Cách Nga tiếp sức cho chiến dịch tấn công liên hoàn nhằm làm suy yếu Ukraine

New York Times, dẫn nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho rằng, với việc thực hiện hàng loạt cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa, Nga có thể phá vỡ hệ thống phòng thủ của Ukraine trong những tháng tới.

Quân đội Nga đã phóng hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái vào Ukraine trong vòng 1 tháng qua, gia tăng cường độ các cuộc tấn công với tốc độ chóng mặt. Đáng chú ý, Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tập kích quy mô lớn vào thủ đô Kiev. Theo một số nhà quan sát, Kiev đang phải hứng chịu các đợt tấn công dữ dội nhất kể từ khi xung đột diễn ra vào tháng 2/2022.

Nga tăng cường tấn công Ukraine. Ảnh: TASS

Nga tăng cường tấn công Ukraine. Ảnh: TASS

Từ UAV nội địa đến mạng lưới tiếp vận xuyên lục địa

Trong bối cảnh phương Tây đang áp đặt các lệnh trừng phạt lâu dài đối với Nga, cũng như việc Moscow phải chịu tổn thất to lớn về vật tư, trang thiết bị và vũ khí sau hơn 3 năm xung đột, nhiều người đã đặt câu hỏi nguồn cung máy bay không người lái và tên lửa của Nga đến từ đâu?

Fabian Hoffmann, chuyên gia công nghệ quân sự tại Đại học Oslo nhấn mạnh: "Chúng ta thực sự đã chứng kiến sự gia tăng đột biến trong việc sử dụng các loại máy bay không người lái tầm xa trong cuộc xung đột”.

“UAV rất dễ chế tạo, về cơ bản là một cấu trúc bằng vật liệu nhẹ có đầu đạn bên trong. Rào cản lớn nhất trong sản xuất sẽ là việc mua thuốc nổ thông thường, còn các hệ thống định vị vệ tinh, thiết bị đo lường quán tính ... thì Nga sản xuất khá dễ dàng, hoặc họ có thể mua được trên thị trường quốc tế. Máy bay không người lái này không đạt tiêu chuẩn quân sự cao cấp như chúng ta thường thấy ở phương Tây, nhưng vẫn hoạt động tốt", ông Fabian Hoffmann nói.

Ban đầu, Nga nhập khẩu một vài phiên bản máy bay không người lái Shahed khác nhau từ Iran và khi thấy hiệu quả của chúng trên chiến trường, Moscow đã thiết lập một thỏa thuận cấp phép sản xuất, theo đó các kỹ sư và chuyên gia máy bay không người lái Iran sẽ thành lập các nhà máy sản xuất tại Nga và nhập khẩu nhiều linh kiện cần thiết.

Nhưng Nga đã nhanh chóng mở rộng dây chuyền sản xuất, chế tạo phiên bản UAV Shahed riêng, có tên gọi Geran-2, được nâng cấp cả về tính năng lẫn công nghệ. "Nga đã thực hiện ít nhất sáu cải tiến khá lớn đối với máy bay không người lái Shahed, trong đó có việc sơn đen thay vì trắng để khó bị bắn hạ vào ban đêm hơn. Nga hiện là chuyên gia về Shahed, mặc dù máy bay không người lái này có nguồn gốc từ Iran", ông Hoffmann nhận định.

Ngoài Iran, Nga được cho là đã nhận sự hỗ trợ từ một số quốc gia khác. Các quốc gia chẳng hạn như Malaysia và Kyrgyzstan được coi là trung tâm chuyển giao các linh kiện cấp cao bị trừng phạt sang Nga, ông Hoffmann lưu ý. Theo nhà phân tích này, phương Tây có thể hạn chế khả năng sản xuất máy bay không người lái và tên lửa của Nga bằng cách trừng phạt các nước thứ ba đang giúp Điện Kremlin lách cấm vận.

