Hiện nay một số chương trình như Midjourney, DALL.E2 và Stable Diffusion… sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp nên hình ảnh ai đó rồi cắt ghép “hoán đổi khuôn mặt” vào bối cảnh mong muốn.
Công nghệ này lấy hàng tỷ hình ảnh từ khắp internet, xác định hình mẫu từ ảnh đi kèm. Sau đó, phần mềm sẽ tạo ra hình ảnh dưới dạng ảnh thực tế hoặc tranh vẽ chuyên nghiệp.
Công nghệ có sức mạnh lan truyền tới mức mà người ta dự đoán rằng 90% nội dung trực tuyến sẽ do AI tạo ra vào năm 2025.
Không khó để tìm ra những video lan truyền trên mạng Internet mô tả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt hoặc cựu Tổng thống Richard Nixon đang diễn hài…
Tất nhiên những video này đều là giả, được tạo ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích phát tán thông tin sai lệch, gây hoang mang cho cộng đồng hoặc chỉ đơn thuần vì mục đích giải trí.
Tác hại của những hình ảnh deepfake sẽ là tin tức giả mạo về các chính trị gia đến những hình ảnh được tạo ra vì mục đích xấu
Ngay cả những người phụ nữ bình thường cũng có thể bị người xấu dùng công nghệ này tạo ra những video khiêu dâm, khỏa thân giả mạo, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự và phẩm giá của họ.
Làm thế nào để phát hiện ảnh deepfake? Giới chuyên gia đã đưa ra một số mẹo giúp phân biệt hình ảnh do AI tạo ra với hình ảnh thực.
Dấu hiệu đầu tiên là hình thức trông khá mịn và nuột nà. Ví dụ, Midjourney là một công cụ được phát triển dành cho các nghệ sĩ nên nhân vật trong ảnh có vẻ ngoài rất cách điệu, gần như mượt mà, sáng bóng.
Bởi vì công nghệ máy học cố gắng ghép tất cả chi tiết với nhau một cách tốt nhất có thể nên dù hình ảnh nuột nà đến đâu cũng có chỗ bị mờ, thường xuất hiện quanh khóe mắt, mặt và miệng.
Thứ hai, hãy tìm sự không nhất quán về mặt thẩm mỹ. Lỗi phổ biến khác trong hình ảnh do AI tạo ra là nếu phóng to lên, nhân vật sẽ có quá nhiều răng hoặc gọng kính bị biến dạng kỳ lạ hoặc tai có hình dạng không thực tế
Lý do là mặc dù AI biết “bề mặt của thực tế”, nhưng nó không biết các quy tắc cơ bản chi phối cách các vật thể vật lý tương tác với nhau.
Các chương trình AI thường gặp khó khăn trong tính nhất quán về ánh sáng, hình dạng và sự tinh tế. Bạn có thể kiểm tra xem ánh sáng đổ bóng đúng hay không hoặc điểm bất thường khác như đầu hơi quá lớn, lông mày hay cấu trúc xương bị phóng đại quá mức…
Thứ ba là bối cảnh. Yếu tố thẩm mỹ không phải lúc nào cũng đủ để xác định ảnh deepfake, đặc biệt là khi các công cụ AI bắt đầu trở nên tinh vi hơn. Vì thế, hãy kiểm chứng thông tin liên quan.
Cần lưu ý rằng nếu điều gì đó có vẻ thái quá hoặc giật gân, thì rất có thể có điều gì đó không ổn. Khi đó, hãy xem bức ảnh được ai chia sẻ, chia sẻ ở đâu và tìm nguồn uy tín để kiểm tra thực tế