Cách nào để U23 Việt Nam đánh bại U23 Ả Rập Xê Út?
Để ngăn chặn lối chơi đậm chất kỹ thuật của U23 Ả Rập Xê Út, U23 Việt Nam cần gia cố hàng phòng ngự và tận dụng điểm mạnh tấn công ở hai biên.
U23 Việt Nam có cuộc đối đầu với U23 Ả Rập Xê Út trong khuôn khổ tứ kết U23 châu Á 2022 lúc 23h hôm nay 12/6. Trận đấu với đại diện Tây Á là thử thách cực lớn cho năng lực và bản lĩnh của thầy trò HLV Gong Oh-kyun, bởi U23 Ả Rập Xê Út là đương kim á quân giải đấu, đồng thời thể hiện được bộ mặt đáng gờm dù phải chơi ở bảng đấu khó khăn.
Sức mạnh của U23 Ả Rập Xê Út
7 điểm, 7 bàn thắng là 0 bàn thua là 3 con số cho thấy đẳng cấp của U23 Ả Rập Xê Út trong suốt hành trình vòng bảng. Đội bóng của HLV Saad Al-Shehri hòa U23 Nhật Bản không bàn thắng, đánh bại kình địch U23 UAE 2-0 và nhấn chìm U23 Tajikistan 5 bàn không gỡ.
U23 Ả Rập Xê Út chưa thủng lưới bàn nào.
U23 Ả Rập Xê Út sở hữu lối chơi đậm chất kỹ thuật đặc trưng của các đội bóng Tây Á, đó là dựa vào những tình huống xử lý cá nhân và phối hợp đập nhả quãng ngắn.
Các học trò của HLV Al Shehri ưa thích những pha đi bóng qua người nhờ nền tảng kỹ thuật và tốc độ tốt. Khi rơi vào thế 1 đối 1 với U23 Ả Rập Xê Út, các hậu vệ đối thủ luôn gặp nhiều khó khăn.
Sơ đồ thường thấy mà HLV Al-Shehri sử dụng là 4-2-3-1, giúp lối chơi của U23 Ả Rập Xê Út có sự cân bằng và năng động. Đại diện Tây Á không chú trọng tạt bổng hay sút xa, mà thường tìm cách phối hợp ở trung lộ, hoặc tỉa bóng ra biên để các cầu thủ chạy cánh tìm cách qua người, rồi trả ngược lại bóng ở trung lộ.
Trong sơ đồ 4-2-3-1 của U23 Ả Rập Xê Út, vị trí của hai tiền vệ Hamed Al-Ghamdi và Ayman Yahya là quan trọng nhất. Al-Ghamdi cùng với đội trưởng Ibrahim Mahnashi là cặp tiền vệ trung tâm, nhưng thay vì đá lùi sâu để tổ chức lối chơi như Mahnashi, Al-Ghamdi được tạo điều kiện dâng cao, xâm nhập vòng cấm để gây bất ngờ cho đối thủ.
Trong khi đó, tiền vệ Yahya chơi tự do trên hàng tấn công, di chuyển linh hoạt từ cánh trái, cánh phải đến trung lộ. Số 7 của U23 Ả Rập Xê Út rất mạnh ở những tình huống rê bóng cắt vào trong rồi dứt điểm. Cách chơi của Yahya mang nét đặc trưng của các cầu thủ kỹ thuật Tây Á khi luôn ưa thích xuống bóng ở biên, rồi tận dụng kỹ thuật để tạo đột biến.
Cũng giống đội tuyển quốc gia, U23 Ả Rập Xê Út không chỉ sở hữu các cầu thủ với kỹ thuật rê dắt tốt, mà còn giỏi khai thác khoảng trống bằng những đường thả bóng (chọc khe bổng) ra sau lưng bộ đôi trung vệ.
