Cách tiết kiệm nước sinh hoạt trong bối cảnh tăng giá nước sạch
Các gia đình có thể lắp đặt thùng nước để chứa nước mưa hoặc bất cứ nguồn nước nào đủ sạch để có thể tưới cây. Sử dụng nguồn nước này để lau nhà, lau cửa sổ hoặc các vật dụng trong gia đình.
Tài nguyên nước không vô tận
Sau gần 10 năm không tăng giá nước sạch, TP. Hà Nội dự kiến điều chỉnh mức giá nước sạch sinh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nước sạch để phục vụ cho người dân trên địa bàn TP. Hà Nội.
Sở Tài chính vừa đề xuất UBND TP Hà Nội về phương án dự kiến tăng giá nước sinh hoạt tại Thủ đô từ ngày 1/7/2023. Theo đó, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Cụ thể, các hộ dân ở nội thành Hà Nội tiêu thụ khoảng 10-16m³ nước/hộ/tháng, số tiền nước phải trả sẽ thêm tăng từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng. Ở khu vực nông thôn (nhu cầu sử dụng từ 6-8m³ nước/hộ/tháng), số tiền phải chi thêm là 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ. Với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch ở 10m3 đầu tiên sẽ giữ nguyên.
Với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại các địa điểm trên.
Theo Sở Tài chính Hà Nội, nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72% (số liệu của Tổng cục Thống kê). Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân. Mức tăng giá nước sạch sinh hoạt theo lộ trình, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt. Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chỉ chiếm 0,72%.
GS.TS Trần Đình Hòa, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, các nghiên cứu đánh giá của thế giới về trữ lượng nước ngọt/đầu người cho thấy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước so với mặt bằng trung bình của các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, vị trí địa lí, điều kiện địa hình, khí hậu và chế độ thủy văn của nước ta chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, khiến lượng nước ngọt phân bố theo không gian và thời gian không đồng đều. Có những vùng rất thiếu nước ngọt, ví dụ một số nơi tại miền núi phía Bắc, đặc biệt là duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận có lượng mưa rất thấp. Về thời gian, mùa mưa chiếm tới trên 80-90% lượng nước ngọt phân bố trong cả năm…
Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước không chỉ là việc làm đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này.
Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, mỗi người dân chỉ cần có những hành động nhỏ là có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đó là chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ cho vệ sinh cá nhân, cho sinh hoạt hàng ngày. Nếu có thể hãy tái sử dụng lại nước đã qua sử dụng một lần (như nước rửa rau lần cuối, có thể dùng để rửa sơ qua các vật dụng làm bếp trước khi rửa lại bằng nước sạch).
Cách tiết giảm hóa đơn tiền nước
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, chuyên gia về nước sạch, trong mỗi gia đình, khi dùng nước xong nên khóa chặt vòi nước để tránh thất thoát, lãng phí không cần thiết. Tiết kiệm, quản lý, sử dụng và khai thác nước thành công không phải là bài học "một sớm một chiều" của riêng một cá nhân nào trong xã hội. Việc thành công chỉ có thể có được khi chiến lược, qui hoạch phải phù hợp với điều kiện và tập quán của nhân dân, công tác truyền thông thông qua các chiến dịch phải được duy trì thường xuyên và rộng rãi kết hợp giữa các bộ, các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ.
Một trong những thiết bị tốn nước nhiều nhất trong gia đình là máy giặt. Để tiết kiệm nước, việc sử dụng tối đa trọng tải của chiếc máy giặt sẽ giúp bạn tiết kiệm nước một cách đáng kể vì có thể giảm được số lần giặt. Ví dụ với một chiếc máy giặt có trọng lượng giặt 7kg, thay vì bạn giặt 3 lần (mỗi lần 4kg) thì bạn nên giặt 2 lần (mỗi lần 6kg). Nếu gia đình ít người, có thể gom quần áo để 2 ngày giặt 1 lần. Với cách tiết kiệm nước từ máy giặt này, bạn có thể tiết kiệm khoáng 100 lít nước khi giảm đi một lần giặt.
TS Khoa khuyên, các gia đình có thể lắp đặt thùng nước để chứa nước mưa hoặc bất cứ nguồn nước nào đủ sạch để có thể tưới cây. Sử dụng nguồn nước này để lau nhà, lau cửa sổ hoặc các vật dụng trong gia đình, thậm chí là rửa xe cũng là một cách giúp tiết kiệm nước rất tốt. Tuy nhiên, với những gia đình không có không gian rộng như ở thành phố sẽ rất khó để có thể thực hiện được giải pháp tiết kiệm nước này. Với cách này, bạn có thể tiết kiệm trung bình khoảng 10 đến 15 lít nước mỗi ngày.
Một nguyên tắc tiết kiệm nước nữa là nên mua đồ gia dụng tiết kiệm nước. Nếu bạn đang muốn sắm các thiết bị gia dụng trong gia đình hoặc thay mới thì nên lựa chọn các thiết bị, vật dụng có khả năng tiết kiệm nước như vòi hoa sen, vòi nước rửa chén, vòi xịt nhà vệ sinh, máy giặt, máy rửa chén,…
Cuối cùng, hãy nhắc nhở tất cả các thành viên trong gia đình cùng thực hiện kế hoạch tiết kiệm nước bằng cách đơn giản như dán những mẩu giấy nhớ lên vị trí gần các thành viên thường sử dụng nhiều nước như bồn rửa bát, bồn rửa mặt, vòi hoa sen… Đây là một cách nhắc nhở khá hiệu quả giúp gia đình quý khách tiết kiệm được nước cũng như chi phí đáng kể cho hóa đơn tiền nước hàng tháng.