Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Bạn lo lắng về lượng đường trong máu tăng cao khi mang thai? Dưới đây là cách kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ, giảm nguy cơ cho cả bạn và em bé.

 Tiểu đường khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho mẹ và em bé. Ảnh: What To Expect.

Tiểu đường khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho mẹ và em bé. Ảnh: What To Expect.

Mang thai là hành trình kỳ diệu, nhưng đối với một số phụ nữ, nó đi kèm với những thách thức như ốm nghén, thay đổi tâm trạng, thay đổi cơ thể... Trong đó, một trong những mối quan tâm mà nhiều phụ nữ phải đối mặt là lượng đường trong máu cao trong thời kỳ mang thai, gọi là tiểu đường thai kỳ.

Điều này xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin để kiểm soát lượng đường, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến các biến chứng trong và sau khi sinh.

Theo Health Shots, thực hiện những điều dưới đây sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường trong thời kỳ mang thai:

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

Ăn đúng thực phẩm là một trong những bước quan trọng nhất để biết cách kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ. Chế độ ăn uống cân bằng giúp giữ lượng đường trong máu ở mức an toàn. Dưới đây là 5 thay đổi bạn cần thực hiện đối với chế độ ăn uống hàng ngày của mình:

- Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Ngũ cốc nguyên hạt, rau, đậu và trái cây (ở mức độ vừa phải) làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

- Chọn chất béo lành mạnh: Bao gồm các loại hạt, hạt giống, quả bơ và dầu ô liu. Những chất này hỗ trợ dinh dưỡng tốt mà không gây tăng đột biến lượng đường.

- Tập trung vào thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp: Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như khoai lang, gạo lứt và đậu lăng tiêu hóa chậm, giúp tránh lượng đường trong máu tăng đột ngột.

- Tránh đồ ăn có đường: Tránh xa đồ ngọt, đồ uống có đường và món tráng miệng. Chúng làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng.

- Bổ sung protein nạc: Thịt gà, cá, trứng, đậu phụ và đậu giúp bạn no lâu và duy trì lượng đường ổn định.

Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên

Theo Đại học California San Francisco Health, ăn quá nhiều trong một lần có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột ngột. Bằng cách ăn 5-6 bữa nhỏ hoặc ăn nhẹ trong ngày, bạn có thể ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột ngột và giữ mức năng lượng ổn định.

Thói quen này giúp cơ thể xử lý thức ăn đều hơn và giảm áp lực lên mức insulin. Luôn cân bằng lượng carbohydrate, protein và chất béo trong mỗi bữa ăn nhỏ.

Duy trì hoạt động

Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS) cho biết duy trì hoạt động là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ. Duy trì hoạt động có thể giúp hạ thấp lượng đường trong máu bằng cách khiến cơ thể nhạy cảm hơn với insulin. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải lựa chọn các hoạt động an toàn và nhẹ nhàng. Một số bài tập an toàn bao gồm:

Đi bộ một đoạn ngắn, đặc biệt sau bữa ăn
Yoga cho bà bầu
Bơi lội

Theo dõi lượng đường trong máu

Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên là điều quan trọng để đảm bảo chỉ số này nằm trong phạm vi lành mạnh. Bạn có thể theo dõi lượng đường trong máu tại nhà bằng máy đo đường huyết và hoặc khi thăm khám thai.

Điều này giúp theo dõi cách cơ thể phản ứng với thức ăn, bài tập và nghỉ ngơi. Nếu lượng đường trong máu vẫn cao mặc dù đã thay đổi lối sống, bác sĩ có thể đề nghị dùng insulin hoặc thuốc.

Uống nhiều nước

Uống đủ nước giúp thận đào thải lượng đường dư thừa qua nước tiểu. Hãy cố gắng uống ít nhất 8-10 cốc mỗi ngày, trừ khi bác sĩ khuyên bạn không nên.

Ngoài ra, hãy đảm bảo giữ đủ nước bằng cách uống nước lọc hoặc các loại đồ uống lành mạnh, không đường khác - tránh đồ uống có đường hoặc nước trái cây vì chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-phong-ngua-tieu-duong-thai-ky-post1567372.html