Các học trò của HLV Al-Shehri thường xuyên đứng ở không gian giữa các tuyến phòng ngự của đối thủ, rồi di chuyển trên lằn ranh việt vị để tìm cơ hội đón những đường chuyền dài. Nhờ vậy, U23 Ả Rập Xê Út chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự cực nhanh.
Với 2 cánh luôn sẵn sàng dâng cao cùng tuyến tiền đạo có xu hướng bó vào trung lộ, U23 Ả Rập Xê Út có thể nhanh chóng tạo ra pha tấn công với quân số áp đảo để bủa vây cầu môn đối thủ.
U23 Ả Rập Xê Út (áo trắng) giàu đột biến trong tấn công.
U23 Việt Nam đối phó thế nào?
Chặn đứng hàng công ghi trung bình 2 bàn/trận của U23 Ả Rập Xê Út là nhiệm vụ khó khăn. Hàng thủ tuyển Việt Nam từng vỡ vụn khi Ả Rập Xê Út gây sức ép dồn dập ở trận lượt đi vòng loại thứ ba World Cup 2022.
U23 Ả Rập Xê Út có đủ quân số để gây áp lực kiểu này, nhất là khi vừa được chi viện 2 tuyển thủ QG là tiền đạo Firas Al-Buraikan và trung vệ Hassan Tambakti. Buraikan đã ghi 6 bàn qua 22 trận cho đội tuyển, trong đó có 3 bàn ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, còn Tambakti cũng 13 lần khoác áo đội tuyển.
Tuy nhiên, U23 Việt Nam vẫn có cách đối phó. Điểm tựa đầu tiên là thống kê lịch sử, khi 5 lần gần nhất đối đầu các đội Tây Á ở giải U23 châu Á, U23 Việt Nam không thua. U23 Ả Rập Xê Út rất mạnh, nhưng lối chơi vẫn mang bản sắc Tây Á, tức là ưa kỹ thuật và thường mất tập trung ở một số thời điểm.
Trong trận hạ màn gặp U23 UAE, U23 Ả Rập Xê Út từng ở rất gần bàn thua. Đó là khi U23 UAE kiên nhẫn phòng ngự, rồi tận dụng hàng thủ đối phương dâng cao để tấn công chớp nhoáng. Nếu cột dọc không cứu thua tới 2 lần, thầy trò Al Shehri đã có thể gặp nguy hiểm.
U23 Việt Nam từng nhiều lần so tài với các đội Tây Á, trong đó có trận giao hữu với U23 UAE trước giải, hay trận giao hữu gặp U23 Iraq ở Dubai Cup để hiểu được phần nào cách đá này. Để chặn đứng U23 Ả Rập Xê Út, trước tiên U23 Việt Nam phải chơi phòng ngự kỷ luật và chặt chẽ, với các tuyến bọc lót cho nhau kín kẽ.
Vai trò của Bùi Hoàng Việt Anh (trái) cần được thể hiện.
Ở vòng bảng, U23 Việt Nam gây ấn tượng với lối chơi pressing quyết liệt tầm cao để ngăn đối thủ triển khai bóng. Dù vậy, chơi như vậy trước U23 Ả Rập Xê Út là con dao hai lưỡi. Với 2 tiền vệ trụ giỏi xoay sở trong không gian hẹp cùng 4 cầu thủ chạy cánh giàu tốc đọ, U23 Việt Nam dễ bị đối thủ khoan phá lớp pressing tầm cao. Khi ấy, khoảng trống giữa hai tuyến sẽ lộ ra và hàng phòng ngự bị đe dọa từ nhiều hướng.
Lựa chọn khả dĩ nhất với U23 Việt Nam ở trận này là phòng ngự chặt trong vòng cấm và pressing mạnh ở tuyến giữa, đồng thời lựa chọn thời điểm để gây áp lực, thay vì dồn sức chạy cả trận.
