Cách nào để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 công bố ngày 2-6 tại Hà Nội đã nghiên cứu và đề xuất một số kịch bản phát triển để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Báo cáo cho thấy Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí hiệu quả bằng cách điện khí hóa mạnh mẽ ngành công nghiệp và giao thông vận tải cùng với mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo và thực hiện các mục tiêu tham vọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, Báo cáo đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông, theo đó điện khí hóa ngành giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu điện phân, và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hóa sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải cacbon và ô nhiễm không khí.
Báo cáo, theo dự kiến, sẽ cung cấp một số thông tin đầu vào cho việc thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 của Việt Nam (QHĐ8), Quy hoạch Tổng thể Năng lượng Quốc gia, Chiến lược Biến đổi Khí hậu của Việt Nam cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của chính phủ.
Một thành phần quan trọng khác trong cơ cấu năng lượng tương lai ở Việt Nam là điện gió ngoài khơi. Với QHĐ8, Việt Nam sẽ bắt đầu một ngành công nghiệp mới – ngành điện gió ngoài khơi. Công nghệ này hoàn toàn khác với công nghệ gió gần bờ hiện có, mà đôi khi vẫn được gọi là các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Trên thực tế, điện gió ngoài khơi hoàn toàn khác biệt với điện gió gần bờ và được phân biệt bằng khoảng cách từ trang trại gió đến bờ, quy mô công suất và công nghệ.
Nhờ tuabin gió có kích thước lớn hơn và hiệu suất cao hơn, vốn và chi phí vận hành thấp hơn, cũng như các tiến bộ công nghệ khác, giá thành điện gió ngoài khơi đã giảm trên toàn cầu. Đây là yếu tố và động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng và rộng rãi của loại hình công nghệ này.
Đan Mạch là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi kể từ năm 1991 khi Đan Mạch đưa vào vận hành trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, Đan Mạch cũng đi đầu trong việc giảm chi phí điện gió ngoài khơi. Gói thầu dự án điện gió ngoài khơi 1.000 MW hoàn thành vào cuối năm 2021 ở Đan Mạch đã thiết lập một kỷ lục mới về giá và cho thấy khả năng cạnh tranh của công nghệ điện gió ngoài khơi khi có các điều kiện pháp lý thuận lợi.
Tiếp theo lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021, hội thảo "Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam" đã được tổ chức cùng ngày để giải đáp câu hỏi làm thế nào và khi nào ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ các xu hướng giá toàn cầu tại các thị trường đã phát triển.
Tại hội thảo này, ông Erik Kjær, cố vấn trưởng của Cục Năng lượng Đan Mạch, đã chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch về việc xây dựng chính sách dài hạn và ổn định để giúp giảm giá thành điện gió ngoài khơi. Đặc biệt, ông đã trình bày về gói thầu gần đây cho trang trại gió ngoài khơi Thor có công suất 1.000 MW ở Đan Mạch để chứng minh rằng điện gió ngoài khơi có thể cạnh tranh với các công nghệ phát điện khác về giá mà không cần trợ cấp của chính phủ. Một số tập đoàn đầu tư phát triển điện gió toàn cầu có kinh nghiệm cũng chia sẻ góc nhìn của họ về định hướng phát triển phù hợp nhất cho Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của nhiều quan chức, chuyên gia trong ngành và khu vực tư nhân trong lĩnh vực năng lượng.
"Đối thoại minh bạch giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư về chia sẻ rủi ro và xây dựng một khuôn khổ pháp lý thuận lợi là bài học kinh nghiệm quý báu nhất từ Đan Mạch. Nếu không tạo ra được môi trường đầu tư cạnh tranh, Việt Nam sẽ khó có khả năng thu hút được các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết cho phát triển ngành này"- đại diện Đại sứ quán Đan Mạch cho biết.