Cách phòng tránh tình trạng bị tiêu chảy sau khi ăn
Để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng do tiêu chảy, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần theo dõi sát các dấu hiệu mất nước, sốt cao, và đưa trẻ đi khám kịp thời.
Tình trạng cứ ăn vào là tiêu chảy là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng đường tiêu hóa, mà chủ yếu là do nguồn thực phẩm. Một số nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng ăn vào là tiêu chảy gồm:
Nhiễm virus: Một số loại virus gây bệnh đường tiêu hóa như virus rota (rotavirus), virus noro (noroviruses), có thể gây ra tình trạng tiêu chảy cấp và các triệu chứng khác kèm theo. Tình trạng tiêu chảy vẫn có thể tiếp tục kéo dài thêm vài ngày khi các triệu chứng khác đã biến mất.
Ăn thực phẩm chứa lactose: Ở người không dung nạp lactose thì khi ăn các loại thực phẩm chứa thành phần này có thể gây nên tình trạng tiêu chảy cùng một số triệu chứng khác gồm đầy hơi và co thắt cơ bụng.
Bị ngộ độc thực phẩm: Cơ thể con người rất nhạy cảm với những loại thực phẩm độc hại. Phản ứng của nó là gây ra tình trạng nôn và tiêu chảy để tống những loại thực phẩm này ra ngoài. Do đó, khi ăn vào là tiêu chảy thì bạn nên kiểm tra lại về các loại thức ăn đã ăn và mức độ an toàn vệ sinh của chúng.
Uống quá nhiều chất lỏng: Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc uống nhiều nước trái cây và các thực phẩm lỏng khác có thể gây ra tình trạng tiêu chảy. Điều này là do trong các loại thức uống và thực phẩm lỏng có hàm lượng đường cao, khi đi vào cơ thể có thể hút nước vào trong lòng ruột gây tiêu chảy.
Nhiễm ký sinh trùng từ thức ăn: Một số loại ký sinh trùng từ giun đến sán, đặc biệt là sán dây có thể gây ra tiêu chảy. Tình trạng tiêu chảy sẽ vẫn tiếp diễn nếu ký sinh trùng chưa được loại bỏ khỏi cơ thể.
Nồng độ magie quá cao trong cơ thể: Nồng độ magie cao trong cơ thể có thể gây tiêu chảy, tuy nhiên, việc các nguồn thực phẩm cung cấp dư thừa lượng magie là hiếm gặp, mà chủ yếu đến từ việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ sung magie.
Hội chứng ruột kích thích: Là hiện tượng ruột bị kích thích gây nên hỗn hợp nhiều triệu chứng khác nhau như tiêu chảy, đầy hơi và co thắt cơ bụng nhưng hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Rối loạn hấp thụ axit mật: Dịch mật được sản sinh để hỗ trợ hệ tiêu hóa phân hủy chất béo có trong thức ăn. Trường hợp những dịch mật sau khi được chuyển hóa không được hấp thụ đúng cách có thể gây kích thích đại tràng, dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
Bệnh Celiac: Bệnh Celiac gây tổn thương đường ruột mỗi khi bạn ăn thực phẩm có chứa gluten, gluten là một dạng chất đạm có trong hầu hết các sản phẩm từ lúa mì.
Bị căng thẳng: Nhu động ruột sẽ tăng lên khi cơ thể đang trong tình trạng căng thẳng. Điều này dễ gây tiêu chảy, đặc biệt là buổi sáng sau khi ngủ dậy. Trong trường hợp này, tình trạng tiêu chảy sẽ biến mất khi tình huống gây căng thẳng được giải quyết.
Nên làm gì để tránh bị tiêu chảy sau khi ăn
Tránh các loại thực phẩm gây kích thích đường tiêu hóa: Các loại thực phẩm thường liên quan đến tình trạng tiêu chảy gồm thức ăn giàu chất béo, thức ăn giàu chất xơ, các sản phẩm từ sữa và các chất kích thích như rượu bia, cafe, v.v. Nếu bạn không chắc loại thực phẩm nào gây tiêu chảy khi ăn vào thì cần phải cố gắng ghi nhớ những gì đã ăn trước khi bị tiêu chảy, rồi dựa vào danh sách đó để tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy.
Luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn chín uống sôi, rửa sạch các loại rau củ, nấu chín các loại thực phẩm trước khi ăn, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây tiêu chảy.
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày khi bị tiêu chảy: Điều này giúp giảm gánh nặng của hệ tiêu hóa khi đang trong tình trạng viêm nhiễm, từ đó làm giảm triệu chứng tiêu chảy theo thời gian.
Cố gắng thư giãn cơ thể, hạn chế tối đa căng thẳng: Việc căng thẳng lâu dài có thể gây rối loạn tiêu hóa, do đó, bạn cần học cách kiểm soát căng thẳng để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Bổ sung probiotic hỗ trợ đường ruột: Probiotic là các loại vi khuẩn hữu ích cho đường ruột, giúp lấy lại cân bằng giữa vi khuẩn có hại và có lợi trong đường ruột, đặc biệt là vai trò bổ sung hai nhóm lợi khuẩn bifidobacterium bifidum và lactobacillus acidophilus.
Thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị tiêu chảy: Các loại thảo mộc chứa berberin, enzyme tiêu hóa, than hoạt tính, L-glutamine, lactase, vitamin C và vitamin A có tác dụng cải thiện tình trạng tiêu chảy hiệu quả.