Nhưng ông Hoffmann cảnh báo rằng, việc tăng cường lệnh trừng phạt có thể gây tổn hại cho các quốc gia áp đặt chúng bằng cách làm gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời làm tăng chi phí. “Các lệnh trừng phạt đối với Nga đang gây ảnh hưởng ngược đối với phương Tây ở một mức độ nào đó. Nhưng nếu trừng phạt mọi quốc gia khác đang làm ăn với Nga, điều đó sẽ còn gây tổn hại cho chúng ta hơn nữa".

Máy bay không người lái mà Nga đang triển khai với số lượng lớn để tấn công Ukraine chậm hơn và kém hiệu quả hơn so với tên lửa thông thường, nhưng mục đích chính của chúng là phủ kín bầu trời và áp đảo các hệ thống phòng thủ. Ukraine buộc phải sử dụng máy bay đánh chặn đắt tiền để bắn hạ UAV Shahed hoặc Geran và kho vũ khí phòng thủ của họ có thể nhanh chóng bị cạn kiệt.

Nhờ việc mở rộng sản xuất máy bay không người lái, Nga hiện có đủ khả năng thực hiện các cuộc tấn công ở mức độ cao. Nước này không còn phụ thuộc vào Iran như hồi năm 2022.

"Hiện tại, họ đang sản xuất hàng nghìn chiếc mỗi tháng. Con số này có thể nhanh chóng lên tới hàng chục nghìn chiếc, chỉ cần như vậy là Moscow có đủ khả năng để vô hiệu hóa hầu hết mạng lưới phòng thủ tên lửa", chuyên gia công nghệ quân sự David Hambling nhấn mạnh.

Đại tá Markus Reisner thuộc Lực lượng Vũ trang Áo cho rằng, Nga sẽ khó có khả năng thực hiện các cuộc tấn công như vậy nếu không có sự hỗ trợ của các quốc gia khác. Trong đó, Iran cung cấp phụ tùng máy bay không người lái và Triều Tiên cung cấp tên lửa đạn đạo. "Có thể thấy Nga đang dựa vào các nước đối tác để duy trì khả năng chiến đấu”, ông Markus Reisner nhận định.

Dự đoán về chiến dịch tấn công liên hoàn của Nga

New York Times, dẫn nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho rằng, với việc thực hiện hàng loạt cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa, Nga có thể phá vỡ hệ thống phòng thủ của Ukraine trong những tháng tới.

Đại tá Reisner suy đoán, Moscow dường như theo đuổi hai mục tiêu chiến lược khi tiến hành các cuộc tấn công kết hợp mới nhất của mình: phá hủy tổ hợp công nghiệp-quân sự của Ukraine và làm giảm sức chiến đấu của quân đội nước này Ukraine.

"Ngoài ra, các cuộc tấn công có mục tiêu vào cơ sở hạ tầng có thể là nỗ lực gián tiếp nhằm gây áp lực lên chính phủ Ukraine", ông Reisner lưu ý.

Nhiều chuyên gia quân sự, chẳng hạn như nhà khoa học chính trị người Đức Andreas Heinemann-Grüder, dự đoán Nga sẽ phát động chiến dịch tấn công mới với quy mô lớn và việc gia tăng số lượng các cuộc tấn công phối hợp là một phần của chiến dịch này.

Mục tiêu của Nga là vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Ukraine đến mức Kiev không thể bù đắp tổn thất bằng nguồn cung cấp từ các nước phương Tây. Các cuộc tấn công này cũng có thể báo hiệu rằng Nga đang chuẩn bị cho một "trận chiến quyết định", không loại trừ khả năng Moscow có thể dồn Ukraine vào tình thế phải chấp nhận các yêu cầu của họ vào khoảng cuối năm nay.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Fox Business, DW

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cach-nga-tiep-suc-cho-chien-dich-tan-cong-lien-hoan-nham-lam-suy-yeu-ukraine-post1214544.vov