Cách nhân rộng 'vùng xanh' giữa vùng dịch

Với việc lập kế hoạch và quyết tâm thực hiện mô hình 'nhân rộng vùng xanh' ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, quận 7 và huyện Củ Chi trở thành những địa phương đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh công bố kiểm soát được dịch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HẢI SƠN

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HẢI SƠN

Quận 7 và huyện Củ Chi đã được chọn làm điểm để rút kinh nghiệm, nghiên cứu, thay đổi chiến lược phòng, chống dịch. Hai địa phương này sẽ là hai mũi đột phá, thí điểm cho kịch bản bình thường mới của TP Hồ Chí Minh sau ngày 15/9.

Những con số biết nói

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, Nguyễn Thị Hằng, tính từ ngày 15 đến 31/8, trên địa bàn huyện ghi nhận 2.327 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.547 trường hợp tại khu vực phong tỏa; 222 trường hợp tại khu cách ly tập trung và 558 trường hợp tại cộng đồng. Ðến hết tháng 8, huyện chỉ có một xã thuộc vùng có nguy cơ cao, ba xã thuộc vùng có nguy cơ và còn lại 17 trong tổng số 21 đơn vị cấp xã trong trạng thái bình thường mới. Ðến nay có một ấp thuộc vùng có nguy cơ cao, 18 ấp thuộc vùng có nguy cơ, 10 ấp cận xanh và 149 trong tổng số 178 ấp, khu phố được đánh giá ở mức bình thường mới. Trong 1.907 tổ nhân dân, tổ dân phố, có ba tổ thuộc vùng có nguy cơ rất cao, hai tổ thuộc vùng có nguy cơ cao, 33 tổ thuộc vùng có nguy cơ, 85 tổ cận xanh và 1.794 tổ được đánh giá ở mức bình thường mới.

Hết tháng 8, hơn 93,3% người dân từ 18 tuổi trở lên tại huyện Củ Chi đã tiêm vắc-xin mũi 1; gần 3,9% đã tiêm mũi 2. Huyện lập 10 trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho những trường hợp F0, đồng thời tập trung cao độ, thần tốc xét nghiệm tầm soát và thực hiện xét nghiệm đạt 300% qua ba vòng khu vực "đỏ, cam, vàng" và gần đạt 200% ở "vùng xanh". Qua đó, đã tổ chức lấy 17.439 mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp 10 và 85.194 mẫu test nhanh.

Tại quận 7, theo Bí thư Quận ủy Võ Khắc Thái, đến cuối tháng 8, quận có khoảng 2.600 F0 nhưng phần lớn đều được tổ chức chăm sóc, điều trị tại nhà một cách an toàn, khoa học; có khoảng 25% số F0 được cách ly tập trung và gần 20% lưu lại các cơ sở điều trị Covid-19. Trong hai tuần qua, tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 trên tổng số ca xét nghiệm cộng đồng của quận 7 chỉ dao động ở mức 1%. Số ca F0 chết tại địa bàn quận 7 giảm mạnh; số ca nhiễm, tỷ lệ nhiễm cộng đồng và số người chết đều rất thấp so với tỷ lệ chung của cả thành phố.

Tính đến ngày 2/9, quận đã tiêm gần 244.000 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, đưa quận 7 nằm trong nhóm tiêm chủng hiệu quả nhất thành phố. Nhóm người già trên 65 tuổi, có bệnh lý nền tại quận đều đã hoàn thành mũi 1, bắt đầu mũi 2. Quận 7 cũng không còn các điểm phong tỏa y tế; tỷ lệ "vùng xanh" chiếm khoảng 55%, trong khi "vùng đỏ" chỉ còn gần 26%. Cả 10 phường của quận đều được trao chứng nhận kiểm soát dịch bệnh…

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh).

Những cách làm sáng tạo

Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái cho biết, quận đã chuẩn bị kỹ, dự đoán diễn biến phức tạp của dịch để chuẩn bị sẵn cơ sở y tế nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân. Khi thành phố yêu cầu mỗi quận, huyện chuẩn bị khoảng 200 giường cách ly thì quận 7 đã chủ động chuẩn bị 33 cơ sở đủ năng lực để đưa F0 ra khỏi cộng đồng; thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 với 600 giường bệnh, trong đó có 150 giường cấp cứu, hình thành được mô hình điều trị hai tầng… Nhờ vậy, khi dịch diễn biến phức tạp, các cơ sở y tế không bị quá tải, người bệnh được tiếp nhận và điều trị kịp thời.

Thành công lớn nhất mà quận 7 thực hiện được chính là nâng cao năng lực y tế địa phương. Ðể theo dõi và chăm sóc người dân có nhu cầu y tế khi dịch phức tạp, quận lập 10 tổ y tế cộng đồng quy mô mỗi tổ từ 10 đến 15 người, trong đó phần lớn là các bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa, nhân viên Hội Chữ thập đỏ. Ðây là lực lượng "phản ứng nhanh" với nhiệm vụ thăm khám, chăm sóc cho F0, F1 trong cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các tổ y tế tham gia sàng lọc, sơ cứu, cấp cứu các F0 có thể chuyển nặng để chuyển tuyến kịp thời; hỗ trợ kết nối xe cấp cứu cho người dân; giúp đỡ y tế cho người ở khu phong tỏa, giúp xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh kịp thời chữa trị; phối hợp tuyên truyền kiến thức phòng, chống dịch... Người dân có vấn đề y tế có thể liên hệ vào đường dây nóng của tổ y tế cộng đồng nơi cư trú để được hỗ trợ.

