Cách mạng Xanh đe dọa châu Phi?
Ủy ban Nobel Na Uy mới đây bất ngờ trao giải Nobel Hòa bình năm 2020 cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ), qua đó gửi đi một thông điệp rằng thế giới nên 'hướng sự chú ý đến hàng triệu người dân đang phải hứng chịu hoặc đối diện với mối đe dọa của nạn đói'.
Những con số này hiện đang lớn hơn bao giờ hết và hệ thống lương thực toàn cầu hiện đang bị chỉ trích nặng nề.
Thực trạng đáng buồn
Ngay cả trước khi bị đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tấn công, đã có khoảng 2 tỷ người dân trên toàn cầu phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực và gần 750 triệu người phải đối mặt với nạn đói dai dẳng, trầm trọng. Các cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế bùng nổ vào năm 2020 còn khiến các vấn đề này càng tồi tệ hơn, một phần là bởi những tác động của chúng đến các nguồn cung thực phẩm, song phần lớn hơn là do tình trạng bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng và thêm vào đó, những người dân vốn đã dễ bị tổn thương nay lại còn mất đi kế sinh nhai của mình vì đại dịch.
Tuy nhiên, tình trạng này đã và vẫn có thể ngăn chặn. Một trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là từ nay đến năm 2030 sẽ triệt bỏ được nạn đói. Trong số đó, mục tiêu SDG2 là hoàn toàn có thể đạt được: Thế giới đã sản xuất đủ lương thực để đáp ứng những nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của tất cả mọi người trên hành tinh này.
Tuy nhiên, hệ thống lương thực toàn cầu đã bị phá vỡ một cách tệ hại ngay trước đại dịch. Sản lượng lương thực hiện nay không đủ đáp ứng cho tất cả, trong khi đó, cả lương thực lẫn các nguồn thu tiền bạc hiện đều bị phân bổ một cách không đồng đều khi mà hàng tỷ người không thể có được một khẩu phần ăn dinh dưỡng và cân đối.
Sự bất bình đẳng trong tiếp cận lương thực thể hiện rõ ở nhiều nước và cả giữa các nước với nhau, thậm chí còn có vô số những bất hợp lý xuất hiện tràn lan trong các chuỗi cung ứng lương thực. Thêm nữa, các sản phẩm thô của một khu vực thường xuyên được đưa đi khắp thế giới để chế biến bằng các hóa chất bảo quản, sau đó lại được vận chuyển trở lại để tiêu thụ ở trong hoặc gần nơi nó xuất phát.
Một lý do giải thích vì sao thế giới hiện không có triển vọng đạt mục tiêu SDG2 là bởi giới hoạch định chính sách đã chẩn đoán sai vấn đề. Thay vì tập trung vào sản xuất bền vững và phân phối đồng đều lương thực, họ lại lưu ý nhiều hơn đến việc tăng cường sản xuất nông nghiệp và làm cho chuỗi cung ứng trở nên “hiệu quả hơn” bằng cách hạ giá thành phẩm. Điều này dẫn tới một sự tập trung quá mức vào lợi nhuận mà không quan tâm đầy đủ đến các điều kiện nông nghiệp - sinh thái, những nhu cầu dinh dưỡng ở địa phương và những động cơ mạnh mẽ cho một nền nông nghiệp dựa vào hóa chất.
Những sai lầm
Ví dụ điển hình cho cách tiếp cận này là Liên minh Vì một cuộc Cách mạng xanh tại châu Phi (AGRA), một sáng kiến được Quỹ Bill & Melinda Gates và Quỹ Rockefeller khởi xướng vào năm 2006. Các chương trình của AGRA ủng hộ việc sử dụng các hạt giống, phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu hóa học có thể đem lại lợi nhuận thương mại cao trong mô hình độc canh để tăng lợi nhuận trên mỗi mẫu ruộng. Đáng ngạc nhiên là những người ủng hộ cách tiếp cận này hầu hết không ý thức được rằng các dự án tương tự tại nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á trước đó chỉ tạo ra được những kết quả trung hạn và kèm theo đó thường là các vấn đề lớn về sinh thái.
