Cách mạng Tháng Tám và chính quyền của dân, do dân, vì dân
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng được xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện rõ bản chất dân chủ của một nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Đó là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; tất cả quyền lực đều thuộc về Nhân dân.
Muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân
Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam Á.
Lần đầu tiên ở Việt Nam ra đời một Nhà nước do Nhân dân xây dựng để phục vụ lợi ích của dân tộc, của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Từ đây, vấn đề tổ chức và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng nhà nước kiểu mới được đặt ra ngay để tổ chức, động viên nhân dân bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được và xây dựng xã hội mới.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện; trong đó, có nhiệm vụ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Theo đó, tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”, làm cho Nhà nước ta trở thành Nhà nước dân chủ, hợp hiến. Việc làm đó cho thấy, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của một nhà nước hợp hiến, hợp pháp: Nhà nước do Nhân dân bầu ra.
Người yêu cầu mọi cán bộ phải chú ý giải quyết hết các vấn đề “dầu khó đến đâu mặc lòng”, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, bởi một lẽ rất đơn giản: muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy.
Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu hạnh phúc cho mọi người. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi…”.
Thấm nhuần lời dạy của Người, 75 năm qua, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Chăm lo đời sống Nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân.
Ngay trong những tháng đầu năm 2020, cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, nền kinh tế của nhiều nước phát triển bị suy giảm nghiêm trọng. Việt Nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Tuy nhiên, “Vì sức khỏe của Nhân dân, Chính phủ sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định nhiều lần câu nói này tại các cuộc họp của Chính phủ. Không chỉ vậy, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ (62 nghìn tỉ đồng) chưa từng có tiền lệ cho hàng triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Việc nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một Chính phủ hành động, hết lòng vì dân.
Trong lúc cả thế giới gồng mình chống dịch với những biện pháp khá khắt khe thì Việt Nam đã làm một việc vô cùng ý nghĩa, đó là thực hiện hàng chục chuyến bay đón các công dân từ các tâm dịch về nước. Đặc biệt Chính phủ Việt Nam đã đón hơn 200 công dân Việt Nam làm việc tại Guinea Xích đạo, trong đó có hơn 100 ca bị nghi ngờ dương tính với Covid-19 về nước an toàn.
Toàn dân tham dự đầy đủ vào việc lập hiến
Để Nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân thì không chỉ mọi quyết sách trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đều xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của người dân mà việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng phải thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân.
Xuất phát từ tư tưởng đó, ngày 31/10/1945, chưa đầy hai tháng sau Tuyên ngôn độc lập, Hội đồng Chính phủ quyết định công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các làng, xã bản Dự thảo Hiến pháp để xin ý kiến toàn dân.
Thông cáo của Chính phủ chỉ rõ: “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập hiến của nước nhà nên Chính phủ công bố bản Dự thảo hiến pháp này để mọi người đọc kỹ và được tự do bàn bạc, phê bình… Ủy ban Dự thảo hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của nhân dân rồi trình toàn quốc dân đại hội bàn luận”.
Như vậy, Hồ Chí Minh đã đề xuất và chỉ đạo thực hiện một tư tưởng lớn là tạo mọi thuận lợi cho toàn dân tham dự đầy đủ vào việc lập hiến.
Không chỉ tham gia vào việc lập hiến, quyền làm chủ của Nhân dân còn thể hiện bằng việc mọi người dân có quyền giám sát công việc của các cơ quan nhà nước, giám sát quyền lực của các cán bộ lãnh đạo.
Để khắc phục tình trạng lộng quyền, lợi dụng quyền lực để tham ô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ quan nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc giám sát quyền lực cũng là đòi hỏi cấp bách của quá trình xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Trong bối cảnh ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân vẫn còn nguyên giá trị, khi mà hiện nay nhiều “căn bệnh” được Người từng chỉ ra vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, Đảng viên vẫn chưa được đẩy lùi; vẫn để lọt những người có động cơ không trong sáng, vụ lợi vào bộ máy lãnh đạo. Bởi thế, Người đã từng nhấn mạnh: “Phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Trên tinh thần ấy, thời gian qua, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, góp phần phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.