Cách Nga và Ukraine bảo vệ vũ khí trước đòn tấn công của đối phương
Sau những cuộc giao tranh ác liệt trong xung đột Nga – Ukraine, cả hai bên đều đang bổ sung và thay thế những phương tiện, vũ khí đã thiệt hại trên chiến trường và cố gắng bảo vệ những phương tiện còn hoạt động.
Khi cuộc phản công của Ukraine không tạo được bước đột phá, nguồn viện trợ vũ khí từ phương Tây cho Kiev dường như cũng giảm dần. Trong khi đó, Nga mất hàng trăm xe tăng trên chiến trường trong các cuộc tấn công ở phía Đông. Các kỹ sư của Nga đang sửa chữa mọi phương tiện có thể để bù đắp những tổn thất của lực lượng.
Trong một số trường hợp, các kỹ sư Nga đã vào những kho dự trữ hoặc kho phế liệu để tìm kiếm những hệ thống vũ khí và các bộ phận của các phương tiện chưa sử dụng trong nhiều năm để kết hợp chúng với nhau, tạo ra những phương tiện hoàn toàn mới.
Telegraph đã phân tích hình ảnh và video ghi lại cảnh tại tiền tuyến Ukraine để xác định một số phương tiện mới của Nga, từ xe bán tải được trang bị bệ tên lửa trực thăng cho đến xe tăng có lồng tạm thời.
Phát triển hệ thống lai ghép
Quân đội Nga đã sử dụng rất nhiều các hệ thống pháo tên lửa thời Liên Xô như BM-21 Grad để hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất và xe bọc thép chở quân BMP-1 để hoạt động như phương tiện chiến đấu bộ binh.
Những phương tiện cũ như vậy, nhiều chiếc chỉ còn lớp thép bảo vệ, đã lọt vào tầm ngắm của máy bay không người lái Ukraine và tên lửa chống tăng hiện đại do phương Tây cung cấp. Trong nỗ lực thay thế những hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MRLS) và xe chiến đấu bộ binh tổn thất trên chiến trường, Nga đã chuyển sang nâng cấp các phương tiện nội địa.
Tại mặt trận Zaporizhzhia, một video cho thấy các binh sĩ của Sư đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 21 sử dụng xe bán tải UAZ Patriot làm hệ thống phóng loạt tên lửa tạm thời (MRLS). Chiếc xe tải này được gắn một bệ tên lửa UB-32 57mm. Loại tên lửa này thường được thấy gắn trên cánh của trực thăng tấn công và máy bay chiến đấu của Nga.
Những chiếc xe tải UAZ cũng được trang bị tên lửa chống tăng Kornet và bệ phóng dành cho tên lửa S-8. Những thiết bị này dường như được lấy từ các máy bay, với hệ thống ngắm bắn đã được điều chỉnh.
Theo Telegraph, Nga không phải là bên duy nhất “biến hóa” các phương tiện dân sự thành vũ khí để sử dụng trong cuộc xung đột.
Gần thành phố Bakhmut, lực lượng Ukraine gắn bệ phóng pháo phản lực BM-21 Grad lên xe BMW, dường như nhằm tăng cường hỏa lực ở mặt trận.
Video do Lữ đoàn Phòng vệ Lãnh thổ số 114 Ukraine đăng tải cho thấy, bệ phóng pháo phản lực Grad được gắn lên phần sau của xe bằng một giá đỡ đặc biệt. Một bệ Grad hoàn chỉnh có 40 ống phóng, song binh sĩ Ukraine dường như chỉ gắn 3 ống lên xe BMW. Theo video, lực lượng Ukraine đã phóng ba quả rocket từ tổ hợp đặc biệt này để tấn công mục tiêu của Nga.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad do Liên Xô chế tạo và đưa vào sử dụng từ năm 1963 gắn trên khung gầm xe tải Ural-375D.
Trong khi Ukraine chờ đợi nguồn cung xe tăng và phụ tùng thay thế từ các nước phương Tây thì lực lượng Nga đang lục lại kho thiết bị từ thời Liên Xô.
Khi Nga được cho là đã mất ít nhất 2.400 xe tăng trên chiến trường, trong đó có hàng trăm chiếc bị phá hủy trong các cuộc tấn công vào thành phố Avdiivka, các kỹ sư của nước này phải cố gắng phát triển những phương tiện mới. Họ tập trung vào việc nâng cấp xe bọc thép chở quân MTLB, ra đời từ những năm 1950, thành phương tiện có vai trò như xe chiến đấu bộ binh.
Một video xuất hiện trên chiến trường cho thấy, quân đội Nga đã tích hợp hải pháo 2M-3 25 mm nòng đôi tháo ra từ các tàu chiến cỡ nhỏ với thiết giáp MTLB để làm phương tiện yểm trợ bộ binh. Một MTLB khác được trang bị bệ tên lửa trực thăng và súng cối 80mm.
Quân đội Ukraine cũng tiến hành cải tạo xe tăng. Họ đã lắp tháp pháo của xe chiến đấu bộ binh BMP-2 lên xe tăng T-62 thu được từ lực lượng Nga. Bằng cách đặt tháp pháo của BMP-2 lên xe tăng, quân đội Ukraine có thể biến nó thành một phương tiện chiến đấu bộ binh hạng nặng, được trang bị pháo tự động 30mm 2A42.
Trang bị giáp lồng
Sự gia tăng nhanh chóng của máy bay không người lái trên chiến trường, bao gồm cả UAV ném bom và máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, đã buộc cả Nga và Ukraine phải tìm ra phương pháp mới để bảo vệ xe tăng của mình.
Gần đây, Ukraine đã sử dụng các phương tiện mồi nhử như mồi nhử bơm hơi, súng giả bằng gỗ và vật giả mạo để ngoài trời nhằm đánh lửa đối phương, khiến đối phương lãng phí đạn dược và để lộ vị trí.
Các kỹ sư của Nga và Ukraine cũng đã thử nghiệm sử dụng giáp lồng và tấm chắn để bảo vệ xe tăng và ngăn chặn UAV của đối phương. Những phương pháp bảo vệ này thường chỉ hơn lưới thép một chút nhưng có thể đủ để ngăn máy bay không người lái thả lựu đạn và phá hủy xe tăng.
Trên chiến trường Ukraine, những chiếc lồng bảo vệ là các lớp bảo vệ bằng sắt, thép và kim loại được bố trí trên đỉnh tháp pháo của xe tăng nhằm bảo vệ xe tăng trước các cuộc tấn công bằng tên lửa chống tăng có điều khiển.
Kênh Telegram Milinfolive của Nga đã đăng tải hình ảnh một mạng lưới nhỏ gồm các chiến hào phân nhánh, trong đó một số đoạn được bao phủ bằng khung, một số đoạn khác có tấm che chắn.
Quân đội Ukraine cũng lắp đặt lớp giáp bảo vệ bổ sung cho những xe tăng chiến đấu tiên tiến nhất do phương Tây cung cấp để ứng phó với mối đe dọa từ UAV Nga.
Một số hình ảnh của xe tăng Leopard 2 và Challenger 2 trong cuộc phản công mùa hè của Ukraine cho thấy các phương tiện đã được sửa đổi với lớp giáp mỏng bổ sung và hệ thống giáp phản ứng nổ.