Cách nào khơi thông dòng khách quốc tế đến Việt Nam?
Từ một nước đi đầu về mở cửa du lịch, Việt Nam nay lại đang tụt hậu đáng kể so với các quốc gia cùng khu vực, mà nguyên nhân quan trọng nhất đến từ thời hạn miễn thị thực quá ngắn.
Visa – từ điểm cộng thành điểm trừ
Tại Hội nghị trực tuyến “Thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết ngành du lịch thời gian qua đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Đơn cử, hầu hết thị trường khu vực Đông Bắc Á – chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam – tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch, hay Trung Quốc hiện vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế. Trong khi đó, xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam – Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực, ông Hùng phân tích.
Theo đó, nhiều nước trong khu vực tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh bằng việc miễn thị thực cho khách quốc tế, như Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia, Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia, Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia, trong khi Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia.
Cùng với đó, thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 – 45 ngày, thậm chí là 90 ngày như tại Thái Lan.
Đại diện lãnh đạo ngành du lịch nhận định về chính sách visa, chưa có chính sách đặc thù cho bối cảnh mới với yêu cầu cấp thiết của việc thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch hậu Covid-19.
Thời hạn miễn thị thực 15 ngày rất ngắn so với các quốc gia trong ASEAN, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, thường đi du lịch 3 – 4 tuần.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng chính sách visa thực hiện từ ngày 15/3 – ngày mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các cửa khẩu, bằng đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không – đến nay đã không còn phù hợp, gây nhiều khó khăn cho khách quốc tế.
“Nếu chính sách visa từ ngày 15/3/2022 là điểm cộng, thì đến nay, lại là điểm trừ. Chúng ta không tận dụng được lượng khách đi liên tuyến nếu vẫn tiếp tục chính sách visa như hiện nay”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị bàn tròn Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột “Dịch vụ hàng không – du lịch” gần đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định khi Việt Nam mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện mới sau ngày 15/3, Việt Nam có cơ hội tốt để bùng nổ. Các địa phương và doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng để đón khách quốc tế, nhưng kết quả lại không như kỳ vọng.
Ráo riết mở cửa, vì đâu du lịch Việt vẫn ‘đói’ khách quốc tế?
Ông Thiên cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này nằm ở vấn đề thị thực – câu chuyện “khác thường” và “lạ lùng” của Việt Nam. Theo đó, kể từ khi mở cửa đến nay, Việt Nam vẫn chỉ cho phép miễn visa với 13 nước, và thời gian miễn visa chỉ 15 ngày, trong khi trước dịch là 30 ngày.
“Nước ta đã an toàn nhưng chính sách vẫn không thay đổi, nên “không thể đồng nhịp với thế giới”, vị này đánh giá.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá đủ lực và đủ nhạy bén để đưa ngành công nghiệp không khói này hồi sinh. Với “độ nén” hiện nay, ngành du lịch sẽ thực sự bùng nổ khi được tháo gỡ về thể chế.
“Thể chế chính là vấn đề cần tập trung trong giai đoạn hiện nay”, ông nhấn mạnh.
Ở phía doanh nghiệp, ông Đinh Việt Phương – Giám đốc điều hành hãng hàng không Vietjet, cũng nhận định rằng vấn đề thị thực là rào cản đầu tiên cần tháo gỡ để có thể phục hồi du lịch quốc tế.
Vietjet Air gần đây đã tiên phong “gõ cửa” thị trường Ấn Độ nhằm bù đắp thiếu hụt khi các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đông Bắc Á chưa mở cửa trở lại. Thực tế cho thấy nhu cầu của thị trường này rất lớn, nhưng lại vướng vấn đề thị thực.
“Chúng tôi đề nghị cần sớm giải quyết vấn đề này để ngành hàng không và du lịch sớm có điều kiện phục hồi”, lãnh đạo Vietjet đề xuất.
Hiến kế để ‘hút’ thêm khách quốc tế
Với vấn đề khó khăn về visa như trên, ông Kỳ đề nghị nên có chính sách visa thông thoáng, phù hợp, cần có chính sách multi visa (thị thực du lịch nhiều lần).
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cũng cho rằng cần mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, kéo dài thị thực lên 30 đến 45 ngày và được gia hạn nhiều lần, tương tự như Thái Lan. Đồng thời, mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử.
Tên miền nên được thay đổi để khách nước ngoài dễ tìm kiếm hơn, giao diện thân thiện với khách du lịch quốc tế.
Để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất, cần áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách, và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ.
Thủ tướng: Cung cấp dịch vụ khách du lịch cần chứ không chỉ cái sẵn có
Cùng với đó, kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam, cũng như xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế.
Ngoài ra, cần tăng cường vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tiếp và kết nối lại doanh nghiệp, cập nhật các chính sách của các nước cạnh tranh trong khu vực, để có sự điều chỉnh hợp lý trong hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông du lịch.
Đồng thời, mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nguồn khách du lịch của Việt Nam, nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, với đường bộ, đường biển, cải thiện dịch vụ vận tải nói chung.
Chia sẻ các giải pháp thu hút khách quốc tế, Phó tổng giám đốc Saigon Toutist Võ Anh Tài đề nghị cần đa dạng hóa thị trường du lịch.
Các thị trường du lịch trọng điểm như Trung Quốc, Đông Bắc Á chưa có dấu hiệu hồi phục do chính sách phòng, chống dịch Covid-19, cùng với xung đột, suy thoái kinh tế ở nhiều nước, nên Việt Nam cần tích cực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, khơi thông từng bước các thị trường du lịch quốc tế này.
“Nếu khai thông được thì việc tăng trưởng và phục hồi trở lại sẽ rất nhanh", ông Tài nhận định. Bên cạnh đó, cần thu hút các thị trường truyền thống và thị trường mới.
Phó tổng giám đốc Saigon Toutist cũng đề xuất tăng cường khai thác du lịch cao cấp quốc tế khách du lịch MICE đến Việt Nam với các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế, đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao, văn hóa quốc tế, tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương.