Cách thoát khỏi những cuộc tranh luận không đáng có

Bất luận là vì xuất phát từ ý tốt, muốn sửa chữa quan điểm 'sai lầm' của đối phương hay là do một phút bốc đồng hiếu thắng, tranh luận đều là việc rất nhạy cảm.

Trong cuộc sống, có không ít bạn trẻ tính tình bộp chộp, “thẳng như ruột ngựa”, gặp một chuyện nhỏ thôi cũng khiến họ nổi xung tranh cãi đến cùng, muốn người khác phải “quỳ gối xin tha” thì mới hả dạ, đồng thời có vẻ cảm thấy rất sung sướng với việc này. Thế nhưng, ngoài việc khiến bản thân trở nên hiếu thắng trong mắt mọi người, những cuộc tranh luận vô nghĩa thực chất chẳng có điểm gì tích cực.

Vào thế kỷ XIX, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln có một vị sĩ quan trẻ cấp dưới tính tình rất ương ngạnh, bất cứ chuyện gì anh ta cũng có thể tranh luận đến cùng. Chính vì vậy trong đơn vị, anh ta và đồng đội thường xuyên xảy ra cãi vã, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết chung.

Lincoln biết chuyện liền phạt cảnh cáo anh ta và nói rằng, đàn ông muốn làm nên nghiệp lớn thì không nên tính toán so đo những chuyện vặt vãnh, gây mất thời gian của mình và của người khác. Những cuộc tranh luận vô ích không chỉ làm tổn hại đến tinh thần của bản thân, mà còn khiến cho chúng ta mất đi khả năng tự kiềm chế. Trong tình huống chưa đến mức nghiêm trọng, tại sao không nhún nhường một chút?

Cùng một sự việc, nhưng mỗi người lại có quan điểm khác nhau, vì lập trường cá nhân, thân phận, bối cảnh gia đình và trình độ giáo dục của mỗi người một khác. Rất dễ xảy ra tranh luận giữa hai bên vì bất đồng quan điểm. Bất luận là vì xuất phát từ ý tốt, muốn sửa chữa quan điểm “sai lầm” của đối phương hay là do một phút bốc đồng hiếu thắng, tranh luận đều là việc rất nhạy cảm.

 Chúng ta cần tránh những cuộc tranh luận vô nghĩa thực chất chẳng có điểm gì tích cực. Nguồn: phunutoday.

Chúng ta cần tránh những cuộc tranh luận vô nghĩa thực chất chẳng có điểm gì tích cực. Nguồn: phunutoday.

Khi nói chuyện, một số người thường có sở thích “vùi dập” người khác, người khác vừa nói ra quan điểm của mình, họ liền nhất mực phản đối: “Không phải như thế…”, “Cậu nói sai rồi…” sau đó bắt đầu thao thao về quan điểm của mình. Nếu đối phương là người điềm đạm, họ sẽ không nói gì thêm, nhưng nếu gặp phải một đối thủ cũng ngang bướng không kém, khúc mở đầu sẽ nhanh chóng bị thổi bùng thành một cuộc cãi vã. Dù là tình huống nào chăng nữa, nói chuyện cùng những người như vậy đều sẽ khiến chúng ta không thoải mái.

Vì vậy, khi trò chuyện xã giao, để tránh những tranh luận không đáng có, chúng ta cần nhớ những điều sau đây.

Cho đối phương cơ hội để nói

Khi đối phương nói điều gì đó bất đồng quan điểm với bạn, nên để họ nói hết, không được cắt lời, cười khẩy hay nhảy vào tranh luận. Nếu không, cả hai sẽ hiểu lầm nhau và mối quan hệ giữa hai người sẽ bị rạn nứt. […]

Có rất nhiều kiểu nói chuyện. Nhiều khi, những câu nói ban đầu mà bạn nghe được chưa chắc đã là toàn bộ ý nghĩ mà người kia muốn biểu đạt. Mọi người thường dùng mẹo “khen trước chê sau” hoặc “chê trước khen sau”, nếu như mới nghe được một nửa mà bạn đã muốn đấu khẩu lại ngay thì rất dễ gây ra hiểu lầm. Vì vậy, phải để đối phương nói hết những gì cần nói, nắm rõ suy nghĩ của họ, sau đó mới bắt đầu tranh luận nếu cần thiết.

