Cách nào để tuyển chọn vận động viên?
Để có một vận động viên tài năng phải mất hàng chục năm, qua nhiều khâu sàng lọc. Trong đó, việc phát hiện, tuyển chọn của các huấn luyện viên là bước đầu tiên nhưng giữ vai trò then chốt.
Để có một vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp phải trải qua rất nhiều bước và kéo dài hàng chục năm, trong đó phát hiện, tuyển chọn là khâu đầu tiên.
Đánh giá trực quan
Theo các huấn luyện viên của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương, tuyển chọn VĐV có nhiều cách. Cách khó nhất nhưng thường xuyên được áp dụng là đánh giá bằng trực quan.
Khi huấn luyện viên ở một môn cụ thể về các nơi tuyển chọn VĐV năng khiếu, họ có thể đến một lớp học vào giờ thể dục và quan sát để phát hiện. Ví dụ, để tuyển chọn VĐV cho môn đấu kiếm tương tự như cho môn đua thuyền, ban đầu huấn luyện viên "chấm" các em nhỏ dong dỏng cao, nhanh nhẹn, chân tay dài. Môn cử tạ thì cần những em có vai rộng, khối cơ phía sau gáy lớn...
Sau khi phát hiện bằng trực quan, các em nhỏ sẽ được kiểm tra bằng y học qua các bước tiếp theo như sức khỏe tim mạch, các bó cơ... Một yêu cầu quan trọng để một em nhỏ được tuyển chọn đào tạo thành một VĐV tương lai đó là chiều cao, do gần như tất cả VĐV các môn đều có yêu cầu về chiều cao, đặc biệt như môn bóng chuyền.
Còn một cách nữa để tuyển chọn VĐV đó là các huấn luyện viên theo dõi chéo VĐV ở các môn khác. Có thể VĐV không phát huy được tố chất ở môn này nhưng lại phát triển tốt ở bộ môn khác. Vừa qua, 3 VĐV môn cử tạ tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương được chuyển sang bộ môn tưởng chừng như không liên quan là bắn cung và các em đều phát triển tốt, có thể trở thành các xạ thủ tiềm năng. Điển hình nhất là VĐV cử tạ Nguyễn Thị Thiết, ban đầu là VĐV bơi, nhưng khi chuyển qua cử tạ, chị đã thể hiện rất tốt tố chất của một nữ lực sĩ và giành nhiều kỷ lục đến nay ít lực sĩ nào phá được. Nữ lực sĩ này từng giành 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc SEA Games, huy chương đồng Giải vô địch châu Á, VĐV đầu tiên của Hải Dương giành quyền tham dự một kỳ Thế vận hội; 3 huy chương vàng liên tiếp Giải cử tạ trẻ châu Á; đứng hạng 5 tại Olympic Bắc Kinh...
Hoặc võ sĩ pencak silat Trần Đình Nam ban đầu là một VĐV đua thuyền. Khi chuyển sang bộ môn mới, anh đã trở thành VĐV Hải Dương đầu tiên đoạt huy chương vàng Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD); giành huy chương vàng SEA Games và nhiều danh hiệu vô địch khác ở các giải trong nước, quốc tế. Ngoài ra, VĐV đua thuyền nổi tiếng của Hải Dương là Trần Thị Kim Oanh ban đầu cũng được đào tạo cho môn ném đẩy của điền kinh, sau đó là cử tạ...
Thông qua các giải
Để tuyển chọn VĐV đưa về đào tạo, một biện pháp khác được những người làm thể thao thường áp dụng là phát hiện thông qua các giải đấu của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, của ngành hoặc các nhà trường.
Ở các giải đấu đó, dù các VĐV nhỏ tuổi chưa thể hiện được nhiều kỹ năng, thậm chí bị thua cuộc, song các tố chất tiềm tàng có thể đào tạo để phát triển thành một VĐV trong tương lai đã được phát hiện qua quan sát của các huấn luyện viên chuyên nghiệp. Ví dụ ở các giải bóng đá, cờ vua, cầu lông... dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, các huấn luyện viên của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương luôn coi đó là dịp thuận lợi để phát hiện và tuyển chọn VĐV.
Mới 8 tuổi, là thành viên trẻ tuổi nhất của đội tuyển quần vợt Hải Dương, Lương Gia Huy (TP Hải Dương) đã được phát hiện qua các giải phong trào. Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Nguyễn Xuân Lúc, Gia Huy đã và đang bộc lộ, phát huy tốt các tố chất, có thể trở thành VĐV chuyên nghiệp.
Ở môn cầu lông, Nguyễn Thị Thu Huyền (Cẩm Giàng) cũng được phát hiện qua các giải phong trào. Tay vợt 12 tuổi này đang là thành viên đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển Hải Dương và giành nhiều thành tích ở lứa tuổi của mình tại các giải đấu. Đó là huy chương vàng đơn nữ môn cầu lông Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hải Dương lần thứ IX năm 2022; huy chương vàng Giải cầu lông các cây vợt thiếu niên, trẻ xuất sắc quốc gia năm 2022; giành 2 trong tổng số 3 huy chương vàng cho đoàn Hải Dương tại Giải cầu lông các nhóm tuổi thiếu niên quốc gia năm 2022...
Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương hiện có trên 400 VĐV luân huấn, 12 VĐV mục tiêu, 4 VĐV quốc tế, 65 kiện tướng, 10 dự bị kiện tướng và 81 VĐV cấp 1. Các VĐV thuộc 17 bộ môn của 25 đội tuyển. Hầu hết các VĐV được tuyển chọn từ khi còn rất nhỏ để đưa về huấn luyện, đào tạo và thi đấu. Nhiều em trong số này không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, phải trở về địa phương, song nhiều em bằng tài năng của mình đã tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ theo con đường thể thao chuyên nghiệp, trở thành những VĐV chủ lực của tỉnh cũng như đội tuyển quốc gia.
Để có một VĐV tài năng phải mất hàng chục năm, trong đó việc phát hiện, tuyển chọn của các huấn luyện viên là bước đầu tiên nhưng mang vai trò then chốt.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/trong-tinh/cach-nao-de-tuyen-chon-van-dong-vien-220845