Cách nhận biết bất thường sau tiêm vaccine
Tiêm vaccine được coi là phương pháp tốt nhất giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, sau tiêm trẻ có thể gặp các phản ứng từ nhẹ đến nặng. Phụ huynh cần theo dõi để nhận biết và phối hợp với nhân viên y tế để kịp thời xử trí.
1. Nhận biết phản ứng nguy hiểm sau tiêm vaccine
PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú - giám đốc Trung tâm Quốc tế Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Tiêm vaccine cũng như tiêm bất kỳ loại thuốc nào, sau khi vào cơ thể sẽ có thể trở thành dị nguyên gây dị ứng tùy theo mức độ.
Ở mức độ nặng, mặc dù hiếm gặp nhưng em bé có thể bị sốc phản vệ tức thời như: Co giật, ngừng thở tím tái, suy hô hấp. Tình trạng này có thể xảy ra ngay sau tiêm hoặc trong khoảng thời gian ngắn 15-20 phút sau tiêm. Do đó, sau tiêm trẻ cần được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng.
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà cả người lớn nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Nếu triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm thì tình trạng sốc càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao.
Vì vậy, cha mẹ cần hiểu rõ về dấu hiệu cách, xử trí sớm của sốc phản vệ để biết cách xử lý và giúp trẻ được cấp cứu càng nhanh càng tốt. Ngay sau tiêm, phụ huynh cần quan sát cùng với nhân viên y tế, sớm phát hiện dấu hiệu bất thường để có thể can thiệp kịp thời.
Thông thường, qua 30 phút sau tiêm là đã qua giai đoạn trẻ có thể gặp tình trạng sốc phản vệ tức thì. Nhân viên y tế có thể kiểm tra các dấu hiệu phản ứng sau tiêm chủng và kiểm tra nhiệt độ cơ thể và vết tiêm trước khi cho trẻ ra về.
Cũng theo PGS.TS.Trần Thanh Tú, các phản ứng nhẹ nhàng hơn và thường gặp sau tiêm vaccine như nổi mẩn đỏ, sưng đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, trẻ khó chịu, quấy khóc… là những phản ứng thường gặp sau tiêm vaccine và không nguy hiểm. Trẻ tiếp tục cần được theo dõi và chăm sóc tại nhà.
2. Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà sau tiêm vaccine
Ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở độ tuổi chưa biết nói rõ, việc theo dõi và chăm sóc trẻ nhằm phát hiện các phản ứng sau tiêm chủng 24h sau tiêm là rất quan trọng. Tiếp tục theo dõi tại nhà các dấu hiệu: Tinh thần, ăn, ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm...
Theo PGS.TS.Trần Thanh Tú nếu thấy trẻ sốt, quấy khóc nhưng vẫn ăn nhưng bé vẫn ăn bình thường thì không cần phải lo lắng quá. Trẻ sốt trên 38,5 độ C thì hạ sốt cho bé bằng thuốc thông thường như paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp giảm sốt, giảm đau cũng giúp bé dễ chịu hơn. Phụ huynh tuyệt đối không đắp bất kỳ thứ gì lên vết tiêm để giúp tình trạng giảm sưng đỏ. Bởi có thể đây là nguy cơ gây nhiễm khuẩn tại chỗ tiêm. Tăng cường cho bé bú mẹ, trẻ lớn hơn thì bổ sung nước. Chỉ cần chăm sóc trẻ sau 1-2 ngày tình trạng sốt sẽ thoái lui.
Các trường hợp cần đưa trẻ khám lại ngay khi có các dấu hiệu:
Trường hợp trẻ quấy khóc nhiều, bú kém, bỏ ăn, kém tương tác.
Sau 2-3 ngày không hết sốt…
Sốt cao liên tục trên 39 độ , dùng thuốc hạ sốt không đỡ.
Trẻ co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, ngủ li bì…
Khó thở, thở nhanh, da tím tái, nổi mề đay, phát ban toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím
Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và hạn chế vận động, có quầng đỏ kích thước lớn hơn 2cm, quầng đỏ lớn dần, có dấu hiệu nhiễm trùng.
Khi trẻ có dấu hiệu sốc phản vệ muộn, cần phải cấp cứu ở nơi có đầy đủ y bác sĩ có chuyên môn và dụng cụ hỗ trợ, hộp thuốc chống sốc. Vì vậy, hãy ngay lập tức đưa những người có biểu hiện sốc phản vệ đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.
Tuy hiếm gặp tình trạng sốc phản vệ muộn sau tiêm vaccine, nhưng vẫn cần cảnh giác. Do đó việc phụ huynh theo dõi sát sao và phát hiện càng sớm càng tốt, đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời là điều rất quan trọng.