Cách nào để chống nạn bạo hành nhân viên y tế?

Tôi từng chứng kiến một người đàn ông lớn tuổi chết ngay trước mắt mình trong phòng cấp cứu của một bệnh viện tại Hà Nội. Đêm ấy, phòng cấp cứu rất đông bệnh nhân, trong khi nhân viên y tế thì ít.

Tôi đưa người nhà vào cấp cứu, cũng phải kiên nhẫn chờ tới lượt khám. Người đàn ông nọ được người nhà đưa vào trong trạng thái tỉnh táo, vẫn nói chuyện bình thường. Ông ấy bị ngã gãy chân, được người nhà băng cố định tạm thời. Bác sĩ nhìn qua vết thương của ông rồi đến khám cho bệnh nhân khác. Khoảng 30 phút sau bác sĩ quay lại, thấy người đàn ông ngủ mê man, lay mãi không tỉnh. Các bác sĩ hoảng hốt vội tập trung lại để cấp cứu cho ông. Nhưng không kịp nữa! Có lẽ người đàn ông ấy đã chết bởi một chấn thương nào đó mà bác sĩ lúc quan sát sơ bộ thì chưa phát hiện ra. Ngay sau đó, cả phòng cấp cứu trở nên ồn ào bởi tiếng gào khóc của người nhà bệnh nhân xấu số và tiếng la mắng của người nhà những bệnh nhân còn lại. Ai cũng đòi bác sĩ phải chăm sóc cho người nhà mình ngay lập tức...

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Phòng cấp cứu của bệnh viện luôn là nơi căng thẳng tột độ: Nhân viên y tế căng thẳng, người nhà bệnh nhân căng thẳng, vì đây là ranh giới giữa sự sống và cái chết. Chỉ cần chậm vài phút trong các thao tác cấp cứu là tính mạng của một con người sẽ không giữ được. Do vậy, năng lực, trách nhiệm của nhân viên y tế tại phòng cấp cứu sẽ quyết định tính mạng của bệnh nhân. Chính vì là nơi căng thẳng tột độ, là nơi dồn tụ cảm xúc, và cũng là nơi phải tiếp nhận đủ mọi đối tượng trong xã hội nên tại phòng cấp cứu rất dễ bùng nổ những hành vi thiếu kiểm soát, trong đó có những hành động hung hãn, côn đồ.

Những vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế xảy ra liên tiếp trong thời gian qua thêm một lần nữa rung hồi chuông báo động về tình trạng an ninh, trật tự còn yếu kém tại các bệnh viện hiện nay. Đáng tiếc là tình trạng này đã được nói đến rất nhiều trong những năm qua, nhưng vẫn lặp lại, chứng tỏ là chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu. Thống kê của ngành y tế cho thấy, phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân... Hai năm vừa qua, do dịch Covid-19, môi trường làm việc tại bệnh viện đã thành môi trường làm việc khắc nghiệt hàng đầu, trong khi chế độ đãi ngộ còn kém, khiến tình trạng xin thôi việc, bỏ việc của nhân viên y tế tăng đột biến. Do đó, nếu tình trạng nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân hành hung không có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn, xử lý thì càng làm nhân viên y tế có cái nhìn tiêu cực hơn về nghề nghiệp của mình.

Hiện nay, khoản d Điều 134 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, có tình tiết tăng nặng khi người bị thương tích là “người chữa bệnh cho mình”. Lúc đó, dù cho tỷ lệ tổn thương cơ thể nạn nhân dưới 11% thì kẻ gây án vẫn sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đó là một căn cứ pháp luật tương đối mạnh để ngăn chặn nạn bạo hành nhân viên y tế, nếu được áp dụng một cách nghiêm túc. Một số ý kiến còn cho rằng cần phải đưa hành vi hành hung nhân viên y tế vào tội chống người thi hành công vụ, quy định trong Bộ luật Hình sự. Cùng với đó, ngành công an nên coi bệnh viện là một trong những trọng điểm bảo vệ an ninh. Ngành y tế cần quan tâm tăng chế độ đãi ngộ, bố trí nhân lực dày hơn cho khu vực cấp cứu, tránh để nhân viên y tế bị quá tải.

Tuy nhiên, quay trở lại câu chuyện cái chết đầy bất ngờ và xót xa của người đàn ông trong phòng cấp cứu đã đề cập ở trên, giá như lúc đó các nhân viên y tế thể hiện trách nhiệm cao hơn thì có thể kết cục bi thảm không xảy ra. Nếu như nhân viên y tế thể hiện một thái độ ân cần, tận tụy thì chắc sẽ chẳng mấy ai nỡ có những hành vi không đúng mực với họ.

Nghề y là nghề rất đặc biệt, đặc thù bởi kết quả của công việc chính là sức khỏe, tính mạng của con người. Vì thế, mỗi người trong ngành y cần luôn ý thức rõ điều này để có cách ứng xử phù hợp với lương tâm, trách nhiệm của mình.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cach-nao-de-chong-nan-bao-hanh-nhan-vien-y-te-702694