Cách nào đốc thúc 'ông lớn' xuyên biên giới nộp thuế?
Kiếm hàng tỷ USD từ Việt Nam, nhưng các công ty công nghệ xuyên biên giới mới chỉ nộp phần nhỏ tiền thuế nhà thầu. Nhiều giải pháp đã, đang được đề xuất, triển khai nhằm chống thất thu thuế.
Doanh thu khổng lồ, nộp thuế chưa tương xứng
Theo thống kê, hiện có khoảng 30 tập đoàn, công ty công nghệ lớn hoạt động xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua các tổ chức, cá nhân ở trong nước khấu trừ, nộp thay.
Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, giai đoạn từ năm 2018 đến hết tháng 6/2022, số thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.432 tỷ đồng. Trong đó, các nhà thầu nộp thay Facebook 2.071 tỷ đồng; Google 2.034 tỷ đồng; Microsoft 692 tỷ đồng, TikTok 34,5 tỷ đồng, Netflix 7,8 tỷ đồng…
Nhưng, những con số này mới chỉ là thuế nhà thầu khấu trừ, bản thân các công ty công nghệ xuyên biên giới không trực tiếp nộp thuế, mặc dù họ đã kiếm hàng tỷ USD từ Việt Nam.
Điển hình, Facebook (Meta) từng công bố, mỗi người dùng mang lại doanh thu quảng cáo 10 USD/năm cho họ. Như vậy, với hơn 70 triệu người dùng tại thị trường Việt Nam, mức doanh thu tối thiểu mà Facebook có thể đạt là 700 triệu USD/năm. Còn theo tính toán của các công ty quảng cáo trực tuyến, nếu tính theo mức tối thiểu hiển thị quảng cáo thu phí người dùng, thì doanh thu tối thiểu của Facebook tại Việt Nam là gần 1,4 tỷ USD/năm.
Tương tự, với 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam (theo thống kê của App Annie), chỉ tính ở mức gói cước cơ bản (180.000 đồng/tháng), mỗi năm, Netflix có thể thu về 3.456 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện Netflix mới chỉ nộp 7,8 tỷ đồng tiền thuế nhà thầu.
Thậm chí, WeTV (hơn 630.000 người dùng), iQIYI (hơn 445.000 người dùng), iFlix, Apple TV đang đều đặn thu phí người dùng tại Việt Nam, nhưng chưa nộp đồng thuế nào, kể cả thuế nhà thầu.
Có thể thấy, con số thất thu thuế từ các công ty công nghệ xuyên biên giới là rất lớn, chưa kể đến việc xác định đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế và giá trị để tính thuế của hơn 100 nền tảng thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn bán hàng hóa và 98 sàn cung cấp dịch vụ đang hoạt động tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) chia sẻ, mặc dù ngành thuế đang sử dụng nhiều biện pháp để rà soát, truy vết thông tin, quản lý và truy thu thuế, số thu từ hoạt động thương mại điện tử dần tăng cao, nhưng thực sự chưa tương xứng với tốc độ phát triển của lĩnh vực này.
Chống thất thu thuế bằng cách nào?
Đề cập giải pháp chống thất thu thuế, ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều hình thức, giải pháp tuyên truyền, trao đổi, vận động trực tiếp các nhà cung cấp của nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam; hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán có các nhà cung cấp nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam, một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn (như Ernst & Young, KPMG, PwC, Deloitte) để đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp của nước ngoài.
Từ góc nhìn chuyên gia, theo PGS-TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới, nhất thiết phải áp dụng công nghệ ở trình độ ngày càng cao.
“Ngành thuế cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên Internet, từ đó làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế. Để làm được điều này, cần dựa trên nền tảng dữ liệu lớn để tích hợp các nguồn thông tin. Cùng với đó, phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình thương mại điện tử thanh toán tiền mặt”, PGS-TS. Lê Xuân Trường khuyến nghị.
Về lâu dài, vị chuyên gia này cho rằng, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số.
Trong khi đó, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đề xuất, ngành thuế đầu tư xây dựng các công cụ phần mềm chuyên dụng trong tìm kiếm dấu vết, phát hiện và xử lý giao dịch thương mại điện tử có gian lận, “né” thuế. Ngoài cơ quan thuế, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại trong trao đổi thông tin, thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
“Chỉ khi có nguồn thông tin tin cậy, cơ quan thuế mới đưa ra được các giải pháp quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiệu quả”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Được biết, để chống thất thu thuế hoạt động thương mại điện tử, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chương trình làm việc và ký thỏa thuận hợp tác để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đồng thời xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang đề xuất: sàn thương mại điện tử được ủy quyền để nộp thuế thay những người tham gia sàn, có như vậy mới cấp phép để sàn thương mại điện tử hoạt động. Đồng thời, cần sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành trong việc quản lý sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong tương lai, cần xây dựng hệ thống công nghệ để kiểm soát và tự động thu tiền thông qua hệ thống ngân hàng xuyên biên giới.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cach-nao-doc-thuc-ong-lon-xuyen-bien-gioi-nop-thue-d172937.html