Cách phòng tránh sốc nhiệt trong ngày hè
Như Báo Hànôịmới đã đưa tin ngày 21-5, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận bệnh nhân C.T.M (49 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh) được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới do sốc nhiệt. Bệnh nhân may mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên đã tránh được nguy cơ tử vong. Vậy, làm gì để bảo vệ sức khỏe trước điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường như hiện nay?
Điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân sốc nhiệt tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Tỷ lệ tử vong do sốc nhiệt tương đương đột quỵ
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốc nhiệt thường xảy ra khi lao động trong môi trường nắng nóng khiến tăng thân nhiệt quá mức (thường trên 40 độ C) và mất nước. Hậu quả là hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể bị ngừng lại hoặc rối loạn, dẫn tới hôn mê, co giật, trụy tim mạch, tổn thương gan, suy gan, rối loạn đông máu nội quản rải rác, suy thận...
Các bệnh nhân bị sốc nhiệt đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ. Khi có biểu hiện choáng, ngất và hôn mê, nếu sơ cứu không kịp thời, tình trạng sốc nhiệt nặng hơn, tổn thương nghiêm trọng nhiều cơ quan.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị lưu ý, cơ thể người bị sốc nhiệt mất muối và nước kéo dài, trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể hoạt động quá tải. Đây là tai biến nặng nhất do nhiệt. Sốc nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ.
Sớm sơ cứu, làm nguội cơ thể người bị sốc nhiệt
Để phòng, tránh các trường hợp sốc nhiệt do lao động và làm việc trong môi trường nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, vào những ngày nắng nóng bất thường, những người phải làm việc ngoài trời nên bắt đầu làm từ sớm và kết thúc sớm, buổi chiều bắt đầu muộn và kết thúc muộn. Khi làm việc, nếu thấy cơ thể nóng quá, có biểu hiện mệt hoặc khó chịu thì nên tạm nghỉ và thường xuyên uống các loại nước có chứa muối, như: Oresol, nước khoáng, nước trái cây, nước rau luộc cho thêm muối...
Còn theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, việc sơ cứu người bị sốc nhiệt rất quan trọng. Bệnh nhân càng được phát hiện sớm, sơ cứu, làm nguội cơ thể và điều trị tích cực sớm thì càng hạn chế các tổn thương lên các cơ quan. Do đó, khi phát hiện thấy người bị sốc nhiệt, cần giảm nhiệt bằng cách di chuyển nạn nhân đến chỗ mát, nới rộng quần áo, cho uống nước bù chất điện giải kết hợp dùng khăn nước lạnh hay nước đá đắp vào các vùng trên cơ thể... Nếu thấy nạn nhân bất tỉnh, thở yếu, ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo theo điều kiện tại chỗ. Sau đó, nhanh chóng vận chuyển cấp cứu, đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải ra ngoài thì cần đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng. Người dân cần uống đủ nước. Đặc biệt, những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol.... Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh, dễ gây viêm họng.
Còn tại mỗi gia đình, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Đặc biệt, trong mùa hè, mỗi người cần bảo vệ sức khỏe bằng việc thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Mặt khác, tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, lau dọn bề mặt và các vật dụng bằng dung dịch khử khuẩn, đồng thời, thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối...