Cách nhận biết các cơ sở hoạt động thẩm mỹ 'chui' trên địa bàn TP HCM
Trong thời gian qua, nhiều vụ tai biến y khoa liên quan đến thẩm mỹ 'chui' đã xảy ra trên địa bàn TP HCM, gây thiệt hại cả về người và của. Một trong những nguyên do được chỉ ra đó là người dân chưa nhận biết được rõ hình thức và phạm vi hoạt động của cơ sở thẩm mỹ.
Nhiều vi phạm vẫn còn tái diễn
Trao đổi với báo Nhà báo và Công luận, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết, qua hoạt động thanh kiểm tra trong thời gian qua cho thấy có nhiều cơ sở, cá nhân tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo quy định.
Đặc biệt, một số cơ sở đăng ký kinh doanh với các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (phun, xăm, thêu trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu... nhưng lại quảng cáo và có thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, hay các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (như phẫu thuật, thủ thuật, có can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt) hoặc các can thiệp xâm lấn khác hay xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc tế dạng tiêm.
Qua kiểm tra cũng cho thấy, một số cơ sở đã trá hình phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở đào tạo nghề để thực hiện đào tạo lén lút và thực hiện các dịch vụ có liêu quan thẩm mỹ, hoạt động trá hình rất tinh vi dưới hình thức cơ sở chăm sóc da.
Trong đó có nhiều cơ sở còn hoạt động rất tinh vi, không có biểu hiện, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước như: Đặt lịch hẹn qua điện thoại, tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tại các khách sạn trên địa bàn… Các hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai biến nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người dân.
Đáng nói, một số cơ sở, phòng khám còn cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật. Dù đã bị đình chỉ hoạt động hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh nhưng vẫn lén lút hoạt động.
Ngoài ra, việc nhiều cơ sở đăng tải nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các trang mạng xã hội, website có tài khoản nước ngoài hiện vẫn chưa được kiểm soát và xử lý triệt để.
Để giải quyết tồn tại này, định kỳ hàng năm, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm tra với các hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các cơ sở có vi phạm trong lĩnh vực y tế. Đồng thời xây dựng các kênh thông tin để người dân cùng giám sát.
Tuy nhiên, để tránh sử dụng phải dịch vụ của các cơ sở thẩm mỹ “chui”, đồng thời phối hợp Sở Y tế thực hiện giám sát, phản ánh các hành vi vi phạm, điều đầu tiên đó là phải nâng cao nhận biết của người dân về các loại hình hoạt động của lĩnh vực làm đẹp.
Nhận biết cơ sở thẩm mỹ "chui" thế nào?
Theo Sở Y tế cho biết, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” thành 3 nhóm khác nhau. Trong đó có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của Ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động, cụ thể như sau:
Nhóm 1: Sở Y tế không cấp phép Giấy phép hoạt động đối với các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp: cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng... Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp).
Nhóm 2: Sở Y tế không cấp phép Giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tệ dạng tiêm.
Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp).
Nhóm 3: Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định đối với các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ: những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Để dễ dàng nhận biết cơ sở thẩm mỹ nào có đầy đủ giấy phép, Sở Y tế TP HCM đã triển khai Cổng tra cứu thông tin hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Thành phố tại địa chỉ https:/thongtin.medinet.org.vn, các thông tin về cấp phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, địa chỉ, người hành nghề... sẽ được công khai rõ ràng tại đây.
Người dân cũng có thể cùng giám sát và phản ánh các cơ sở khám, chữa bệnh nghi ngờ có hành vi vi phạm như ứng dụng “Y tế trực tuyến”, đường dây nóng phản ánh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có “vẽ bệnh, moi tiền người bệnh”.