Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm trên thế giới có trên 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong. 99,7% các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV. Vì vậy, việc nhiễm virus HPV được coi là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến căn bệnh ung thư nguy hiểm này.
Hiểu về virus HPV
Human Papilloma Virus (còn gọi là virus HPV) là loại virus với hơn 100 týp, trong đó có khoảng 15 týp có khả năng gây ung thư gọi là týp “nguy cơ cao” và phổ biến nhất là các týp HPV 16 và 18 gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu, kế đến là týp 31 và 45. Virus HPV lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Ngay cả khi chỉ tiếp xúc ngoài da, loại virus này cũng có thể bị lây nhiễm. Vì vậy, tất cả các phụ nữ có quan hệ tình dục đều có nguy cơ bị nhiễm virus HPV. Trong cuộc đời mình, mọi phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm virus HPV khi quan hệ tình dục.
Hầu hết các trường hợp lây nhiễm virus HPV đều không có biểu hiện cụ thể. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau vài tháng xuất hiện. Tuy nhiên, nếu nhiễm HPV týp có nguy cơ cao có thể tồn tại lâu dài làm biến đổi gen tế bào cổ tử cung một cách bất thường gây ra các tổn thương ở mức độ thấp và tăng dần dẫn đến ung thư. Quá trình này diễn ra âm thầm trong thời gian dài từ 10-15 năm.
Ung thư cổ tử cung thường xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi 40-60, nhưng thường gặp nhất với những người 50-55 tuổi. Tuy vậy, mầm mống gây bệnh là virus HPV có thể đã âm thầm tồn tại trong cơ thể từ hàng chục năm trước đó. Một số quốc gia ghi nhận căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa, do độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của bé gái có sớm hơn 10 năm trước, dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV và ung thư ở tuổi đời còn rất trẻ. Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với những người mới tuổi 20. Nếu được phát hiện từ sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở giai đoạn tiền ung thư là 100%. Ở giai đoạn I, tỷ lệ đạt 85-90%, giảm dần đến giai đoạn II còn 50-75%, giai đoạn III chỉ 25-40% và dưới 15% người bệnh ở giai đoạn IV còn sống sau 5 năm.
Phòng ngừa lây nhiễm virus HPV
Làm thế nào để phòng ngừa việc lây nhiễm virus HPV cho phụ nữ có quan hệ tình dục là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Có một số khuyến cáo cần được lưu ý như sau: Tiêm vaccine phòng chống lây nhiễm của virus HPV là biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, vaccine ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2007, có hiệu quả phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung gây ra bởi 2 chủng HPV 16, 18. Bên cạnh đó, vaccine còn tác dụng phòng mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục (dương vật, âm đạo, âm hộ, hậu môn...). Tuy nhiên dù đã chích vaccine phòng ngừa HPV nhưng phụ nữ có quan hệ tình dục vẫn cần được sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Đối tượng tiêm vaccine phòng ngừa HPV tốt nhất là những phụ nữ từ 9-26 tuổi và chưa quan hệ tình dục. Những trường hợp phụ nữ dưới 40 tuổi và đã quan hệ tình dục và đã sinh con, hiệu quả phòng ngừa của vaccine bị ảnh hưởng đáng kể. Không nên có quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên bởi đây là giai đoạn các cơ quan sinh dục đang phát triển và rất nhạy cảm. Do đó, việc quan hệ tình dục sớm sẽ đem đến nguy cơ cao dẫn đến việc lây nhiễm virus HPV. Nên sử dụng bao cao su trong các lần quan hệ tình dục để giảm nguy cơ lây nhiễm virus HPV từ bạn tình. Xây dựng đời sống tình dục lành mạnh, không nên có nhiều bạn tình và thực hiện quan hệ tình dục an toàn nhằm giảm nguy cơ nhiễm HPV.
Chị em phụ nữ nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ trong các kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục. Khi có những biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Tóm lại, xây dựng lối sống lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp chị em phụ nữ giảm nguy cơ lây nhiễm virus HPV - tác nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, chúng ta có thể tầm soát định kỳ nhằm phát hiện tế bào ung thư cổ tử cung và xét nghiệm để tiêu diệt virus HPV sớm nhất có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Phát hiện và điều trị những tổn thương bất thường để điều trị kịp thời. Chi phí xét nghiệm dưới 1 triệu đồng nhưng có giá trị bảo vệ cao. Nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nếu để bệnh phát triển đến giai đoạn muộn thì nguy cơ tử vong rất cao.
Những nơi phụ nữ có thể đến làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung như các bệnh viện chuyên khoa ung thư, các bệnh viện sản - phụ khoa, các trung tâm dịch vụ về dân số và kế hoạch hóa gia đình.Việc phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung phải luôn được đặt lên hàng đầu. Chị em phụ nữ nên quan tâm đến những biểu hiện bất thường để không phải lo lắng về căn bệnh nguy hiểm này.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/suc-khoe/cach-phong-ngua-ung-thu-co-tu-cung-85739.html