Cách nào thu hút tài năng trẻ?

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và cạnh tranh toàn cầu về tri thức, bài toán đặt ra là làm sao để thu hút được những người giỏi đang làm việc ở nước ngoài quay về hoặc đồng hành từ xa để góp phần phát triển đất nước.

Không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu đang rất cần những chính sách đột phá, môi trường làm việc hấp dẫn và cơ chế linh hoạt để khơi dậy khát vọng trở về cống hiến cho đất nước.

Trân trọng sự sáng tạo

TS. Nguyễn Văn Phúc, giảng viên tại Western Sydney Việt Nam, Trường Tài năng UEH.ISB, Đại học UEH, không chỉ được biết đến như là một nhà nghiên cứu được mời vào hội đồng bình duyệt của nhiều tạp chí quốc tế, mà còn là chuyên gia trực tiếp tham gia vào các nhóm tư vấn chính sách cho Chính phủ trong nhiều vấn đề chiến lược như thuế đối ứng, đường sắt tốc độ cao hay mô hình phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế.

Với vai trò Trưởng nhóm Tác động Chính sách của mạng lưới Tài chính và Ngân hàng (FBNet), anh đang tích cực kết nối các trí thức trẻ trong và ngoài nước để hiến kế và hành động vì tương lai Việt Nam.

“Không ai muốn đứng ngoài cuộc, nhưng đôi khi chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu, đóng góp vào chỗ nào. Nếu có những đầu bài cụ thể, được cập nhật thường xuyên, trí thức trẻ Việt ở bất cứ đâu cũng có thể chung tay. Chỉ cần trong nước đặt hàng, chúng tôi bắt tay làm ngay”. Anh Lê Đức Anh, Trường Đại học Công nghệ Bắc Kinh

Theo TS. Nguyễn Văn Phúc, sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới không thể tách rời khỏi nguồn lực trí thức. “Trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu chính là nguồn tài nguyên quý giá. Nếu có cơ chế linh hoạt, văn hóa trân trọng sáng tạo và các dự án cụ thể để họ cùng tham gia, chúng ta sẽ có một đội ngũ đồng hành đầy sức mạnh với đất nước”, anh khẳng định.

Anh đề xuất, phát triển một cổng thông tin hoặc cộng đồng số dành riêng cho trí thức trẻ Việt Nam, nơi cập nhật các vấn đề quốc gia đang cần lời giải từ các chuyên gia. “Nếu có mạng lưới theo lĩnh vực, nơi mọi người có thể gặp nhau, thảo luận và cộng tác thường xuyên, nhiệt huyết sẽ được duy trì và đóng góp sẽ hiệu quả hơn nhiều”, TS. Phúc nói.

 Các đại biểu tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025. ẢNH: XUÂN TÙNG

Các đại biểu tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025. ẢNH: XUÂN TÙNG

Kinh nghiệm từ các hoạt động của FBNet và AVSE Global, TS Phúc cho rằng, khi trí thức trẻ trong và ngoài nước phối hợp, giá trị tạo ra có tính thực tiễn cao. “Chúng tôi từng xây dựng các báo cáo tư vấn về tài chính xanh, đường sắt cao tốc, thuế quan… với sự tham gia của các chuyên gia Việt ở nhiều nước.

Chính sự kết hợp này giúp ý tưởng vừa mới, vừa sát với tình hình thực tế”, TS. Phúc chia sẻ. Mô hình này có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như chuyển đổi số trong giáo dục, năng lượng tái tạo hay phát triển đô thị thông minh.

“Cống hiến sẽ bền vững hơn nếu được lắng nghe và trân trọng”, TS. Phúc nhấn mạnh. Anh đề xuất có giải thưởng hoặc danh hiệu vinh danh những sáng kiến hiệu quả của trí thức trẻ. Đồng thời, cần phát triển các chương trình cố vấn (mentorship) kết nối chuyên gia Việt kiều với các bạn trẻ trong nước, có cơ chế hỗ trợ tài chính cho những dự án cộng tác xuyên biên giới.

“Chúng ta cần thể hiện rằng, công sức và ý kiến của trí thức trẻ, dù ở đâu, đều có giá trị”, anh nói.

