Cách phòng viêm họng cho trẻ trong mùa nồm ẩm
Trẻ em dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch yếu, sức chống chọi với vi khuẩn, virus kém, do đó dễ nhiễm bệnh hơn khi gặp thời tiết nồm ẩm, đặc biệt là viêm họng.
Viêm họng ở trẻ không phải là bệnh nguy hiểm. Thông thường nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ ổn định sau khoảng 1 tuần. Nhưng trong trường hợp không được điều trị và theo dõi sát sao, bệnh nhi có thể sẽ phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh khí phế quản và viêm xoang.
Các triệu chứng phổ biến khi trẻ bị viêm họng khi thời tiết nồm ẩm bao gồm:
Đau rát cổ họng.
Khó nuốt, nuốt thức ăn, đồ uống hoặc thậm chí nuốt nước bọt thấy đau, vướng.
Khàn giọng.
Trẻ có thể bị sốt, gây cảm giác ớn lạnh.
Toàn thân đau nhức, mệt mỏi.
Amidan sưng to, đỏ.
Đau đầu, đau tai. Ăn vào sẽ nôn ói.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi chưa thể nói được, trẻ có thể biểu hiện như:
Quấy khóc.
Biếng ăn, gặp khó khăn trong việc ăn uống, không chịu nuốt thức ăn vì niêm mạc họng của trẻ bị sưng , gây cản trở và đau khi nuốt.
Ho nhiều, khó thở, thở gấp, ngủ có tiếng ngáy.
Sốt.
Chảy nước bọt bất thường.
Khi thấy trẻ có các triệu chứng trên, cần đưa trẻ đến khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trẻ bị viêm họng có amidan sưng to, đỏ...
Lưu ý khi trẻ bị viêm họng:
Thuốc kháng sinh không giúp cải thiện tình trạng đau họng do virus gây ra và không được khuyến khích. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chọn lựa loại thuốc phù hợp cho trẻ. Do đó, bố mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho con khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, lưu ý không dùng lại đơn thuốc đã sử dụng từ lần điều trị trước đó, không tự ý nhỏ các loại thuốc co mạch kéo dài cho trẻ. Dùng thuốc sai cách có thể gây ra những hậu quả khó lường, làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và tác động xấu đến chức năng gan thận của trẻ.
- Viên ngậm: Nhiều loại thuốc ngậm cổ họng giảm khô họng hoặc đau họng. Tuy nhiên, không khuyên dùng viên ngậm họng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, vì trẻ có thể bị sặc hoặc nghẹn. Trẻ trên 5 tuổi khi ngậm kẹo ít nguy cơ mắc nghẹn hơn.
- Thuốc xịt chứa thuốc gây tê tại chỗ có thể điều trị đau họng: Tuy nhiên, thuốc xịt không hiệu quả hơn việc ngậm kẹo cứng. Ngoài ra, thành phần gây tê phổ biến là benzocain có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Không khuyến khích dùng thuốc xịt họng cho trẻ em.
- Cho bé ăn đầy đủ dinh dưỡng, chọn những loại thức ăn mềm, dễ ăn và dễ tiêu hóa;
- Cho bé uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả và dung dịch oresol;
- Nên chia nhỏ bữa ăn và lượng thức ăn cũng không nên quá nhiều vì khi đang ốm trẻ sẽ không thể ăn nhiều như bình thường;
- Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa axit, đồ ăn cay chua, đồ ngọt, đồ ăn có chứa nhiều mỡ như nước sốt cà chua, ớt, hạt tiêu, khoai tây chiên… Những loại thực phẩm này có thể khiến cổ họng thêm khô rát, sưng, dịch tiết ra nhiều hơn… làm những tổn thương ở cổ họng nghiêm trọng hơn và các triệu chứng của bệnh không được cải thiện.
- Lau người cho trẻ bằng khăn ấm, chú ý vùng cổ, bẹn, nách khi trẻ sốt.
- Cho trẻ vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối ấm để bảo vệ cổ họng, đường hô hấp của trẻ
- Không tắm trẻ ngay khi trẻ vừa đổ nhiều mồ hôi, dùng nước ấm tắm trẻ và thường xuyên rửa tay trẻ với xà phòng.
- Khị trẻ bị viêm họng, nên cho bé uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả và dung dịch oresol.
Phòng ngừa viêm họng khi trời nồm ẩm
- Để trẻ tránh mắc viêm họng trong thời tiết nồm ẩm, cần lưu ý:
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ, khô thoáng.
- Loại bỏ những đồ dùng bị ẩm mốc.
- Đóng cửa phòng và bật máy hút ẩm hoặc điều hòa chế độ khô. Không nên bật quạt vì sẽ khiến không khí trong nhà ẩm ướt hơn.
- Giữ quần áo, chăn ga, gối, rèm khô, sạch sẽ.
- Khi đun nấu, tắm rửa… nên bật quạt thông gió.
- Vệ sinh họng, miệng cho trẻ sạch sẽ, nhắc nhở trẻ đánh răng đều đặn mỗi ngày, sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
- Nhắc nhở trẻ tránh những thói quen xấu như cho tay lên miệng hoặc thường xuyên ngoáy mũi.
- Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0. 9%, cần làm đúng cách.
- Giữ vệ sinh không gian sống và nơi vui chơi của trẻ luôn sạch sẽ.
- Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, đặc biệt đối với những trẻ đã bị tái nhiễm bệnh nhiều lần.
- Dù bất cứ mùa nào cũng nên lau khô trước khi mặc quần áo cho trẻ.
- Tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với những trường hợp bị bệnh./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cach-phong-viem-hong-cho-tre-trong-mua-nom-am-post999952.vov