Cách nhận biết nhanh bằng lái xe giả mạo và mức phạt
Giấy phép lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp nhưng hiện nay, vẫn còn tồn tại những bằng lái xe giả mạo, mặc dù đã có những thay đổi về chất liệu, nội dung, công nghệ in… nhưng những tấm bằng giả mạo cũng tinh vi không thua kém. Bài viết sẽ hướng dẫn kiểm tra bằng lái xe của mình là thật hay giả một cách nhanh nhất và chính xác nhất.
Hiện nay, giấy phép lái xe được lưu trữ bằng cơ sở dữ liệu trên toàn quốc do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý và được công cộng hóa, tra cứu thông qua hệ thống internet. Do đó, việc tra cứu thông tin bằng lái xe rất dễ dàng và nhanh chóng, ngay cả trên chiếc smartphone.
Cách tra cứu giấy phép lái xe qua internet
Bước 1: Truy cập vào trang thông tin giấy phép lái xe tại đây .
Giao diện website như hình bên dưới. Quan sát góc trên bên phải có khung Tra cứu thông tin GPLX (được khoanh đỏ).
Bước 2: Nhập lần lượt các thông tin
Số GPLX: Là dãy số đỏ ngay bên dưới dòng chữ GIẤY PHÉP LÁI XE/DRIVER’S LICENSE.
Nhập đầy đủ dãy số bao gồm cả các ký tự chữ (nếu có).
Loại GPLX: Chọn loại bằng lái xe tương ứng:
- GPLX PET có thời hạn: Bao gồm các loại bằng lái xe hạng A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE.
- GPLX PET không thời hạn: Bao gồm các loại bằng lái xe hạng A1, A2 và A3.
- GPLX cũ (làm bằng giấy bìa): Nếu bằng lái của bạn được cấp trước tháng 7/2013, giấy phép lái xe cũ bằng giấy ép nhựa bên ngoài.
Ngày/tháng/năm sinh:
- Đối với bằng lái xe vật liệu PET, bạn nhập ngày sinh theo cú pháp: yyyyMMdd (nghĩa là năm-tháng-ngày viết liền nhau). Ví dụ bạn sinh ngày 19/02/1993 thì nhập vào dãy số 19930219
- Đối với bằng lái giấy cũ thì chỉ cần nhập vào năm sinh. Ví dụ bạn sinh ngày 20/11/1980 thì chỉ nhập 1980 thôi.
Nhập mã xác nhận:
- Mã xác nhận gồm 4 chữ số nằm phía trên nút “ Tra cứu ”.
Bước 3: Bạn nhấn nút “ Tra cứu ” để xem kết quả
Nếu bạn nhập sai (số GPLX, ngày sinh, chọn loại giấy phép lái xe không đúng) thì hệ thống sẽ báo Không tìm thấy số GPLX đã nhập, còn trường hợp bạn nhập đúng thì có các khả năng:
Trường hợp 1: Vẫn thông báo Không tìm thấy số GPLX đã nhập. Với trường hợp này, nếu bằng lái của bạn là bằng vật liệu PET thì đó chắc chắn là bằng giả. Còn nếu là bằng vật liệu giấy (bằng cũ) thì có thể bằng quá cũ nên chưa kịp cập nhật lên hệ thống.
Trường hợp 2: Hiển thị rõ các thông tin như trên bằng lái giống hình bên dưới.
(Nguồn: Hoclaixeoto.vn)
Ngoài ra, còn hiển thị luôn thông tin lịch sử vi phạm giao thông nếu người lái đã từng vi phạm.
(Nguồn: Hoclaixeoto.vn)
Trường hợp 3: Thông tin xuất ra không giống với thông tin GPLX bạn đang cầm thì đó cũng là bằng giả. Trong trường hợp này, nếu trước đó bạn không biết bằng mình là giả thì bạn cần phải quay trở lại điểm cấp bằng cho bạn tìm hiểu nguyên nhân.
Mức phạt về việc sử dụng giấy phép lái xe giả, không phải do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp là bao nhiêu?
Căn cứ vào khoản 5 và khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016 quy định việc xử phạt hành vi sử dụng GPLX giả như sau:
Khoản 5: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyển cấp, GPLX bị tẩy xóa.
Khoản 7: Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô vi phạm các hành vi sau đây:
- Có GPLX nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên.
- Không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa.
- Có GPLX quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ GPLX quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo GPLX quốc gia.