Cách sơ cứu cơ bản khi trẻ mắc dị vật đường thở
Trẻ nhỏ với bản tính tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng để khám phá nên dễ bị mắc dị vật đường thở. Đây là tai nạn nguy hiểm bởi có thể cướp đi sinh mạng của trẻ chỉ trong vài phút.
Những cái chết thương tâm
Sau khi ăn viên kẹo dẻo, bé B.H.M, 6 tuổi, ở huyện Ninh Giang, Hải Dương, có biểu hiện hóc dị vật liền được người thân sơ cứu khoảng 15 phút rồi chuyển đến bệnh viện huyện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, mạch cảnh rời rạc.
10 thầy thuốc từ khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Liên chuyên khoa (Mắt - Răng hàm mặt - Tai mũi họng) và điều dưỡng chuyên khoa được huy động để cấp cứu cho bệnh nhi. Viên kẹo dẻo màu đỏ được gắp ra khỏi đường thở, các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim bệnh nhân được tiến hành.
Khoảng 10 phút, bé có nhịp tim đập trở lại, huyết áp, mạch nhưng bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc. Ngay khi bệnh nhi có tim đập trở lại, các thầy thuốc đã giải thích cho gia đình, đồng thời liên hệ với Bệnh viện Nhi Hải Dương, sẵn sàng phương án chuyển tuyến cho bé. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân nhiều lần xuất hiện ngừng tim. Tối cùng ngày, gia đình xin đưa bé về nhà, qua đời tại nhà riêng.
Một trường hợp khác, hồi năm 2020, một bé trai 20 tháng tuổi, trú huyện Phú Thiện, Gia Lai tử vong do bị sặc khi ăn thạch rau câu khiến toàn thân tím tái, ngừng tim, ngừng thở.
Tháng 6 năm nay, bé gái 9 tháng tuổi ở Nghệ An nhặt được hạt chôm chôm dưới nền nhà rồi cho vào miệng, không may bị hóc. Mặc dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng bé gái đã không qua khỏi.
Trẻ nhỏ với bản tính tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng để khám phá hoặc trong quá trình ăn uống cha mẹ để con vừa ăn vừa chơi, vừa khóc vừa ăn; các bạn học sinh lớn hơn thì hiếu động, chơi nghịch nên dễ bất cẩn dẫn đến hóc dị vật.
Bác sĩ tư vấn cách xử trí khi trẻ hóc dị vật
Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Đăng Việt, Trưởng khoa Khám và Thăm dò hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, tư vấn khi trẻ bị hóc dị vật:
- Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, không khó thở: đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.
- Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu: Nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu hóc dị vật sau:
Trẻ dưới 2 tuổi:
- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.
- Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
- Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.
- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
Đối với trẻ lớn:
- Trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được.
- Trẻ hôn mê: Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.
Tuyệt tối không cố móc lấy dị vật ra vì có nhiều khả năng dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, dẫn đến tắc đường thở, nguy cơ tử vong cao hơn.