Mục tiêu ban đầu của AGRA là đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi thu nhập hộ gia đình cho 20 triệu nông dân châu Phi và giảm bớt một nửa tình trạng mất an ninh lương thực tại 20 quốc gia thông qua việc tăng năng suất. Sau đó, chương trình này đã thông qua thêm các mục tiêu tham vọng hơn là đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận và thu nhập cho 30 triệu hộ gia đình làm nông nghiệp. Tuy nhiên, khi mà thời hạn đang tới gần thì AGRA đã phải thay đổi các kế hoạch của mình và hiện đang đưa ra một cam kết khiêm tốn hơn rất nhiều là từ nay đến năm 2021 sẽ tăng thu nhập (không có con số rõ ràng) và cải thiện an ninh lương thực cho 30 triệu hộ gia đình làm nông nhỏ tại 11 quốc gia châu Phi.
Phản ứng trước những lời chỉ trích nói trên, AGRA mới đây đã thận trọng hơn khi tuyên bố rằng mục tiêu của họ chỉ là tiếp cận được trực tiếp với 9 triệu nông dân, còn 21 triệu còn lại là qua hình thức gián tiếp, song không giải thích cụ thể là thế nào.
Mặc dù đã giảm bớt các mục tiêu của mình, AGRA lại không đưa ra những số liệu liên quan đến những tiến triển của chương trình này từ trước đến nay. Vì vậy, không có những ước tính đáng tin cậy về sự gia tăng lợi nhuận, thu nhập và an ninh lương thực của các nông dân. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây sử dụng các số liệu cấp quốc gia về sản lượng, lợi nhuận và phạm vi thu hoạch của những vụ mùa lớn nhất tại 13 quốc gia châu Phi mà AGRA nhắm đến, các nhà nghiên cứu độc lập đã đưa ra một số kết luận đáng lo ngại.
Báo cáo không đưa ra được nhiều bằng chứng về sự gia tăng đáng kể trong thu nhập hoặc vấn đề an ninh lương thực của các nhà sản xuất nhỏ mà thay vào đó chỉ kết luận rằng số lượng người bị đói tại các nước AGRA này đã tăng 30%. AGRA cho rằng phân tích này không chính xác, song lại không đưa ra được dữ liệu nào để phản bác lại nó.
Liên quan đến vấn đề sản lượng, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lợi nhuận của các vụ mùa quan trọng tại các quốc gia AGRA chỉ tăng trung bình 1,5% mỗi năm trong 12 năm đầu tiên tổ chức hoạt động - một tỷ lệ không khác gì nhiều so với 12 năm trước khi tổ chức được thành lập. Trong khi đó, tăng trưởng sản lượng tại 8/13 nước còn đi xuống và tại 3/13 quốc gia, lợi nhuận thậm chí cũng giảm sút.
Ngay cả ở các quốc gia là những nơi sản lượng lương thực gia tăng đáng kể - chẳng hạn như Zambia, nơi sản lượng ngô tăng hơn gấp đôi, chủ yếu là nhờ việc gia tăng phạm vi đất gieo hạt - thì tình trạng nghèo đói ở các hộ sản xuất nhỏ vẫn rất cao.
Thêm nữa, báo cáo còn chỉ ra lý do vì sao những kết quả trái ngược có liên quan đến các hoạt động của cuộc Cách mạng xanh lại được thể hiện rõ ràng đến như vậy tại các nước AGRA. Mục tiêu sử dụng đất đã thay đổi từ các loại cây trồng truyền thống như là lúa miến và hạt kê sang ngô - loại hạt có lợi nhuận cao hơn, buộc các nông dân phải đi mua những hạt giống đắt tiền hơn, khiến họ thường xuyên rơi vào cảnh nợ nần.
Xu hướng độc canh và phụ thuộc nặng nề vào hóa chất (chẳng hạn như phân bón làm từ dầu mỏ), khiến cho đất bị axít hóa và gây ra nhiều vấn đề về sinh thái khác ảnh hưởng đến sự gieo trồng trong tương lai. Sự độc canh cũng khiến cho khẩu phần ăn trở nên kém đa dạng và kém dinh dưỡng khi mà sản lượng các loại cây trồng chủ lực truyền thống như sắn và khoai lang bị giảm bớt.
