Cách Nga kết hợp 'rồng lửa' S-400 và máy bay A-50 hạ gục chiến đấu cơ Ukraine
Nga vừa tuyên bố các lực lượng của nước này đã sử dụng hệ thống phòng không S-400 kết hợp với máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) A-50 để bắn hạ máy bay chiến đấu của Ukraine.
Hãng Thông tấn TASS của Nga cho biết, sự kết hợp đã được thực hiện “một cách hoàn hảo”, dẫn đến việc bắn rơi nhiều máy bay chiến đấu của Ukraine.
“Trong chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã sử dụng hệ thống phòng không S-400 cùng với máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50 để chống lại lực lượng không quân của đối phương. Hệ thống phòng không S-400 đã đạt tới tầm bắn tối đa, nhằm vào các mục tiêu ở độ cao gần 1.000m, sử dụng đầu đạn mới của tên lửa phòng không dẫn đường”, thông báo của TASS nêu rõ.
Hãng thông tấn này cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong chuyến thăm lực lượng Vostok ở phía Đông Ukraine cho biết: “Chúng tôi đã bắn rơi 24 máy bay trong 5 ngày”. Song ông không nêu rõ có bao nhiêu máy bay trong số này bị cặp đôi S-400 và A-50 bắn hạ.
Lý do Nga kết hợp S-400 và A-50
Bình luận về thông tin của TASS, nhà phân tích Harvester cho rằng, sự kết hợp giữa S-400 và A-50 đã cho phép thực hiện một “giao ước”, theo đó, thông tin về mục tiêu do A-50 cung cấp sẽ được truyền trực tiếp đến tên lửa của S-400 khiến đối phương không thể ngờ rằng tên lửa đang nhắm vào họ.
Giải thích về điều này, một số chuyên gia lưu ý, trong giai đoạn đầu, tên lửa bay theo hệ thống dẫn đường quán tính. Khi đến gần mục tiêu nó mới nhận được sự điều khiển của hệ thống radar trên A-50. Với sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm, tầm bắn của tên lửa có thể mở rộng đáng kể.
Theo ông Harvester, hệ thống phòng không tiên tiến như S-400 sử dụng các radar giám sát và theo dõi tinh vi, phát ra tần số rất mạnh, có thể kích hoạt Bộ thu cảnh báo radar (RWR) trên máy bay. Nhưng điều này cũng khiến S-400 có nguy cơ để lộ tần số radar trước đối phương. Radar theo dõi của S-400 sẽ không thể hoạt động ở chế độ “dự phòng” khi cố gắng tấn công các mục tiêu nằm trong tầm bắn tối đa. Chế độ dự phòng tức là chế độ ẩn đi các đặc điểm cần thiết để đối phương không thể sử dụng chúng để phân tích tín hiệu radar.
Trong bối cảnh các máy bay tuần tra, cảnh báo sớm E-3 Sentry AWACS và RC-135 Rivet của NATO tuần tra bên ngoài biên giới phía Tây và phía Bắc Ukraine, cũng như khu vục dọc ranh giới phía Tây của Belarus đến vùng Baltic nằm bên ngoài không phận Nga, việc kích hoạt đầy đủ các tính năng của radar S-400 là điều rất rủi ro. Do vậy, Nga có thể đã quyết định thử nghiệm kết hợp tổ hợp phòng không này với máy bay cảnh báo sớm A-50.
Loại tên lửa mà hệ thống S-400 có thể sử dụng
Sau khi TASS đưa tin tên lửa của S-400 được bắn “ở phạm vi tối đa”, các nhà phân tích cho rằng đây có thể là tên lửa 40N6E – có tầm bắn xa nhất là 400km. Tên lửa nhiều khả năng được bắn ở chế độ “khóa mục tiêu sau khi phóng”. Hướng dẫn và dữ liệu về mục tiêu từ máy bay A-50 sẽ được cung cấp ở giai đoạn giữa chặng bay và lưu trữ trong hệ thống định vị của tên lửa. Ở cuối chặng bay, tên lửa sẽ xác định chính xác và diệt mục tiêu.
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Nga sử dụng tên lửa 40H6, có tầm bắn gần 400 km. Tên lửa này sử dụng hệ thống dẫn đường chủ động và bán chủ động kết hợp, thay vì hệ thống dẫn đường vô tuyến. 40H6 là tên lửa đất đối không tầm xa do Nga phát triển, được thiết kế để phóng từ các hệ thống phòng không trên mặt đất như S-400. Tên lửa dài 7,5m, đường kính khoảng 0,5m, có trọng lượng phóng khoảng 1.900 kg, mang theo đầu đạn nặng 180kg, sử dụng động cơ nhiêu liệu rắn. 40H6 có tính cơ động cao, được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến, cho phép nó điều chỉnh quỹ đạo bay để gia tăng cơ hội bắn trúng mục tiêu.
Tên lửa 40H6 được trang bị đầu đạn phân mảnh có sức nổ lớn, có thể chống lại nhiều loại mục tiêu khác nhau, bao gồm máy bay chiến đâu, máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo của đối phương.
A-50 là máy bay trinh sát và cảnh báo sớm tiên tiến của Nga, có thể phát hiện, xác định và cùng lúc theo dõi nhiều mục tiêu. Nhờ trang bị hệ thống radar theo dõi Shmel-M, A-50U có khả năng theo dõi mục tiêu mặt đất ở khoảng cách lên đến 300km, theo dõi mục tiêu trên không cách xa lên đến 650km và phát hiện các vụ phóng tên lửa ở khoảng cách lên tới 1.000km.
Điều đáng chú ý là máy bay này có khả năng dẫn đường cho tên lửa bay tới mục tiêu trong phạm vi 400km. Nhưng vẫn chưa rõ, liệu radar Shmel-M hoặc phiên bản nâng cấp của radar này có thể cung cấp sự chỉ dẫn liên tục để radar của tên lửa hành trình 40H6 hoạt động ở chế độ thụ động hay không.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng nhiều khả năng tên lửa 40H6 được phóng tới khu vực có mục tiêu được máy bay A-50 phát hiện, sau đó hệ thống dẫn đường của tên lửa tự động xác định và bắn hạ mục tiêu.
Hiện vẫn chưa rõ loại máy bay mà S-400 bắn hạ. Thông tin duy nhất mà TASS cung cấp là máy bay đang bay ở độ cao 1.000m. Đây có thể là máy bay tấn công mặt đất Su-25 hoặc trực thăng chiến đấu Mi-24.