Quận 7 cũng đã hình thành các trạm y tế chăm sóc F0 tại nhà. Với 44 trạm y tế (trong đó có 34 trạm lưu động) tổng số hơn 350 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên đảm nhận điều trị, chăm sóc ban đầu cho các bệnh nhân nhẹ, có bệnh lý thông thường. Ðến nay, các trạm y tế đã khám trực tiếp cho gần 1.100 người, tư vấn trực tuyến cho hơn 3.300 người, chuyển kịp thời 40 trường hợp trở nặng đi cấp cứu. Quận 7 có chủ trương và lập kế hoạch hình thành nhiều tầng, nhiều lớp tự quản để bảo đảm nhu cầu y tế của người dân được đáp ứng kịp thời. Tại các khu dân cư, quận lập ra các tổ tự quản về y tế (khoảng 100 người dân lập một tổ). Các doanh nghiệp, chợ, cơ sở tôn giáo… cũng lập ra các tổ tự quản về y tế. Hình thành tổ tự quản giúp người dân nắm thông tin kịp thời, hỗ trợ lẫn nhau tự xét nghiệm luân phiên; theo dõi, nâng cao sức khỏe theo hướng dẫn của ngành y tế; kịp thời báo với các tổ y tế cộng đồng, lực lượng y tế khi có ca F0 hoặc có trường hợp chuyển nặng…

Quận 7 cũng tổ chức mô hình tự quản về an sinh xã hội. Cứ mỗi 30 đến 50 hộ gia đình thì lập ra một tổ tự quản dưới sự theo dõi và quản lý của tổ dân phố. Các khu phố lập ra ban tự quản để theo dõi, hỗ trợ tổ dân phố. Mỗi phường có nhiều ban tự quản. Bằng mô hình này, nhu cầu của từng hộ gia đình được các tổ tự quản nắm bắt kịp thời; vận động các nguồn lực để tự hỗ trợ lẫn nhau hoặc đề xuất quận, thành phố tiếp nhận, điều phối và cứu trợ hàng hóa, thực phẩm cho người dân khó khăn bởi dịch Covid-19. Tổ tự quản cũng giúp thống kê, hỗ trợ việc chi các chế độ, chính sách cho người dân.

Tại huyện Củ Chi, một trong những "bí quyết" để địa phương này kiểm soát được dịch chính là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, Phạm Thị Thanh Hiền, huyện đã chủ động thành lập các lực lượng đi chợ thay nhằm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm; thực hiện nhanh chóng, quyết liệt đưa các gói hỗ trợ đến các hộ dân khó khăn… để người dân yên tâm ở nhà, tuân thủ giãn cách.

Trong chống dịch, huyện đề ra và thực hiện các giải pháp thần tốc trong xét nghiệm, truy vết, tiêm vắc-xin. Nhờ đó, Củ Chi là địa phương duy nhất tại TP Hồ Chí Minh trong bảy ngày đã xét nghiệm xong đến vòng thứ ba ở các "vùng đỏ, cam, vàng" và vòng thứ hai đối với "vùng xanh". Từ đó, phát hiện sớm F0, đưa vào khu điều trị với tỷ lệ bệnh chuyển nặng dưới 3%. Ðể bảo vệ "vùng xanh", huyện Củ Chi kiểm tra kỹ tất cả các phương tiện và người ra vào huyện, kể cả phương tiện có dán mã QR, lực lượng y sĩ, bác sĩ, công an, quân sự, cán bộ công chức, viên chức, thanh niên xung phong... Ðến nay, Củ Chi có 14 xã, thị trấn "vùng xanh"; ba xã "vùng cận xanh"; ba xã "vùng vàng" và chỉ còn một xã "vùng cam".

Mới đây, tại buổi làm việc với huyện Củ Chi và quận 7, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đánh giá, quận 7 và huyện Củ Chi đã bình tĩnh, chủ động, thực hiện nhiều sáng kiến, sáng tạo trong phòng, chống dịch. Củ Chi đã thực hiện nghiêm giãn cách ngay từ đầu, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm và quản lý F0. Quận 7 đã linh hoạt hình thành các tổ chức, lãnh đạo chỉ huy, vận hành theo cơ chế tình trạng thời chiến khi bám sát phương châm mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi phường là "pháo đài"; đề ra kế hoạch, nội dung, chỉ tiêu, thời gian hoàn thành; phân công từng thành viên Ban Thường vụ phụ trách các phường rất cụ thể, rõ ràng, thể hiện tính chấp hành rất cao trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội… ■

TÙNG QUANG và VĂN TÀI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/cach-nhan-rong-vung-xanh-giua-vung-dich-663551/