Chỉ cần Nhà nước đặt hàng, chúng tôi sẽ làm ngay

Với khát vọng trao quyền cho khởi nghiệp Việt vươn tầm toàn cầu, năm 2023, anh Lê Đức Anh, Trường Đại học Công nghệ Bắc Kinh đã đứng ra thành lập Mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Trung Quốc.

Hiện, mạng lưới đã có đại diện tại các tỉnh, thành lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Thâm Quyến, góp phần kết nối cộng đồng trí thức trẻ người Việt tại Trung Quốc với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước.

Anh Đức Anh cho biết, mạng lưới được thành lập với mục tiêu ban đầu là tạo một cộng đồng chia sẻ kiến thức, hỗ trợ khởi nghiệp giữa người Việt trẻ ở Trung Quốc. Nhưng chỉ sau hơn một năm, mạng lưới đã mở rộng vai trò trở thành đầu mối chiến lược trong thiết lập các mối liên kết đa phương giữa Việt Nam - Trung Quốc - châu Á và thế giới.

“Mạng lưới không chỉ là nơi quy tụ thông tin về khởi nghiệp, mà là một hệ sinh thái mở, nơi dữ liệu, con người và ý tưởng được kết nối xuyên biên giới”, Đức Anh chia sẻ.

Với sự năng động của các thành viên trẻ, mạng lưới đã tổ chức nhiều hoạt động như tọa đàm khởi nghiệp, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp giữa các quốc gia, chương trình kết nối đầu tư và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, những chuyến thăm, làm việc giữa các nhóm khởi nghiệp Việt Nam với các trung tâm công nghệ tại Thượng Hải, Thẩm Quyến, Bắc Kinh không chỉ mở rộng tầm nhìn mà còn tạo ra những cơ hội hợp tác thực chất.

“Chúng tôi muốn giúp hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước không bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia, mà phải là một phần của dòng chảy đổi mới toàn cầu”, Đức Anh nhấn mạnh. Để làm được điều đó, không thể thiếu sự hợp tác hai chiều giữa các trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài và các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trong nước.

Đức Anh cho rằng, để thu hút trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài, trước hết cần quan tâm đến điều kiện nền tảng. “Hạ tầng cho nghiên cứu khoa học tại Việt Nam cần được đầu tư đúng trọng tâm, đặc biệt ở các ngành chiến lược, có khả năng tạo đột phá. Một hệ sinh thái chỉ mạnh khi các thành phần trong đó hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau”, Đức Anh nói.

Ngoài ra, Đức Anh đề xuất việc xây dựng một cổng thông tin chung, nơi Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp công bố các vấn đề đang cần lời giải từ giới chuyên gia. Cuối cùng, điều không thể thiếu là các chương trình đối thoại trực tiếp giữa các địa phương, bộ ngành và mạng lưới trí thức trẻ, nơi tiếng nói của người làm khoa học được lắng nghe để điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.

Cần một chương trình tăng tốc AI quốc gia

Là một nhà nghiên cứu trẻ đang làm việc trong lĩnh vực học máy, trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu tại Hoa Kỳ, PGS.TS Hồ Phạm Minh Nhật (ĐH Texas, Hoa Kỳ) cho rằng, việc thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài là yếu tố then chốt nếu Việt Nam muốn bứt phá trong kỷ nguyên công nghệ.

Tuy nhiên, điều này không thể đạt được chỉ bằng lời kêu gọi, mà cần những chính sách thực chất, môi trường làm việc hấp dẫn và những cơ chế đổi mới sáng tạo thực sự đột phá.

Theo PGS.TS Hồ Phạm Minh Nhật, để nguồn lực trí thức trẻ Việt toàn cầu thực sự quay về hoặc kết nối hiệu quả với trong nước, Việt Nam cần tập trung gỡ nút thắt thể chế, đãi ngộ và môi trường nghiên cứu. Đầu tiên, cần cải cách thủ tục và chính sách hành chính để “trải thảm đỏ” cho người tài.

“Nhiều trí thức trẻ ngần ngại quay về không phải vì thiếu tình yêu quê hương, mà vì lo ngại các rào cản hành chính như công nhận bằng cấp, cấp visa lao động dài hạn, giấy phép cư trú, mở tài khoản ngân hàng hay thậm chí đổi bằng lái xe.

