Cách sơ cứu tại chỗ khi bị chó cắn ai cũng cần phải nhớ

Đã có không ít những trường hợp đau lòng khi nạn nhân bị chó nhà, chó dại cắn dẫn đến tử vong. Vậy nếu bị chó cắn, người dân cần phải làm gì?

Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin bé gái 8 tháng tuổi bị một chú chó thuộc giống chó Ngao Tây Tạng nặng 40kg cắn dẫn đến tử vong.

Trước đó, hồi tháng 1/2018 tại Đắk Lắk cũng đã xảy ra trường hợp một bé trai bị chó nhà cắn rách mặt rất thương tâm.

Những vụ việc này đã khiến nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, nhất là đối với những gia đình thích nuôi thú cưng cũng khiến họ e dè.

Có nhiều trường hợp thương tâm khi bị chó cắn (Ảnh minh họa).

Có nhiều trường hợp thương tâm khi bị chó cắn (Ảnh minh họa).

Trước những vụ việc đáng buồn trên, TS.BS Lê Việt Khánh – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cũng đã có những chia sẻ với PV.

TS.BS Lê Việt Khánh bày tỏ: “Các hộ gia đình tuyệt đối không thả rông động vật nuôi, nên đeo rọ mõm cho chó khi đi ra đường. Không nên để trẻ một mình với vật nuôi, động vật thả rông; Cố gắng cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương…; Không chọc ghẹo vật nuôi, tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi hoặc chơi với vật nuôi khi chúng đang ăn.

Và tốt nhất, gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi động vật hoang dại hoặc giống chó hay cắn người”.

TS.BS Lê Việt Khánh khuyên các gia đình nuôi chó ở nhà cũng nên rọ mõm.

TS.BS Lê Việt Khánh khuyên các gia đình nuôi chó ở nhà cũng nên rọ mõm.

Khi bị chó cắn, TS.BS Khánh cho biết cần thực hiện sơ cứu như sau:

Nạn nhân cần làm sạch vết thương, nên dùng bông tiệt trùng để rửa nhẹ nhàng vết thương dưới vòi nước chảy cùng với xà phòng diệt khuẩn nhằm loại bỏ tất cả mầm bệnh, tuyệt đối không chà xát mạnh làm tổn thương nghiêm trọng hơn.

Sau khi làm sạch vết thương, dùng bông lau khô vết thương, dùng cồn, nước muối pha loãng hoặc oxy già để sát trùng vết thương, loại bỏ vi khuẩn, chỉ dùng một lượng vừa đủ cho lên vết thương.

Để cầm máu cho vết thương, tìm mọi cách nâng cao vùng bị thương nếu có thể để tránh cho vết thương bị chảy máu quá nhiều, sau đó dùng băng sạch băng vết thương để cầm máu.

Sau đó, cần đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được điều trị nhanh chóng nhất. Đồng thời, nạn nhân bị chó cắn cần được tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng dại để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác.

Vết thương do chó cắn (không phân biệt chó nhà hay chó dại) cần được theo dõi cẩn thận tại cơ sở y tế ít nhất là 48 giờ.

Nguyễn Lâm

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/cach-so-cuu-tai-cho-khi-bi-cho-can-ai-cung-can-phai-nho-a378723.html