Cách tiếp cận các quỹ hỗ trợ cho nhà làm phim Việt

Các nhà làm phim Việt cần tham gia nhiều liên hoan phim để quảng bá cho các dự án, các bộ phim để dễ dàng tiếp cận các quỹ hỗ trợ sản xuất phim.

Ngày 8/11, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Đức”.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, hội thảo được tổ chức với mục đích trao đổi về những kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Đức, cùng hành trình đến với liên hoan phim cũng như những giải thưởng điện ảnh có uy tín quốc tế.

Chùm phim trong chương trình tiêu điểm điện ảnh Đức giới thiệu 7 bộ phim đặc sắc của những nhà làm phim Đức đương đại với tính đa dạng văn hóa cùng cách biểu đạt độc đáo trong ngôn ngữ điện ảnh.

Điện ảnh Đức đương đại đã xác lập vị trí của mình trên bình diện quốc tế nhờ vào sự kết hợp giữa kể chuyện sáng tạo, phản ánh về các vấn đề lịch sử và xã hội, cùng với kỹ thuật làm phim xuất sắc. Nhiều bộ phim Đức đã được đề cử và giành giải thưởng tại các sự kiện quốc tế danh giá, như giải Oscar, Liên hoan phim Cannes.

Tại hội thảo, hai đạo diễn và nhà biên kịch Axel Ranisch và Sophie Linnenbaum có những chia sẻ thẳng thắn về điện ảnh Đức. Tại Đức có những chương trình hỗ trợ các nhà làm phim trẻ để họ sản xuất ra bộ phim đầu tay. Có những chương trình, khóa học đào tạo về làm phim trong vòng nhiều năm nhằm mục đích nâng cao, trao đổi kinh nghiệm và chất lượng phim.

“Người Đức rất ít khi ra rạp xem phim, đó là một thách thức đối với những nhà làm phim, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ. Hiện 90% những bộ phim sản xuất ở Đức được đồng hành sản xuất với truyền hình và truyền hình hỗ trợ cho điện ảnh”, nhà biên kịch Axel Ranisch cho biết.

 Đạo diễn, nhà biên kịch Sophia Linnenbaum chia sẻ tại hội thảo.

Đạo diễn, nhà biên kịch Sophia Linnenbaum chia sẻ tại hội thảo.

Đạo diễn “Ngày xưa có một chuyện tình” - Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ, ở Đức có rất nhiều liên hoan phim, hỗ trợ tài năng trẻ thông qua các chợ dự án. Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền mong muốn được tiếp cận việc quảng bá phim Việt tại Đức.

Giải đáp những câu hỏi của các nhà làm phim Việt Nam như tìm nguồn vốn cho các nhà làm phim độc lập, vấn đề bản sắc văn hóa, dân tộc được khai thác như thế nào trong điện ảnh Đức, ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết, các nhà làm phim độc lập Việt Nam có thể giới thiệu các dự án phim của mình đến Viện Goethe. Nếu phù hợp, Viện sẽ hỗ trợ bằng việc gửi thư giới thiệu tới các Quỹ hỗ trợ của Đức và chi phí để các bạn sang Đức tìm hiểu, tiếp cận các Quỹ hỗ trợ cho dự án điện ảnh.

Hai diễn giả người Đức cho rằng, các nhà làm phim Việt cần tham gia nhiều liên hoan phim để quảng bá cho các dự án, các bộ phim.

Đức có khoảng 100 Liên hoan phim quốc tế mỗi năm. “Phải đưa phim của mình đến nhiều liên hoan phim, để mọi người biết mình là ai. Khi có tên tuổi, có các dự án tốt thì sẽ dễ dàng tiếp cận các quỹ làm phim”, đạo diễn Axel Ranisch nhấn mạnh.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-tiep-can-cac-quy-ho-tro-cho-nha-lam-phim-viet-post707798.html