Việt Nam cần tinh gọn toàn bộ quy trình này, tạo “một cửa” chuyên biệt dành cho chuyên gia và nhà khoa học Việt kiều - tương tự mô hình của Hội đồng phát triển kinh tế (EDB) tại Singapore”, anh Nhật nói. Cùng đó, Chính phủ thiết lập khung lương đặc biệt và chính sách đãi ngộ xứng đáng.

Theo anh Nhật, với khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước phát triển vẫn còn lớn, việc thiết lập khung lương đặc biệt cho các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên như AI và bán dẫn mà không bị ràng buộc bởi thang bảng lương hành chính thông thường là cần thiết.

Ngoài ra, cơ chế thưởng theo hiệu suất nghiên cứu, hỗ trợ an sinh như nhà ở, bảo hiểm, giáo dục con cái (đặc biệt tại các trường quốc tế, trường chất lượng cao) cũng nên được xem là một phần của chiến lược thu hút nhân tài toàn diện.

Việc xây dựng môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp và cởi mở, không gian làm việc có thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc tế, quyền tự chủ trong nghiên cứu, và đặc biệt là một văn hóa khuyến khích sáng tạo, chấp nhận thất bại, hợp tác mở giữa viện - trường - doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để giữ chân người giỏi.

Anh Nhật cho rằng, nguồn vốn cho startup công nghệ cao tại Việt Nam hiện còn hạn chế, nhất là từ vòng Series B trở đi. Vì vậy, Việt Nam cần thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia có bảo lãnh của nhà nước hoặc hợp tác với các quỹ quốc tế, song song với chính sách miễn giảm thuế và kết nối mạng lưới cố vấn là các chuyên gia toàn cầu.

Anh kiến nghị, thành lập Chương trình Tăng tốc Nghiên cứu và Ứng dụng AI Quốc gia, với mục tiêu đột phá tập hợp các trí thức Việt trong và ngoài nước cùng giải quyết những “bài toán lớn” của đất nước.

Chương trình có thể hoạt động theo cơ chế: Chính phủ công bố các bài toán chiến lược; thành lập các vườn ươm AI chuyên biệt tại đại học, khu công nghệ cao, được trang bị đầy đủ GPU cluster, lab hiện đại, dữ liệu mở; tài trợ toàn phần và đãi ngộ cao cho các nhóm nghiên cứu, với quyền tự chủ nghiên cứu, chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ minh bạch.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế linh hoạt cho phép trí thức Việt ở nước ngoài làm việc từ xa, hợp tác ngắn hạn hoặc dài hạn tùy điều kiện cá nhân. Ngoài ra, việc có chính sách tài trợ toàn phần và đãi ngộ cao cho nhóm nghiên cứu, các nhóm được cấp kinh phí nghiên cứu 1-3 năm, hưởng lương cạnh tranh quốc tế, có hỗ trợ nhà ở, giáo dục, thủ tục visa cho gia đình cũng là một giải pháp hiệu quả để thu hút nhân tài.

Ở chiều ngược lại, về cơ chế đánh giá và hợp tác, các dự án phải có chỉ số đánh giá hiệu suất (KPI) rõ ràng về mặt khoa học (bài báo, bằng sáng chế), công nghệ (prototype, sản phẩm mẫu), và tác động xã hội/kinh tế. Các bộ, ngành, tập đoàn nhà nước và tư nhân sẽ là đối tác tiếp nhận, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm.

“Chương trình này có thể tạo đột phá vì tập trung vào các vấn đề thực tiễn cấp thiết, quy tụ trí thức bằng khát vọng đóng góp chứ không chỉ bằng lương bổng, đồng thời giúp Việt Nam xây dựng năng lực công nghệ lõi thay vì chỉ là bên tiêu dùng công nghệ”, PGS.TS Hồ Phạm Minh Nhật nói.

Cần đặt hàng các bài toán cụ thể

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, thay vì chỉ kêu gọi chung chung “về nước đóng góp”, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần chủ động “đặt hàng” các bài toán cụ thể cho trí thức trẻ tham gia thực hiện. Khi có đề bài rõ ràng, các trí thức trong và ngoài nước mới có thể hình dung rõ cách mình đóng góp và tạo ra giá trị thực tế.