Theo lập luận của Jomo Kwame Sundaram, nhà kinh tế nổi tiếng người Malaysia, những chương trình Cách mạng xanh như thế này về cơ bản là còn nhiều thiếu sót, bởi với các chương trình này thì dinh dưỡng chỉ được nhìn nhận trên khía cạnh tiêu thụ ca-lo và chúng cũng không nhận thức được giá trị dinh dưỡng vượt trội mà một bữa ăn đa dạng có thể đem lại.
Đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra hẳn đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc xây dựng sức bền. Không may, những nỗ lực có thiện chí nhằm cải thiện an ninh lương thực ở châu Phi và các nơi khác trên thế giới lại đang tập trung gia tăng sự phụ thuộc của các hộ nông dân nhỏ vào thương mại nông nghiệp toàn cầu mà không tăng được thu nhập cho họ, đồng thời khiến cho các hệ thống canh tác trở nên yếu ớt và kém dẻo dai hơn.
Ý nghĩa của Chương trình Lương thực Thế giới
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã giành được giải Nobel Hòa bình 2020 vì những nỗ lực chống lại nạn đói và cải thiện các điều kiện để hướng tới một nền hòa bình cho các khu vực xung đột. Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cho biết Ủy ban đã trao giải thưởng này cho WFP bởi họ muốn “hướng sự chú ý của toàn thế giới đến hàng triệu người dân đang phải hứng chịu hoặc đang phải đối mặt với mối đe dọa của nạn đói”. Theo bà, nạn đói đã bị sử dụng như một “vũ khí trong chiến tranh và xung đột”.
Bà cho biết thêm, giải thưởng này cũng là một lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ một cách tương xứng cho cơ quan này của LHQ và để đảm bảo rằng tất cả người dân đều không phải chịu nạn đói. Bà nhấn mạnh kể cả không có đại dịch COVID-19 thì WFP vẫn xứng đáng là chủ nhân của giải thưởng này. Tuy nhiên, chính COVID-19 đã củng cố thêm nhiều lý do để trao giải thưởng này cho WFP, trong đó có nhu cầu của một sự “đa phương hóa” trong một thời điểm khủng hoảng toàn cầu như lúc này.
Bà nói: “Đó là một tổ chức rất quan trọng của LHQ. LHQ đóng một vai trò then chốt trong việc củng cố các quyền của con người. Và lương thực là một trong những nhu cầu cơ bản nhất”.
Trong tuyên bố của mình, Ủy ban Nobel đã ca ngợi WFP vì những “nỗ lực chống lại nạn đói” và “sự đóng góp cho việc thiết lập hòa bình tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột”. Cơ quan này có chức năng “như một động lực cho những nỗ lực ngăn ngừa việc lợi dụng nạn đói như một loại vũ khí trong chiến tranh và xung đột”.
Được thành lập vào năm 1962, WFP ban đầu chỉ là một phương pháp thử nghiệm nhằm cung cấp sự tài trợ về lương thực thông qua hệ thống của LHQ. Dự án đầu tiên của chương trình là cung cấp lương thực sau một vụ động đất ở miền Bắc Iran. Hiện, chương trình đã có hơn 17.000 thành viên, trong 90% nhân lực là người bản địa tại các quốc gia tiếp nhận trợ cấp. Tổ chức này hiện tập trung vào các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cũng như hỗ trợ công tác phục hồi và phát triển. Khoảng 2/3 hoạt động của tổ chức được triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Năm 2019, WFP đã hỗ trợ cho gần 100 triệu người dân tại 88 quốc gia là những nạn nhân của nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực. Chi nhánh của WFP tại Rome trở thành trung tâm cho sự hợp tác chống lại những tác động của đại dịch COVID-19, vốn khiến nạn đói càng thêm trầm trọng.
Phát biểu sau khi WFP nhận giải Nobel Hòa bình 2020, phát ngôn viên Tomson Firi của Chương trình Lương thực thế giới nói: “Một trong những nét đẹp của các hoạt động của WFP là chúng tôi không chỉ cung cấp lương thực cho hôm nay và ngày mai, mà chúng tôi còn trang bị cho mọi người kiến thức, phương tiện để nuôi sống bản thân về lâu dài”.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cach-mang-xanh-de-doa-chau-phi-617524/