Sực bồi hồi: “Trước năm 1945, người dân sống cơ cực lắm! Một cổ, hai tròng, sưu cao, thuế nặng. Ruộng đất của nông dân về hết tay địa chủ, từ đám thanh niên đến người già quanh năm chỉ đi cày thuê, cuốc mướn để kiếm miếng ăn. Cơ cực lắm, vậy mà vẫn không đủ để no bụng. Bọn địa chủ, cường hào, tay sai của Nhật ra sức vơ vét, tích trữ lương thực, người dân thì đói nheo nhóc, người chết đói ở khắp nơi. Bản thân tôi phải đi ở đợ cho nhà địa chủ. Năm 17 tuổi, được Việt Minh giác ngộ, tôi bắt đầu hoạt động cách mạng, được gia nhập đội “Cảm tử quân”, tham gia huấn luyện, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Yên Mỹ”. Cũng trong những ngày tháng hoạt động cách mạng tích cực này, ông Sực được kết nạp trở thành đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương.
Ông Nguyễn Văn Sực: “May mắn của tôi là được tham gia cách mạng sớm, theo Đảng và Bác Hồ, đi theo con đường đúng đắn trở thành người chiến sĩ cách mạng”.
Ngày 10/3/1945, ông Sực được đồng chí Nguyễn Khai, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách tỉnh Hưng Yên giao nhiệm vụ đưa Việt Minh vào kiểm tra kho thóc Nhật ở Giai Phạm. Khi điều kiện thuận lợi, ông cùng Việt Minh ập vào kho thóc. Ông Sực giơ tay miêu tả: Tôi trèo lên nóc kho thóc cắm lá cờ đỏ sao vàng hô và hô hoán nhân dân vào lấy thóc. Bọn địa chủ làm tay sai, quản lý kho hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của Việt Minh và sức dân như nước vỡ bờ. Hơn 4.000 tấn thóc được giành lại để chia cho dân nghèo. Sự kiện phá kho thóc ở Giai Phạm khi đó đã mở đầu cho phong trào phá kho thóc Nhật ở Hưng Yên và các tỉnh lân cận.
Lịch sử đã ghi nhận, những thành quả đạt được trong phong trào phá kho thóc Nhật là minh chứng sống động cho những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của Đảng ta, cũng là tiền đề chuẩn bị chu đáo cho ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cùng với việc đấu tranh chống thuế, phá kho thóc để gấp rút giải quyết nạn đói, lực lượng Việt Minh ở các huyện, thị xã, khắp các tỉnh đã tổ chức các cuộc diễn thuyết, tuần hành và mít tinh ở nhiều nơi nhằm tố cáo tội ác của phát xít Nhật và tay sai. Khí thế cách mạng của quần chúng dâng cao, phong trào cách mạng địa phương đang phát triển mạnh, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Nhớ về những ngày tháng cách mạng sục sôi và thời khắc chính quyền về tay nhân dân, ông Sực xúc động: Dưới rừng cờ và biểu ngữ, gương mặt mọi người tươi vui, phấn khởi, cả biển người hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Ai nấy đều mừng rơi nước mắt vì từ nay được làm chủ vận mệnh của mình.
Luôn khắc ghi lời dạy của Bác
Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1949, ông Sực gia nhập quân ngũ, tham gia chiến đấu trong các chiến dịch lớn như: Chiến dịch biên giới năm 1950, Chiến dịch Điện Biên phủ… Năm 1959, ông tham gia xây dựng Khu công nghiệp Gang Thép tại Thái Nguyên, đến năm 1975 thì nghỉ hưu và sinh sống tại thị trấn Trại Cau.
Là người nhiều lần được gặp Bác Hồ, luôn ghi nhớ sâu sắc từng lời Bác căn dặn: “Các chú là con của dân, sống với dân không được đụng đến kim sợi chỉ của dân” (Bác nói tại Mạo Khê, Quảng Ninh năm 1955); hoặc “Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”… (Bác nói trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên năm 1964)… Khắc ghi những lời căn dặn đó, ông Sực luôn áp dụng những lời của Người trong cuộc sống cũng như nhắc nhở, làm tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo.
Trong căn nhà đã sinh sống hơn nửa đời người của ông Sực có rất nhiều kỷ vật, tặng thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho ông như: huân chương, huy chương và các loại huy hiệu, bằng khen các cấp, ngành. Đưa tay chỉ vào những tấm huân, huy chương sáng bóng cất kỹ trong tủ, ông Sực trầm ngâm: May mắn của tôi là được tham gia cách mạng sớm, theo Đảng và Bác Hồ, đi theo con đường đúng đắn trở thành người chiến sĩ cách mạng. Để ghi nhớ điều này, tôi đã tự làm 2 câu đối dán trước cửa nhà: “Ngàn năm ghi nhớ công ơn Đảng - Muôn thuở nào quên đức Bác Hồ”.
Đồng chí Nghiêm Xuân Hà, Bí thư Đảng ủy thị trấn Trại Cau cho biết: Không chỉ là người có công với cách mạng, ở địa phương ông Sực còn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông từng đảm nhận công việc như: Chủ tịch Ủy Ban MTTQ thị trấn, Bí thư Chi bộ tổ dân phố... Đặc biệt, dù tuổi cao, nhưng ông vẫn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động nhất là phát triển kinh tế. Ông Sực là người đầu tiên ở vùng này mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như thanh long, bưỡi, mít… kết hợp chăn nuôi gà, lợn, đào ao thả cá. Trong gia đình, ông luôn là tấm gương mẫu mực, nuôi dạy con cháu thành đạt, thảo hiền. Gia đình ông Sực cũng là điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
75 năm đã trôi qua, bản hùng ca Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn còn vang mãi trong trái tim của những người con đất Việt. Còn trong ký ức của người đã sống, trực tiếp chiến đấu giành chính quyền như ông Sực, nó không hẳn là một chiến công, đó là sức mạnh của cả một dân tộc.