Cách nào để bảo vệ hơn 8.000 cây cổ thụ tại Hà Nội?

Theo thống kê, trên địa bàn 12 quận tại Hà Nội có hơn 8.000 cây cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính phần thân từ 50 cm trở lên, tính từ gốc lên 1,3 m) gồm các loài chủ yếu như: Bàng, Bằng lăng, Chẹo, Đa, Lan, Lát hoa, Lim xẹt (Muồng thẫm), Long não, Muồng đen...

Nhiều loại cây đặc trưng có giá trị

Sở Xây dựng Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu đánh giá một số chủng loại cây xanh đô thị phù hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Thông tin từ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, cây xanh bóng mát trên địa bàn Hà Nội phong phú và đa dạng về chủng loài với 175 loài thuộc 55 họ thực vật.

Trong đó có những loài được coi là đặc trưng của Hà Nội với số lượng lớn như: Xà cừ khoảng 10.400 cây, Phượng vĩ 16.000 cây, Bằng lăng khoảng 17.500 cây, Hoa sữa khoảng 14.400 cây, Muồng khoảng 12.500 cây, Sấu khoảng 26.400 cây, Sao đen khoảng 1.800 cây… Mỗi chủng loài làm nên đặc trưng cho từng tuyến phố như: hàng cây Sao đen ở phố Lò Đúc, Xà cừ ở phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, cây Sấu ở phố Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Phượng vĩ ở phố Lý Thường Kiệt, Hoa sữa ở phố Nguyễn Du.

Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cây cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây) gồm các loài chủ yếu như: Bàng, Bằng lăng, Chẹo, Đa, Lan, Lát hoa, Lim xẹt (Muồng thẫm), Long não, Muồng đen, Hoa sữa, Sao đen, Sấu, Sưa, Xà cừ, Phượng vĩ.

Một số cây này đã qua tuổi thành thục bước sang tuổi già cỗi, có biểu hiện sinh trưởng kém. Cây bắt đầu bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão.

Ngoài ra còn có một số loài cây không thuộc chủng loại cây bóng mát trồng đô thị dễ bị gẫy đổ khi gặp mưa gió, quả chín rụng bẩn gây hấp dẫn ruồi, nhặng.

Hàng xà cừ cổ thụ trên đường Láng

Hàng xà cừ cổ thụ trên đường Láng

Thực hiện chỉ đạo của Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội đang phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý Gis và cơ sở dữ liệu trên nền địa lý Quốc gia. Từ đó nâng cao hiệu quả quản lý của thành phố và các Nhà thầu duy trì cây xanh về công tác quy hoạch, duy trì, bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị một cách hiệu quả và hợp lý, giảm thiểu thời gian xử lý thông tin, gián tiếp giảm thiểu rủi ro do cây xanh đem lại đối với cộng đồng dân cư đô thị.

Thiếu quy định về các loại cây trồng trong đô thị

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, xét trên cả nước, cây xanh đường phố ở Hà Nội nổi trội hơn nhiều các thành phố khác với nhiều tuyến đường có dải phân cách rộng trồng cỏ và cây xanh… điều đó đã góp phần tạo không nhỏ tạo nên diện mạo của Thủ đô.

Tuy vậy chỉ số về tiêu chuẩn đất cây xanh còn thấp, chưa đạt 50 cây/km. “Với chỉ số này thì khoảng cách cây xanh trung bình đang là hơn 20m, khoảng cách quá xa cho tiêu chuẩn trồng cây đường phố - khoảng cách trồng cây tiểu mộc, trung mộc và đại mộc lần lượt là 4 – 8m, 8 – 12m và 12 – 15m” - TS.KTS Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội vẫn chưa có danh sách chính thức quy định về các loại cây bóng mát trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trong khu đô thị. Điều này đã khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động trồng, thiếu cơ sở cho việc xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác trồng cây đô thị.

Đồng quan điểm trên, các đại biểu cho rằng, để có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh phát huy được tác dụng, các đơn vị chức năng cần quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; Quy hoạch mạng lưới cây xanh cho từng quận, huyện và những khu đô thị mới; Quy hoạch thiết kế trồng cây xanh, dựa trên phân loại các đường phố trong khu đô thị mới…

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội cho rằng: Cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực và chất lượng cho cán bộ quản lý trong công tác duy trì, chăm sóc cây bóng mát, cây mảng khóm như: bón phân; phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; quét vôi gốc cây; giữ cố định thân cây bằng cọc chống; cắt tỉa định hướng phát triển tán cân đối, hài hòa. Nâng cao năng lực và chất lượng công tác quản lý, duy trì, chăm sóc cây bóng mát. Trong đó: Đối với cây bóng mát lâu năm hoặc cây đã được đưa vào duy trì thực hiện các công tác sau: tuần tra, kiểm tra thường xuyên nhằm xác định tình trạng sinh trưởng, phát triển cây xanh; cắt tỉa gọn tán theo tiêu chí kỹ thuật, thẩm mỹ; phát hiện cây nguy hiểm, sâu bệnh, các hành vi xâm hại cây xanh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hàng năm đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh phải kiểm tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc cắt sửa cây xanh đối với cây lệch tán, nặng tán; loại bỏ cành khô, cành sâu mục, cành xòa che khuất biển báo giao thông, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng; cây ảnh hưởng đến các an toàn khác trên đường; loại bỏ cây sống ký sinh; cắt tỉa hạ ngọn khống chế chiều cao tạo mặt phẳng không gian hài hòa, định hướng phát triển tán đều và đẹp ngoài ra thực hiện các biện pháp chăm sóc khác để đảm bảo sinh trưởng và phát triển ổn định của cây xanh...

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cach-nao-de-bao-ve-hon-8000-cay-co-thu-tai-ha-noi-post1663956.tpo