Chia sẻ với các trí thức trẻ trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, tinh thần của Nghị quyết 57 là đổi mới tư duy thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, không chỉ khuyến khích họ trở về, mà còn tạo điều kiện để họ đóng góp từ xa, bằng tri thức, sáng tạo và công nghệ.

Trí thức trẻ Việt trong và ngoài nước trao đổi với nhau trong Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025. ẢNH: DƯƠNG TRIỀU

Thứ trưởng Hằng đưa ra ba đề xuất lớn nhằm khơi thông những điểm nghẽn hiện nay trong việc thu hút và phát huy trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài. Đầu tiên, hoàn thiện hành lang pháp lý để chuyên gia có thể về nước thuận lợi. Bà Hằng nhấn mạnh, điều kiện pháp lý là tiền đề để cộng đồng trí thức có thể gắn bó lâu dài với quê hương.

“Tôi rất vui vì Luật Quốc tịch Việt Nam đã được sửa đổi, vượt qua cả kỳ vọng của tôi, khi đảm bảo cho người Việt Nam có thể giữ hai quốc tịch, nếu điều đó không trái với pháp luật nước sở tại”, bà Hằng nói. Đặc biệt, các thế hệ thứ 2, thứ 3, sinh ra ở nước ngoài cũng được quyền lựa chọn quốc tịch Việt Nam, kể cả sử dụng tên kép có yếu tố Việt.

Bà Hằng cũng cho rằng, nếu có quốc tịch Việt Nam, trí thức Việt kiều được đảm bảo hưởng tất cả quyền lợi chính đáng như người Việt ở trong nước. Cùng đó, tạo môi trường làm việc lành mạnh, công bằng, hiện đại và không phân biệt khu vực công - tư.

“Phải có một môi trường mà ở đó, trí tuệ được đặt đúng vị trí; cạnh tranh bằng năng lực và đóng góp, không phân biệt khu vực công - tư. Môi trường học thuật, nghiên cứu phải được đầu tư, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu của các trường đại học công lập”, bà nói.

Theo anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, điều quan trọng hiện nay là làm sao khơi thông được dòng chảy tri thức giữa trí thức Việt trong nước và ngoài nước, để có sự giao thoa hiệu quả. “Trong nước cần đặt ra các bài toán cụ thể, từ đó truyền tải tới các trí thức trẻ ở ngoài nước để họ triển khai ý tưởng, giải pháp và đóng góp ngược trở lại,” anh nói.

Từ năm 2018, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đây được xem là kênh kết nối trí thức trẻ Việt toàn cầu cùng hướng về Tổ quốc bằng những đề xuất, hiến kế giải pháp góp sức trẻ giải quyết những vấn đề đất nước đặt ra.

Qua 6 kỳ tổ chức, Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 trí thức trẻ trong và ngoài nước đóng góp vào các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển tài năng trẻ Việt Nam. T.Ư Đoàn cũng đã thành lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu có cơ chế hoạt động, trao đổi thường xuyên của hơn 3.000 thành viên trên toàn thế giới.

Anh Lâm cho rằng, Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần đưa ra những bài toán cụ thể. Thông qua T.Ư Đoàn và Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, những bài toán lớn này sẽ được chuyển tải đến cộng đồng trí thức trẻ ở khắp nơi trên thế giới để các bạn cùng tham gia đóng góp, giải quyết vấn đề.

“Thậm chí, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra các đề tài nghiên cứu cụ thể, tổ chức đấu thầu để tuyển chọn nhóm chuyên gia hoặc nhóm trí thức có năng lực thực hiện”, anh Lâm nói.

Theo anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, trong giai đoạn phát triển hiện nay, đất nước đặt ra rất nhiều bài toàn cần cộng đồng trí thức Việt trong và ngoài nước đóng góp. T.Ư Đoàn sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu mở, nơi các trí thức trẻ có thể đăng tải ý tưởng, sáng kiến và đề xuất giải pháp; đồng thời, chuyển tải khó khăn, vướng mắc đến các cấp, bộ ngành để xử lý, tháo gỡ kịp thời.

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cach-nao-thu-hut-tai-nang-tre-post1763360.tpo