Cách phạt nhân văn

Phạt là một hình thức xử lý ai đó phạm lỗi. Ấy vậy mà học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP Hồ Chí Minh) lại tìm thấy ý nghĩa tích cực khi bị phạt. Thay vì viết kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích... ngôi trường này vừa áp dụng hình thức nếu học sinh vi phạm nội quy sẽ 'được' phạt đọc sách.

Các em đến thư viện, tự chọn sách trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn” để đọc, sau đó viết bài cảm nhận về nội dung và nêu lên suy nghĩ của bản thân trước các hành vi chưa phù hợp trong xã hội.

Hình thức xử phạt mang tính nhân văn trên như một mũi tên trúng hai đích: Vừa mang lại thông điệp nhắc nhở, giáo dục người bị xử phạt; vừa giúp các em hiểu hơn ý nghĩa của các giá trị sống, qua đó xác định thái độ sống và hành vi ứng xử phù hợp.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân chăm chú đọc sách trong giờ “phạt đọc sách viết cảm nhận”. Ảnh: Vov.vn

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân chăm chú đọc sách trong giờ “phạt đọc sách viết cảm nhận”. Ảnh: Vov.vn

Dù còn ý kiến lo ngại hình thức xử phạt có phần nhẹ nhàng khiến học sinh không sợ, nhưng rõ ràng đọc sách hay sẽ giúp bồi đắp tâm hồn, tình cảm. Khi đó, các em sẽ tiếp nhận những bài học về đạo đức một cách nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Trong bối cảnh bạo lực học đường đang gây nhức nhối, những biện pháp kỷ luật truyền thống dường như phản tác dụng. Việc đưa ra hình phạt làm cho học sinh cảm thấy lo lắng, sợ hãi, xấu hổ hoặc đau đớn để không tái phạm khuyết điểm đôi khi phản tác dụng. Đã có không ít hình ảnh phản cảm khi thầy cô, nhà trường xử phạt học sinh bằng những cách thô bạo như: Phạt quỳ gối, phạt uống nước giẻ lau bảng, dùng kéo cắt tóc, phạt ăn trong nhà vệ sinh, thậm chí là tát, đánh học sinh... Điều đó không những không giúp học sinh nhận ra sai lầm để sửa đổi mà còn gia tăng tình trạng bạo lực học đường, thể hiện sự thiếu hiểu biết về tâm sinh lý học sinh, thiếu sự quan tâm, tình yêu thương, ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần, sự phát triển trí tuệ, nhân cách của học sinh.

Làm thế nào để giáo dục được học sinh, để các em trưởng thành trong tình yêu thương, sự tôn trọng, nuôi dưỡng chứ không phải trong nỗi “khiếp sợ” với những hình phạt, kỷ luật hay chì chiết? Kỷ luật tích cực là điều cần các thầy cô, nhà trường hướng tới. Hãy xử phạt bằng tấm lòng yêu thương, giúp các em cảm nhận những giá trị nhân văn để tự mình điều chỉnh, sống tốt hơn, có văn hóa, văn minh hơn.

Trường học là một xã hội thu nhỏ, là nơi đầu tiên trẻ học làm người. Những viên gạch đầu tiên xây dựng hệ giá trị quốc gia, chuẩn mực con người Việt Nam cũng bắt đầu từ lứa tuổi này. Trong môi trường ấy, ngoài kiến thức thì việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường cần được đặt lên hàng đầu. Nếu môi trường giáo dục thiếu đi nét đẹp của văn hóa ứng xử thì khó lòng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn, sự tử tế, lòng nhân ái.

Không ai muốn phạm lỗi để bị kỷ luật, nên dù có ham đọc sách cũng không học sinh nào muốn vi phạm để được... đọc sách. Kỷ luật không phải là trừng phạt mà là cơ hội giáo dục giúp các em tốt hơn.

THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cach-phat-nhan-van-728700