Cách phòng và điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ thường tự khỏi, với triệu chứng kéo dài từ 2 - 4 tuần, tuy nhiên bệnh có thể diễn tiến nặng, gây ra biến chứng nên cần phòng và điều trị kịp thời.
Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ nhẹ hơn bệnh đậu mùa, ít truyền nhiễm hơn bệnh đậu mùa, thường tự khỏi, với triệu chứng kéo dài từ 2 đến 4 tuần.
"Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng. Tỷ lệ tử vong của bệnh gần đây khoảng 3 - 6%", BS Thảo nói.
Theo BS Thảo, dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ là khi bệnh nhân có phát ban mụn nước, vị trí thường ở mặt, bàn tay chân, mắt, miệng, bộ phận sinh dục, kèm với các triệu chứng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như sốt, đau cơ, sưng hạch, đau đầu, yếu sức. Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền cho người do tiếp xúc gần với con vật bệnh hoặc người bệnh, hoặc do tiếp xúc với các vật thể nhiễm virus.
"Đậu mùa khỉ lây từ người sang người khi tiếp xúc gần với người có triệu chứng tiếp xúc trực tiếp da với da, tiếp xúc đối diện, tiếp xúc miệng với da, chạm vào chăn gối, ga giường, khăn tắm, quần áo hoặc vật dụng của người mắc bệnh", BS Thảo cho hay.
BS Thảo lưu ý, để bảo vệ bản thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ bằng cách tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng, cần tránh tiếp xúc trực tiếp da với da, đối diện, hoặc miệng với da. Thường xuyên vệ sinh tay, các vật dụng, các bề mặt, chăn, ga gối đệm, khăn tắm và quần áo.
Cần đeo khẩu trang nếu bạn bắt buộc phải tiếp xúc gần với người có triệu chứng và khi thay ga, gối giường, khăn và quần áo của người mắc bệnh đậu mùa khỉ, hỏi đối phương xem họ có triệu chứng hay không trước khi tiếp xúc gần.
"Hiện, một số quốc gia đã có thuốc và vaccine điều trị đậu mùa khỉ. Nếu bạn có nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy đến bệnh viện để khám và tư vấn. Cần cách ly tại nhà nếu có thể và bảo vệ những người khác bằng cách tránh tiếp xúc gần, đeo khẩu trang và tránh động chạm cơ thể nếu phải tiếp xúc gần", BS Thảo nhấn mạnh.
Như VTC News đưa tin, ngày 25/9, CDC Đồng Nai thông tin, địa phương này ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ. Bệnh nhân là anh L.V.T (SN 1998, thường trú xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tạm trú TP.HCM) làm kinh doanh, thường xuyên di chuyển, tiếp xúc với nhiều người, hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Bệnh nhân khởi phát bệnh và có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhân đi khám điều trị tại phòng khám tư (chưa rõ địa chỉ) nhưng bệnh không giảm.
Qua điều tra dịch tễ, ngày 16/9, bệnh nhân T. có tiếp xúc với chị N.T.L (SN 2001, tạm trú tại TP Tân Uyên, Bình Dương).
Chị L. sau đó cũng được xác nhận dương tính với virus đậu mùa khỉ, hiện đang được điều trị tại Trung tâm Y tế TP Tân Uyên.
Từ ngày 17/9, đến ngày khởi phát bệnh 22/9, bệnh nhân T. tiếp xúc với 4 người thân đang trong giai đoạn ủ bệnh là bố, mẹ, bà nội và chị gái ở quê.
CDC Đồng Nai kiến nghị CDC TP.HCM, CDC Bình Dương tiếp tục điều tra lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân với các đồng nghiệp, người thân xung quanh trong khoảng thời gian từ ngày 17/9 đến nay để đưa ra các biện pháp xử trí kịp thời nhằm phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Đề nghị Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc giám sát, theo dõi y tế đối với 4 trường hợp người thân có tiếp xúc gần với bệnh nhân (tiếp xúc lần cuối ngày 2/9) cho đến hết 23/9.
CDC tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhập cảnh, giám sát cộng đồng và tại các cơ sở y tế để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ đậu mùa khỉ trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường hoạt động truyền thông về tình hình dịch, các nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Liên quan bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thường trú ở Đồng Nai, ở trọ tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay, đến nay HCDC đã điều tra dịch tễ với 8 người tiếp xúc gần.
HCDC đã lập danh sách những người tiếp xúc gần cư trú tại TP.HCM và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày.
Đồng thời, hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân. Những người tiếp xúc gần này hiện ổn định, không có triệu chứng bất thường. HCDC vẫn tiếp tục điều tra, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, HCDC khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo 1 hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cach-phong-va-dieu-tri-benh-dau-mua-khi-ar822606.html