Cách phòng bệnh viêm họng khi thời tiết chuyển lạnh
Giao mùa là thời điểm thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm họng cấp. Việc điều trị muộn có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận, thấp tim.
TS.BS Nguyễn Thị Hằng - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Hữu Nghị giải thích: "Viêm họng cấp là những viêm nhiễm tại họng hoặc amydal, thường biểu hiện đặc trưng bởi dấu hiệu đau họng. Ngoài ra, viêm họng cũng có thể đi kèm với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác như cúm, cảm, sởi. Bệnh viêm họng có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng trẻ em là nhóm dễ mắc bệnh nhất".
Lý giải cụ thể, chuyên gia cho biết, do trẻ có sức đề kháng còn yếu, nên dễ bị các vi khuẩn xâm nhập gây hại.
Phân biệt triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
Theo TS Hằng, tùy theo sức đề kháng của cơ thể, bệnh sẽ có biểu hiện triệu chứng khác nhau.
Với triệu chứng của bệnh bạch cầu hạt đơn nhân, bệnh nhân có biểu hiện nổi hạch, sốt cao, đau cơ, kém ăn, ban đỏ. Đối với liên cầu, có triệu chứng nuốt đau, nuốt khó, niêm mạc họng đỏ, có những giả mạc trắng hoặc xám, sốt, ớn lạnh, chán ăn, nôn, thay đổi cảm giác vị giác, toàn trạng thay đổi.
Thời gian diễn biến bệnh phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh. Thời gian có thể lây lan bệnh là từ lúc biểu hiện đến khi lui cơn sốt nếu do virus.
Nếu do liên cầu, thời gian lây sẽ trong vòng 24 giờ kể từ khi dùng kháng sinh. Cảm lạnh thường kéo dài 10 ngày, triệu chứng thường là sốt cao trong 3 - 5 ngày. Nếu kết hợp với virus cúm, bệnh kéo dài trong suốt thời gian bị bệnh.
"Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn thường có triệu chứng nặng hơn so với các nguyên nhân khác. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn tới các biến chứng nhiễm trùng ở amidan, tai, máu, viêm thận và sốt thấp khớp", chuyên gia cảnh báo.
Sốt thấp khớp có thể dẫn tới đau khớp và viêm, phát ban, thậm chí làm tổn hại van tim. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến là trẻ em từ 5 - 15 tuổi. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Họng đỏ, xuất hiện các mảng trắng ở amidan, sốt hoặc đau đầu, thỉnh thoảng có nổi ban, có thể kèm theo sưng nề hạch bạch huyết...
Chăm sóc và dinh dưỡng
Theo TS Hằng, bệnh nhân bị viêm họng do virus cần uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước, súc họng bằng nước muối sinh lý. Có thể dùng máy tạo ẩm, nghỉ ngơi tới khi thấy khỏe mạnh.
Ngoài ra, có thể dùng thuốc ngậm họng để giảm đau và ngứa họng. Người bệnh cũng có thể dùng một số thuốc từ thiên nhiên, giúp giảm dần triệu chứng, như: Mật ong, cam thảo,…
"Người bệnh cần sử dụng thực phẩm mềm và dễ nuốt để hạn chế kích thích niêm mạc họng khi đang trong tình trạng sung huyết. Thực phẩm và đồ uống ấm cũng có thể giúp làm dịu cổ họng", chuyên gia gợi ý.
Một số loại thực phẩm phù hợp với người viêm họng cấp là: Mì ống ấm, pho mát, bột yến mạch ấm, ngũ cốc nấu chín hoặc bột gan, cháo, rau nấu chín, khoai tây nghiền, sữa.
Món tráng miệng gelatin, sữa chua hoặc sữa chua nguyên chất với trái cây xay nhuyễn, các loại nước ép không chứa nước, như nước nho hoặc táo.
Do có thể kích thích cổ họng nhiều hơn hoặc khó nuốt, người bệnh cần hạn chế những thực phẩm như: Bánh quy, bánh mì giòn, gia vị cay và nước sốt, nước ngọt, cà phê, rượu, khoai tây chiên, bỏng ngô, rau tươi sống, các loại trái cây có tính axit như cam, chanh, cà chua và bưởi.
Phòng bệnh
TS Hằng khuyến cáo, người dân cần chú ý các biện pháp phòng bệnh như: Tránh tiếp xúc với những người đang bị các bệnh về đường hô hấp; Bổ sung chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng;
Hạn chế hoặc không sử dụng thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích khác; Phát hiện và điều trị sớm các bệnh viêm họng, mũi xoang, viêm amidan, VA;
Đeo khẩu trang đi đường, làm việc trong các môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất; Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vùng cổ họng vào mùa đông; Vệ sinh môi trường sống thường xuyên; Thường xuyên súc miệng bằng nước muối, uống nước chanh mật ong, ăn tỏi… vừa làm tăng sức đề kháng vừa là các cách trị viêm họng cấp tại nhà dễ làm; Uống nhiều nước, các loại nước ép trái cây.
Đối với trẻ nhỏ, cần chăm sóc chu đáo, tránh gió lạnh, nhiễm lạnh do mưa, mặc đủ ấm, đi tất, quàng khăn giữ ấm tai, cổ,... ; Tránh dùng chung thức ăn, đồ uống và đồ dùng ăn uống, tiếp xúc với những người bị bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi ho hoặc hắt hơi.
Nếu đau họng sau 2 ngày không hết, người bệnh cần được khuyến cáo cần đi khám bác sĩ.