Cần phải luôn điềm tĩnh

Khi xảy ra bất đồng ý kiến với người khác, nhất định phải giữ một cái đầu lạnh. Phải nghĩ xem cuộc tranh luận này liệu có ý nghĩa gì không. Đối với những người không mấy thân thiết hoặc những chuyện vặt vãnh, tốt nhất bạn nên im lặng, cứ để họ nói những gì mình thích. Đối với những người vốn đã có thành kiến với bạn, trước khi mở lời càng nên cẩn trọng, nếu không hình ảnh của bạn sẽ càng bị tổn hại.

Khi nói chuyện, cần nói về chuyện, không nói về người

- Tôi không nghĩ việc này có thể xong trong một sớm một chiều (nói về chuyện).

- Tôi không nghĩ cậu có thể hoàn thành việc này nhanh chóng (nói về người).

Hai cách nói ở trên tương tự nhau, nhưng với người nghe lại khác nhau một trời một vực. Với cách nói đầu tiên, đối phương sẽ đáp: “Tôi sẽ cố gắng để hoàn thành nó tốt nhất có thể”, còn cách nói thứ hai, rất có thể họ sẽ đáp trả: “Cậu là cái thá gì mà nghi ngờ năng lực của tôi?”.

Có những lúc, chúng ta đã vô tình châm ngòi chiến tranh theo cách như vậy, vô tình đề cập đến người liên quan trực tiếp (kể cả gián tiếp) đến câu chuyện, từ đó bắt đầu nói ra những câu mang tính công kích hoặc châm biếm. Ai cũng có lòng tự trọng, một khi bạn chạm vào lòng tự trọng của họ, ngọn lửa sẽ ngày càng dữ dội. Vì vậy tốt nhất không nên phạm phải những lỗi như vậy. Nếu xảy ra tranh cãi thì cũng nên tranh cãi trong phạm vi của câu chuyện, không được đụng chạm đến người liên quan của câu chuyện ấy.

Nhanh chóng thoát khỏi “chiến trường”

Nếu không thể tránh khỏi một cuộc tranh luận, và bạn là người thắng cuộc, bạn cũng nên thể hiện thái độ của mình, không được tỏ ý dè bỉu hay châm biếm người kia. Những lúc như vậy, bạn có thể xoa dịu tình hình bằng cách nhờ đối phương giúp bạn một việc nhỏ nào đó, như lấy hộ một ly nước, hỏi xem mấy giờ rồi. Điều này sẽ chứng tỏ rằng, kể cả hai người vừa xảy ra một cuộc tranh luận, nhưng cuối cùng bạn vẫn coi họ là bạn bè, và không hề có ý nghĩ thù địch gì với họ cả. Làm vậy sẽ giải tỏa được bầu không khí căng thẳng, giúp cả hai thoát khỏi “chiến trường” một cách nhanh nhất.

Nếu người chiến thắng là đối phương, bạn cũng không nên tính toán thiệt hơn về cuộc tranh luận vừa xảy ra, mà nên suy nghĩ kỹ về những gì đối phương vừa nói. Không nên chỉ vì thua cuộc mà đem lòng thù ghét, thậm chí chờ cơ hội trả thù đối phương.

Trong giao tiếp hàng ngày, khi đối phương thể hiện ý kiến cá nhân, nếu bạn không đồng ý, tuyệt đối không nên lập tức phản bác, chí ít cũng nên cho họ một con đường lùi. Các bạn trẻ cần hiểu rõ điều này, tranh cãi không phải là mục đích của một cuộc giao tiếp. Rất nhiều bạn trẻ trong khi tranh luận lại cố tình đổi thái độ, từ sự việc chuyển thành đối phương, khiến cuộc tranh luận bỗng nhiên trở thành xung đột.

Khi không ai chịu thua ai, bạn nên hiểu rằng, cứ tiếp diễn như vậy thì không có lợi cho cả hai bên. Tốt nhất nên tìm ra một phương án mà cả hai đều có thể chấp nhận được, hoặc đưa ra một phương án dung hòa được quan điểm của cả hai bên để tháo gỡ mâu thuẫn.

Alpha Books / NXB Văn học

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-thoat-khoi-nhung-cuoc-tranh-luan-khong-dang-co-post1445205.html