Các học trò của HLV Gong Oh-kyun có thể chơi với đội hình lùi thấp, chờ đối thủ đẩy cao đội hình rồi phản công. Đây là lúc U23 Việt Nam cần kinh nghiệm của bộ đôi Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình nhất. Nếu bộ đôi này giữ được sự tỉnh táo ở khâu bọc lót và đọc tình huống, hàng thủ U23 Việt Nam sẽ đứng vững.
U23 Ả Rập Xê Út đặt mục tiêu thắng trận này trong 90 phút để tiết kiệm sức lực cho bán kết. Do đó, đội bóng của HLV Al-Shehri buộc phải đẩy cao đội hình tấn công, còn U23 Việt Nam không cần vội vàng như thế.
Trận đấu càng kéo dài, Phan Tuấn Tài cùng đồng đội càng có lợi. U23 Việt Nam rất cần sự tỉnh táo để kéo trận đấu vào thế trận giằng co, rồi chờ đợi đối thủ sốt ruột để tung đòn. Nhờ nghỉ nhiều hơn 1 ngày, U23 Việt Nam đang có ưu thế nhỉnh hơn về thể lực.
Vấn đề của U23 Việt Nam là phải chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công thật nhanh. 3 trận đã qua, các hậu vệ biên của HLV Gong Oh-kyun đóng góp ấn tượng cho khâu tấn công khi in dấu giày vào 3 bàn thắng, tuy nhiên, dấu ấn của các tiền vệ ở khâu kiểm soát bóng và phản công là chưa nhiều.
U23 Việt Nam cần thêm những miếng đánh phản công ở tốc độ cao để gây áp lực ngược lại với đối phương, giảm gánh nặng cho hàng phòng ngự.
Lê Minh Bình (số 11) được tin dùng để củng cố tốc độ cho cánh trái?
"Khi ở thế cửa dưới và phải gặp đối thủ toàn diện, U23 Việt Nam không có nhiều lựa chọn. Họ phải phòng ngự chặt khi không có bóng, đồng thời tổ chức phản công ngay khi có cơ hội. Đó là chìa khóa của đội.
Nếu liều lĩnh đẩy cao đội hình tấn công, U23 Việt Nam sẽ trả giá đắt. Giống như các trận trước, nếu U23 Việt Nam ghi bàn mở tỷ số, họ sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng, có thể tăng lên từ 50-65%. Tuy nhiên, tấn công để tìm bàn dẫn trước là canh bạc với U23 Việt Nam", cựu HLV tuyển nữ Việt Nam, ông Steve Darby phân tích.
Một vị trí nữa HLV Gong Oh-kyun cần lưu ý là tiền vệ phòng ngự, nơi Lương Duy Cương và Trần Văn Công đều chưa hoàn thành nhiệm vụ. Duy Cương là trung vệ được đẩy lên chơi tiền vệ phòng ngự, nên phần nào bộc lộ điểm yếu ở khả năng chọn vị trí đánh chặn và phát triển bóng. Còn Văn Công phạm tới 4 lỗi trong hiệp 1 trận gặp U23 Malaysia và bị rút ra nghỉ.
U23 Ả Rập Xê Út rất mạnh ở những miếng đánh tuyến hai (2/7 bàn được ghi theo cách này), nên khâu phòng ngự từ xa cần được đảm bảo hơn, với ít nhất 2 tiền vệ phòng ngự thay nhau giữ vị trí.
Sau cùng, U23 Việt Nam cần giữ tỉnh táo trước những pha đi bóng khôn khéo và tinh quái của đối thủ. U23 Ả Rập Xê Út được hưởng 2 quả phạt đền, khiến đối thủ bị đuổi 2 người ở những trận đã qua. Đó đều là những tình huống mà cầu thủ U23 Ả Rập Xê Út khôn khéo cài đối thủ vào bẫy.
Sự tỉnh táo và kỷ luật là vũ khí quan trọng nhất để giúp U23 Việt Nam vượt qua thử thách này.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cach-nao-de-u23-viet-nam-danh-bai-u23-a-rap-xe-ut-ar681897.html