Cách nào để việc mua nhà không trở thành gánh nặng quá lớn về kinh tế
Trong quan niệm của không ít người Việt đều cho rằng cần phải an cư rồi mới lạc nghiệp. Vì thế, việc sở hữu một ngôi nhà luôn là ước muốn của nhiều người, nhất là những cặp vợ chồng trẻ lập nghiệp ở thành thị. Nhưng có một thực tế là xét trên mặt bằng chung thu nhập và giá nhà hiện nay thì việc mua một căn nhà là chuyện vô cùng khó với không ít gia đình.
Anh Thân, quê Thái Nguyên lập gia đình năm 2010 và đã quyết định lập nghiệp tại Hà Nội. Ngay từ đầu vợ chồng anh đã đặt mục tiêu là phải có được một chỗ ở ổn định, nhưng sau nhiều năm phấn đấu thu nhập của hai vợ chồng cũng không có nhiều bứt phá. Để phục vụ cho việc mua nhà, vợ chồng anh Thân đã quyết định tăng cường dành dụm tiền tiết kiệm mỗi tháng. Tới năm 2015, anh chị cũng tích lũy được hơn 400 triệu đồng, cộng thêm các khoản thu nhập khác và bố mẹ hai bên cho, hai vợ chồng có 700 triệu đồng tích lũy.
Với suy nghĩ căn hộ chung cư sau này sẽ mất giá nên vợ chồng anh Thân quyết định mua nhà đất, dù biết phải vay thêm khá nhiều tiền. Tìm kiếm trên mạng, qua các chỗ quen biết, cuối cùng anh cũng tìm được một ngôi nhà nhỏ ở Thanh Trì với giá 1,2 tỷ đồng. Vậy là anh chị phải vay ngân hàng 500 triệu đồng. Ban đầu hai vợ chồng tính toán sẽ chỉ dùng lương của vợ để trang trải sinh hoạt, còn lương của chồng để trả nợ ngân hàng.
Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó không như dự tính, khi hết thời hạn ưu đãi 7,8%, lãi suất thả nổi lên 11%, rồi 11,5% mà công việc của anh Thân lại không như ý, vật giá leo thang, khiến cuộc sống của anh chị rất chật vật. Vợ anh Thân lúc này cũng mất việc, cuối cùng chị lại đành về phụ giúp chồng buôn bán nhưng cửa hàng của anh chị làm ăn không thuận lợi. Hai vợ chồng chỉ còn biết thở dài, cố gắng thắt chặt chi tiêu và kiếm thêm thu nhập. Anh Thân cho biết, nếu được chọn lại anh sẽ chưa mua gấp căn nhà và chờ đợi khi có đủ khả năng tài chính mới dám quyết định.
Không giống như vợ chồng anh Thân, vợ chồng anh Vinh (quận Đống Đa, Hà Nội) cưới nhau được hơn 1 năm, số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng 2 anh chị vẫn liều lĩnh thế chấp sổ đỏ căn nhà của bố mẹ anh Vinh trị giá khoảng 5 tỷ đồng ở quận nội thành để vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng mua một miếng đất để sau này xây cất nhà.
Để vay được mức này, vợ chồng anh Vinh được nhân viên tín dụng ngân hàng tư vấn cách khai và chứng minh 2 vợ chồng có tổng thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng, trong khi thực tế thu nhập của 2 vợ chồng anh mỗi tháng chỉ khoảng 25 triệu đồng. Thực tế, sau chỉ 2 năm vay nợ, đẻ thêm một con, mỗi tháng phải trả cả lãi lẫn gốc khoảng 17-18 triệu đồng cho ngân hàng, vợ chồng anh Vinh thực sự thấy đuối. Vì lẽ đó, vợ chồng anh đã rao bán miếng đất để tính phương án thanh lý khoản vay với ngân hàng do không thể kham nổi, dù miếng đất đó rao bán thời điểm này không hề được giá.
Một câu chuyện khác là của gia đình chị Hương khi quyết định mua lại một căn hộ chung cư diện tích lớn, giá trị vượt quá khả năng chi trả nên cũng đang đau đầu gánh nợ. Theo chị Hương, năm ngoái, vợ chồng chị liều lĩnh mua căn hộ ở Hà Đông với giá 1,6 tỷ đồng, với suy nghĩ cố gắng một chút để được ở rộng rãi. Số tiền anh chị vay nợ ngân hàng lên đến tiền tỷ, chưa kể một vài khoản vay người thân và tiền làm nội thất.
Trong thời gian lãi suất ưu đãi, hai vợ chồng chi tiêu dè sẻn nên vẫn theo được. Nhưng từ đầu năm nay, ngân hàng áp dụng lãi suất thả nổi khiến số tiền phải trả mỗi tháng không giảm đi mà còn tăng lên dù đã trả bớt được tiền gốc trong gần 1 năm qua. Khốn đốn nhất là giữa năm nay, Cty của chồng chị Hương rơi vào khó khăn phải cắt giảm lương. Tới giờ chị Hương cứ luyến tiếc đã không tính toán rủi ro về công việc, nằng nặc đòi mua căn hộ lớn khiến vợ chồng phải chịu áp lực tài chính nặng nề.
Theo TS.LS Bùi Quang Tín, Chủ tịch kiêm CEO trường Doanh nhân BizLight, chuyên gia kinh tế chia sẻ, không thể phủ nhận nhiều người nhờ liều lĩnh mua nhà mà có động lực phấn đấu, chi tiêu hợp lý để sớm tất toán khoản nợ, nhưng cũng không ít trường hợp gặp những khó khăn bất ngờ về công việc, ốm đau bệnh tật… khiến khoản nợ vay trở thành gánh nặng.
“Do đó, tỷ lệ vàng khi đi vay theo các chuyên gia tài chính là khoảng 30-40% giá trị ngôi nhà, nhằm đảm bảo bạn vẫn còn dư dả tiền sinh hoạt cũng như không rơi vào bẫy lãi suất khi đi vay. Nếu muốn vay quá 50% giá trị ngôi nhà, thu nhập của hai vợ chồng phải cao và ổn định, miễn sao tổng chi phí trả lãi ngân hàng không chiếm quá 40% thu nhập tháng”, ông Tín cho biết.