Cách nào khắc phục suy dinh dưỡng ở người trưởng thành?

Suy dinh dưỡng ở người trưởng thành có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ mắc bệnh mạn tính, thậm chí rút ngắn tuổi thọ…

1. Dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng ở người trưởng thành

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) suy dinh dưỡng đề cập đến sự thiếu hụt, dư thừa hoặc mất cân bằng trong việc cung cấp năng lượng và/hoặc chất dinh dưỡng của một người.

Thuật ngữ suy dinh dưỡng đề cập đến 3 nhóm tình trạng như suy dinh dưỡng, bao gồm gầy còm (cân nặng thấp theo chiều cao), thấp còi (chiều cao thấp theo tuổi) và thiếu cân (cân nặng thấp theo tuổi).

Suy dinh dưỡng liên quan đến vi chất dinh dưỡng, bao gồm thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (thiếu vitamin và khoáng chất quan trọng) hoặc dư thừa vi chất dinh dưỡng; suy dinh dưỡng, bao gồm thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống (như bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường và một số bệnh ung thư).

Vào năm 2022, trên thế giới có 2,5 tỷ người trưởng thành bị thừa cân, trong đó có 890 triệu người mắc bệnh béo phì và 390 triệu người bị thiếu cân.

Theo ThS. BS. Phạm Trần Thiên Nhân, giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, một số dấu hiệu suy dinh dưỡng ở người trưởng thành bao gồm:

Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
Giảm sức đề kháng, dễ ốm vặt.
Thiếu máu.
Rụng tóc, khô da, dễ gãy móng tay.
Sưng lợi, chảy máu chân răng...

Khi bị suy dinh dưỡng hay thiếu năng lượng trường diễn (CED) sẽ làm giảm khối lượng cơ, qua đó suy giảm hiệu suất vận động và năng suất lao động. Nghiên cứu cho thấy cứ tăng chỉ 1% BMI có thể giúp tăng 0.8% hiệu suất làm việc.

Bên cạnh đó, thiếu năng lượng trường diễn còn làm giảm đáng kể tuổi thọ, cụ thể những người ở tuổi 40 không hút thuốc nhưng có BMI < 18.5="">2 có thể bị giảm hơn 4 năm tuổi thọ.

Mệt mỏi, sụt cân bất thường có thể là dấu hiệu suy dinh dưỡng ở người trưởng thành.

Mệt mỏi, sụt cân bất thường có thể là dấu hiệu suy dinh dưỡng ở người trưởng thành.

2. Nguyên nhân khiến người trưởng thành bị suy dinh dưỡng

ThS. BS. Phạm Trần Thiên Nhân cho biết, suy dinh dưỡng, thiếu năng lượng trường diễn thường do hai nhóm nguyên nhân sau:

- Do tình trạng bệnh lý:Người mắc ung thư, hội chứng kém hấp thu, các bệnh lý đường tiêu hóa…

- Do khẩu phần ăn không đáp ứng đủ: Nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng là sự thiếu hụt dinh dưỡng do nghèo đói, thiếu lương thực thực phẩm.

- Nguyên nhân khác: Trên thực tế, theo thống kê của WHO, tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, các nước có thu nhập cao thậm chí còn có tỉ lệ thiếu năng lượng trường diễn cao hơn các nước có thu nhập thấp, đặc biệt là ở phụ nữ.

Điều này cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng còn chịu tác động bởi sự tương tác phức tạp của nhiều yếu tố xã hội như bất bình đẳng giới, văn hóa ăn kiêng hà khắc, rối loạn ăn uống tâm lý.

Người mắc bệnh lý đường tiêu hóa dễ bị suy dinh dưỡng.

Người mắc bệnh lý đường tiêu hóa dễ bị suy dinh dưỡng.

3. Có khắc phục được tình trạng suy dinh dưỡng ở người trưởng thành không?

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm đạt mục tiêu cải thiện cân nặng, điều chỉnh các thiếu hụt dinh dưỡng và duy trì chức năng tế bào, bồi hoàn mô mất.

Theo đó, cần thực hiện theo nguyên tắc:

- Nhu cầu năng lượng: Tăng từ 20 kcal/kg cân nặng/ngày cho tới 40 - 45 kcal/kg cân nặng/ngày tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và mức độ dung nạp của người bị suy dinh dưỡng để bồi hoàn sự thiếu hụt.

- Protein: Tăng dần để đạt 1,5g/kg cân nặng/ngày, ưu tiên nguồn protein có giá trị sinh học cao từ nguồn động vật và các cách chế biến để tạo ra món ăn có đậm độ năng lượng cao.

- Lipid : Chiếm 20 - 30% tổng năng lượng hàng ngày.

- Glucid: Chiếm 60 - 65% tổng năng lượng hàng ngày.

Bên cạnh đó, bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng cần chú ý bổ sung các vi chất dinh dưỡng như kali, phospho, magie, kẽm, vitamin B1.

Tuy nhiên, để phòng ngừa và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu năng lượng trường diễn, bên cạnh đảm bảo chế độ ăn uống phù hợp, ThS. BS. Phạm Trần Thiên Nhân khuyến cáo mỗi người cần:

Có mục tiêu cân nặng hợp lý và khoa học.
Xây dựng bữa ăn cân đối, đa dạng, đủ năng lượng và chất dinh dưỡng.
Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ.
Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, đường, muối.
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất thiết yếu.
Kết hợp luyện tập thể dục thể thao, sinh hoạt lành mạnh, điều hòa cảm xúc.

Mời bạn xem tiếp video:

Phòng chống suy dinh dưỡng cấp tính: Nguyên nhân và cách điều trị | SKĐS

Nguyễn Lê Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-nao-khac-phuc-suy-dinh-duong-o-nguoi-truong-thanh-169240605205452467.htm