Cách nào tổ chức hiệu quả hơn hoạt động dạy học ngoại ngữ?
Nhiều năm nay, dạy và học tiếng Anh luôn được quan tâm trong nhà trường.
Tuy nhiên, từ thực tế học sinh còn hạn chế về kỹ năng giao tiếp, chưa tự tin nghe - nói bằng tiếng Anh, đặt ra yêu cầu cần tổ chức hiệu quả hơn nữa các hoạt động.
Còn khó khăn
Huyện Thanh Trì (Hà Nội) là một trong những địa phương triển khai thí điểm dạy học tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2012 - 2013. Những năm qua, chất lượng môn học ngày càng nâng cao, cả đại trà và mũi nhọn. Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, cho biết, ngành Giáo dục quan tâm cả về cơ sở vật chất và đội ngũ để nâng cao chất lượng môn học.
Phòng GD&ĐT đã cử giáo viên dự các lớp thi đánh giá năng lực ngoại ngữ do sở GD&ĐT tổ chức; tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn. Đội ngũ giáo viên cốt cán dạy tiếng Anh của huyện được kiện toàn. Các trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học thông minh, máy chiếu, mạng Internet... phục vụ dạy - học tiếng Anh; cho học sinh tham gia các cuộc thi tiếng Anh.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Ngát cũng thừa nhận việc phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh đối với học sinh đại trà còn khó khăn. Từ đó đặt ra yêu cầu chú trọng cả 4 kỹ năng (nghe - nói - đọc - viết) trong dạy học. Đồng thời quan tâm hơn nữa các giải pháp giúp người học được thực sự “nhúng” vào môi trường ngoại ngữ. Trong đó có tổ chức sân chơi bổ ích, hiệu quả, giao lưu tiếng Anh, từ đó nâng cao khả năng giao tiếp cho học sinh.
Từ thực tế tại Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp), thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân cũng chia sẻ còn nhiều khó khăn để xây dựng, phát triển môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ. Trong đó, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ và kế hoạch giáo dục của trường còn dàn trải, chưa tập trung đầu tư cho dạy học ngoại ngữ.
Giáo viên chưa thể đáp ứng tốt mục tiêu giúp học sinh phát triển đồng thời kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) và kiến thức ngôn ngữ. Thời lượng dành cho môn Tiếng Anh không nhiều. Số lượng đông và khả năng không đồng đều nên không thể cùng lúc hoàn thiện các kỹ năng cho học sinh.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên thông qua: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, sản phẩm học tập, bài thực hành, dự án học tập còn ít. Nhà trường chưa hỗ trợ tốt nhất cho học sinh trình bày sản phẩm thực hành theo hình thức “hùng biện tiếng Anh”, hoặc sử dụng các hình thức phối hợp giữa kỹ năng viết và nói như “hồ sơ học tập”, “nhật ký học tập”, “dự án”, “bài nghiên cứu” để đánh giá kỹ năng ngôn ngữ của trò.
“Một khó khăn khác là học sinh không có môi trường học tập, rèn luyện từ nhỏ nên kiến thức sau khi học không phát huy hiệu quả; không thực hành, rèn luyện thường xuyên nên nhanh quên.
Nhiều em tiếp thu kiến thức ngoại ngữ mang tính thực hiện nhiệm vụ, chưa thành đam mê học tập. Ít học sinh có thể tự làm được sản phẩm thực hành là 1 bài viết hoặc 1 video clip bằng tiếng Anh. Phụ huynh chưa quan tâm, đầu tư học tiếng Anh cho con từ nhỏ; hoặc có định hướng nhưng điều kiện thực tế tại địa phương chưa đáp ứng được”, thầy Trần Văn Hân cho hay.
Đa dạng hình thức
Khẳng định coi trọng việc xây dựng, phát triển môi trường học, sử dụng ngoại ngữ trong nâng cao chất lượng dạy học môn này, theo ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, đơn vị đã yêu cầu các nhà trường đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học trong và ngoài lớp học; kết hợp hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; khuyến khích sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.
Mặt khác, các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động giao lưu, câu lạc bộ, ngoại khóa có sử dụng tiếng Anh, góp phần phát triển năng lực cho học sinh, hình thành môi trường sử dụng tiếng Anh.
Xây dựng kế hoạch tổ chức giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh chính khóa hoặc ngoại khóa tùy theo tình hình thực tế với hình thức xã hội hóa và các nguồn tài trợ hợp pháp khác. Đẩy mạnh giao lưu, quan hệ quốc tế; xây dựng kế hoạch tiếp nhận giáo viên nước ngoài, sinh viên tình nguyện quốc tế (nếu có) tham gia hoạt động ngoại khóa của nhà trường.
“Sở GD&ĐT có văn bản riêng về thực hiện dạy học ngoại ngữ trong năm học 2023 - 2024. Trong đó hướng dẫn rõ về đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; sử dụng hiệu quả các trang thiết bị dạy học ngoại ngữ; thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học ngoại ngữ; đổi mới kiểm tra, đánh giá…
Các đơn vị điển hình về dạy học ngoại ngữ trong tỉnh phải xây dựng ít nhất một hoạt động mang tính đột phá về đổi mới dạy học ngoại ngữ để các đơn vị khác đến giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm”, ông Võ Văn Bé Hai chia sẻ.
Để xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong năm học 2023 - 2024, ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, cho biết: Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong trường và theo cụm trường.
Mục đích giúp giáo viên, nhất là giáo viên dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11 trao đổi, chia sẻ giải pháp hiệu quả trong dạy học. Động viên, khuyến khích thầy cô tích cực tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy - học, tổ chức hoạt động trên mạng dành cho giáo viên tiếng Anh để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Về phía sở GD&ĐT cũng tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn dành cho giáo viên các cấp học. Cùng đó, các đơn vị nghiên cứu, áp dụng mô hình dạy - học ngoại ngữ hiệu quả để thúc đẩy phong trào học tập, nâng cao chất lượng dạy học. Xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả hình thức câu lạc bộ tiếng Anh trong trường; xây dựng phong trào lớp học tiếng Anh tốt; động viên, khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi, giao lưu, góp phần thúc đẩy phong trào học tiếng Anh trong trường học.
“Năm học này, ban giám hiệu các trường tiếp tục định hướng phát triển môi trường học tập và sử dụng ngoại ngữ cho học sinh thông qua các lớp học liên kết. Khuyến khích giáo viên tiếng Anh nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng của Chương trình GDPT 2018 đối với môn Ngoại ngữ…”, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) thông tin.