Cách Thần Sấm Thor chữa lành nỗi đau
'Thor: Love and Thunder' xoay quanh hành trình vượt qua mất mát và tìm thấy tình yêu của siêu anh hùng Thor.
Hầu hết anh hùng theo đuổi sức mạnh gần với thần linh. Trong khi đó, Thor (Chris Hemsworth đóng) từ một vị thần Bắc Âu quyền uy, trải qua ba phần phim riêng và Avengers: Endgame đã có dịp nếm trải nỗi đau mất người thân, ngày càng tiến gần nhân loại hơn.
Phần phim thứ 29 thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel xoay quanh sự kiện Thor ngăn chặn âm mưu của Gorr (Christian Bale) - kẻ sở hữu thanh Necrosword có khả năng sát thần.
Từng trải qua nhiều bi kịch trong quá khứ, Gorr căm ghét thần linh và lập lời thề tiêu diệt tất cả. Trong một lần đối đầu với Gorr để bảo vệ vùng đất Tân Asgard, Thor gặp lại Jane Foster - người yêu cũ của anh trong hình dạng của Mighty Thor. Cùng với Korg (Taika Waititi) và Valkyrie (Tessa Thompson), bộ tứ bước vào hành trình giải cứu các vị thần trong toàn cõi vũ trụ.
Khắc họa châm biếm hình tượng thần linh
Điểm nổi bật ở Thor: Love and Thunder nằm ở sự hài hước và tính giải trí cao, đến từ phong cách viết kịch bản đặc trưng của nhà làm phim Takia Waititi. Tác phẩm khắc họa một cách dí dỏm hình ảnh Thần sấm, cùng hành trình giải quyết những vấn đề liên quan đến tâm lý và tình cảm của anh.
Trong phim, Thor là một vị thần quyền năng nhưng có những cảm xúc rất con người. Đó là nỗi đau đớn khi mất đi gia đình, cảm giác sợ yêu sau những thất bại liên tiếp trong tình yêu, rồi tâm trạng chán đời dẫn đến rượu bia triền miên và tăng cân mất kiểm soát... Thor có thể bộc phát sức mạnh và càn quét cả một đội quân, nhưng sâu bên trong, anh vẫn là một con người đang phải loay hoay tìm cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực.
Thông qua việc khắc họa chuyện tình giữa Thor và Jane Foster, Waititi giúp khán giả nhận ra ở Thor cũng có những mặt không thể chấp nhận, đặc biệt là trong tình yêu. Vị đạo diễn chủ trương đập vỡ hình ảnh vị Thần sấm tóc vàng hoàn hảo trong Thor và Thor: The Dark World để phơi bày ra những điểm bất toàn, từ đó kéo anh lại gần với nhân tính cũng như khán giả.
Trong Thor: Love and Thunder, Taika Waititi bộc lộ phong cách làm phim hài hước châm biếm rõ nhất ở việc xây dựng hình ảnh các đấng thần linh. Thay vì hình tượng nghiêm nghị và quyền lực, tất cả thần thánh xuất hiện trong phim có lời thoại và hành động tấu hài. Từ Thor cho đến Zeus, không ai thoát khỏi óc hài hước của Waititi. Sự châm biếm và ít nhiều làm méo mó hình ảnh những vị thần đã hợp nhất với niềm tin của gã phản diện Gorr, rằng thần linh chẳng có gì tốt đẹp.
Mặc dù Tân Asgard giờ đã không còn nằm trên ngọn của cây thế giới Yggdrasil, Taika Waititi đã thể hiện rằng: Dù có ở đâu thì Asgard vẫn luôn là một vùng đất thiêng. Không khí thần thoại ấy đến từ những vở kịch và truyền thuyết được người dân kể lại, từ sự xuất hiện của cậu bé Axl (Keiron L.Dyer) - con trai của Heimdall, và từ tinh thần chiến binh của người dân Asgard. Đó cũng là điều mà Odin đã nhắc đến trong Thor: Ragnarok - Asgard không phải một nơi chốn, Asgard là một dân tộc
Lấy cuộc chiến diệt thần làm hạt nhân câu chuyện, Thor: Love and Thunder đặt ra nhiều câu hỏi và nêu lên những phản đề về niềm tin vào thần linh. Thế nào là một vị thần tốt? Có phải tất cả thần thánh đều đáng kính và đáng tôn sùng?
Nếu đúng là như vậy, thì tại sao những kẻ như Gorr lại được sinh ra?
Điểm yếu trong việc xây dựng phản diện
Nếu với Thor, Taiki Waititi đi phơi bày những khiếm khuyết trong một con người hoàn hảo, thì với gã diệt thần Gorr, vị đạo diễn lại cố gắng tìm kiếm những điểm tốt ở một kẻ phản diện bị cả vũ trụ ghét bỏ.
Phân cảnh về nguồn gốc sức mạnh của Gorr được chọn để làm mở đầu phim đã phần nào thể hiện sự quan tâm của Waititi dành cho hắn. Trong khoảng ba phút đó, diễn xuất nội tâm của Christian Bale được bộc lộ rõ nét, hứa hẹn một màn hóa thân có chiều sâu về mặt tâm lý.
Thế nhưng đáng tiếc, nhân vật của Bale dường như là nốt trầm "lạc quẻ" giữa một câu chuyện tếu táo, nhiều tiếng cười.
Càng về cuối, Taika Waititi càng thể hiện sự lúng túng trong việc cân bằng giữa hai mặt tính cách của Gorr. Một mặt là gã diệt thần vô nhân tính với sức mạnh to lớn. Mặt khác lại là một người cha rất mực thương con. Cho đến phần kết, có thể nhận thấy Taika Waititi và cả Christian Bale đã hoàn toàn thất bại trong việc thể hiện nhân vật này.
Bù lại, dàn nhân vật phụ của phim diễn khá tròn vai. Valkyrie thể hiện tốt trên cương vị người trị vì Tân Asgard. Jane Foster trong vai trò Mighty Thor đầy phóng khoáng, dũng cảm và hài hước. Đặc biệt, sự xuất hiện của hậu duệ Heimdall còn gợi nhớ về một thời hoàng kim của Asgard giờ đã trôi vào dĩ vãng.
Nhìn chung, loạt phim riêng về Thor dần đi đúng hướng khi chọn cách khai thác kịch bản hài hước, thay vì quá nghiêm trang, dẫn đến nội dung lan man như hai phần đầu tiên. Dù phong cách pha trò cùng niềm đam mê văn hóa punk rock của Taika Waititi hợp với "tinh thần chiến binh Viking" luôn thường trực trong nhân vật Thor, không quá ngạc nhiên khi một số khán giả cho rằng loạt phim đang lạm dụng tiếng cười để lấn át nội dung.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-than-sam-thor-chua-lanh-noi-dau-post1333861.html