Cách phòng ngừa rám má
Rám má - Melasma là hiện tượng tăng sắc tố da lành tính, thường gặp. Rám má thường xuất hiện ở các vùng da hở như mặt, cổ, hai cẳng tay và có tính chất đối xứng.
Rám má chính là các vết tăng sắc tố màu nâu, nâu đen, xanh đen, màu sắc có thể không đồng đều, vết nám nhẵn, không có vảy. Vùng da bị rám má không ngứa, không đau và không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác.
Điều trị rám là một quá trình khó khăn và lâu dài, cần có sự kết hợp của 3 yếu tố chống nắng - tẩy rám - loại bỏ yếu tố nguyên nhân, bên cạnh đó đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
Phân loại và nguyên nhân rám má
Phân loại
Dựa vào mức độ tăng sắc tố và diện tích tổn thương, người ta chia rám má thành các thể khác nhau từ nhẹ đến nặng:
Ở thể nhẹ: Bạn có thể tăng sắc tố nhẹ và ở hai bên gò má là chủ yếu.
Ở thể trung bình: Tăng sắc tố đậm hơn, không chỉ khu trú hai bên gò má mà bắt đầu lan ra các vị trí khác.
Ở thể nặng và rất nặng: Tăng sắc tố đậm, tổn thương lan rộng ra cả thái dương, trán hoặc mũi miệng, ngoài ra có thể xuất hiện ở cánh tay trên.
Nguyên nhân hình thành rám má
Cũng giống như nám da, rám má là bệnh da liễu xuất hiện phổ biến ở nữ giới. Tập trung ở các vùng da hở như hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, quanh miệng. Nguyên nhân chủ yếu là:
Rám má là tình trạng tăng sắc tố ở thượng bì và trung bì do một số yếu tố sau:
Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị rám má thì khả năng bị sẽ cao hơn.
Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Dưới tác động của các tia UV trong ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 9h đến 16h, làn da có khả năng bị rám và sạm đi. Không chỉ khiến rám má nặng hơn, tia UV còn gia tăng hình thành các vết rám mới và nếp nhăn trên da, gây lão hóa và làm cho da trở nên mẫn cảm.
Nội tiết tố thay đổi: Đặc biệt là nội tiết tố sinh dục estrogen, progesteron, androgen; các hormon ở tuyến yên, tuyến thượng thận và tuyến giáp.
Yếu tố mạch máu: Tăng biểu hiện VEGF, b-FGF ở tổn thương da, tăng giải phóng các chất trung gian Acid Arachidonic
Các yếu tố khác: mỹ phẩm, thuốc, dinh dưỡng, bệnh lý gan, nhiễm ký sinh trùng, yếu tố tâm lý, tinh thần.
Điều trị và phòng ngừa rám má
Để chẩn đoán bệnh rám má, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tình trạng da, dùng thiết bị đèn cực tím soi trực tiếp lên da trong phòng tối để đánh giá tổn thương từ đó đưa ra những kết luận chính xác về bệnh.
Để hạn chế bệnh, bạn cần thực hiện:
- Bảo vệ da bằng đội mũ rộng vành, đeo kính, áo dài tay, áo chống nắng khi ra nắng.
- Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời 30 phút.
- Không sử dụng thuốc tránh thai.
- Điều trị các ổ viêm nhiễm.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe phát hiện các rối loạn nội tiết trong cơ thể để chỉnh kịp thời.
- Sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, ăn nhiều hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, các chất tẩy rửa ở mặt.
Ngoài ra, còn tùy thuộc vào tình trạng rám, thời gian mắc phải, nguyên nhân gây rám, tính chất công việc, cơ địa, thói quen,… mà khả năng chữa trị cũng khác nhau.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-phong-ngua-ram-ma-169230308104831507.htm