Cách Nga bù đắp tổn thất lớn về xe tăng trong cuộc xung đột với Ukraine
Nga được cho là đã mất khá nhiều xe tăng trong cuộc xung đột tại Ukraine. Một số nguồn tin ước tính, số lượng xe tăng Nga bị phá hủy hoặc hư hại lên đến 3.000 chiếc kể từ năm 2022.
Bất chấp những tổn thất này, Nga vẫn liên tục triển khai các loại xe tăng ra chiến trường. Giới phân tích cho rằng, do có kho dự trữ lớn từ thời Liên Xô và ngành công nghiệp quốc phòng phát triển nhanh chóng nên Moscow có thể sớm khắc phục thiệt hại.

Mẫu T-72B3M là một trong những loại xe tăng hiện đại nhất của Nga. Ảnh: Vitary V. Kuzmin.
Kho dự trữ xe tăng thời Liên Xô của Nga rất lớn
Hầu hết kho dự trữ xe tăng của Nga đều có từ thời Liên Xô. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã tìm cách gia tăng số lượng xe tăng để giành lợi thế trước NATO trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến ở châu Âu. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà sản xuất xe tăng Liên Xô tập trung sản xuất nhiều xe tăng nhất trong khả năng có thể.
Liên Xô đã chế tạo hàng loạt xe tăng từ T-55 đến T-72, coi đây là trụ cột chính trong ngành công nghiệp quốc phòng. Từ năm 1972 đến năm 1990, Liên Xô chế tạo khoảng 30.000 xe tăng T-72, ngoài ra còn có khoảng 7.000 xe tăng T-80 và 12.000 xe tăng T-64, nhiều loại xe tăng trong số này đã được đưa tới Ukraine.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất xe tăng chậm lại vào những năm 1990 khi Liên Xô, sau này là Nga, phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế và tài chính. Khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây được cải thiện Nga đã phá dỡ phần lớn kho dự trữ từ thời Liên Xô như một cử chỉ thiện chí.
Lực lượng xe tăng của Nga đã giảm từ khoảng 22.000 đơn vị đang hoạt động xuống còn khoảng 6.000 đơn vị. Một số báo cáo ước tính, Nga đã loại bỏ khoảng 30.000 xe tăng vào đầu những năm 2000.
Từ kho dự trữ ra mặt trận
Khi nền kinh tế Nga phục hồi, nước này tiếp tục tập trung vào sản xuất xe tăng. Tập đoàn sản xuất xe tăng lớn nhất của Nga, Uralvagonzavod (UVZ), đã nhận được đơn đặt hàng của Ấn Độ mua hơn 1.500 xe tăng T-90.
Ngoài ra, quân đội Nga bắt đầu mở rộng các đơn vị xe tăng của họ. Khi mối quan hệ với phương Tây trở nên xấu đi, Nga đã tăng cường sản xuất và hiện đại hóa xe tăng.
Việc đo lường tổng sản lượng xe tăng của Nga là một nhiệm vụ khó khăn. Phần lớn sản lượng của UVZ là xe tăng hiện đại hóa với nhiều phiên bản khác nhau, trong đó có xe tăng tiên tiến T-90M. Vào năm 2021, một năm trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga đã nhận được tổng cộng 1.530 xe tăng mới, đồng thời thực hiện các nỗ lực hiện đại hóa hoặc tân trang phương tiện cũ. Ước tính sản lượng mà Nga có gấp 3,6 lần sản lượng năm 2020.
Sau giai đoạn đầu cuộc xung đột, Nga đã nhanh chóng quay trở lại sử dụng các loại xe tăng có trong kho dự trữ từ thời Liên Xô. Với sự xuất hiện của T-62 và T-55 trên chiến trường Ukraine, giới phân tích cho rằng Nga đã cạn kiệt xe tăng chiến đấu chủ lực. Hầu hết những xe tăng mà họ triển khai không phải là xe tăng mới mà là những chiếc T-72 được tân trang và hiện đại hóa từ kho dự trữ cũ.
Song song với việc khai thác kho dự trữ, Moscow cũng tăng cường sản xuất xe tăng dù chịu các lệnh trừng phạt mạnh tay của phương Tây. Một số nhà phân tích cho rằng, Nga có thể sản xuất 200 xe tăng mỗi năm trong khi những người khác đánh giá Moscow có thể sản xuất khoảng 100 xe tăng mỗi tháng. Trong mọi trường hợp, việc sản xuất xe tăng của Nga ước tính sẽ gia tăng chứ không hề giảm và Moscow nhiều khả năng sẽ thúc đẩy nỗ lực này trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, sản lượng xe tăng của Nga vẫn lớn hơn so với sản lượng xe tăng của toàn bộ NATO.
Ưu tiên số lượng
Làm thế nào Nga có thể bù đắp được những tổn thất về phương tiện trong chiến đấu bất chấp mọi lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của nước này?
Theo giới phân tích, câu trả lời nằm ở việc Nga đã chọn ưu tiên về số lượng. Giống như những gì Liên Xô từng làm trong Thế chiến II, Nga đã tập trung chế tạo xe tăng rẻ hơn, nhẹ hơn và dễ sản xuất hàng loạt hơn.
Quyết định này khiến chất lượng tổng thể của xe tăng mà Nga sản xuất khó bắt kịp với các đối thủ phương Tây nhưng lại mang lại cho họ lợi thế đáng kể về số lượng. Trong một cuộc xung đột tiêu hao, ưu thế được quyết định dựa trên số lượng. Bên nào có thể triển khai và duy trì nhiều phương tiện chiến đấu hơn, bên đó sẽ có lợi thế lớn hơn. Dù Ukraine nhận được sự hỗ trợ từ 40 quốc gia, nhưng nước này vẫn bị Nga áp đảo về số lượng nhân lực lẫn vật lực.
Mặc dù xe tăng của Nga có giá thành phải chăng và kích thước hạn chế, nhưng điểm mạnh nhất của chúng là có cấu tạo không quá phức tạp và dễ vận hành. T-72 là ví dụ điển hình. Mặc dù có tuổi đời cao, nhưng T-72 nhìn chung hoạt động ổn định, rất đáng tin cậy và dễ bảo trì và sản xuất. Đó là lý do tại sao Nga chọn phương tiện này làm “xương sống” trong lực lượng xe tăng của họ.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến. Dù vậy nó vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu quân sự. Do có lượng lớn xe tăng từ thời Liên Xô và tăng cường sản xuất, Nga ít nhiều có thể khắc phục được những tổn thất về xe tăng. Đây được cho là lời cảnh tỉnh đối với NATO trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng của khối vẫn đang trì trệ, chưa thể bắt kịp với nhu cầu của một cuộc xung đột hiện đại.