Cách tính giá điện 1 bậc cần phải đúng bản chất
Bộ Công thương cho biết, sắp tới sẽ có thêm cách tính giá điện 1 bậc để người dân lựa chọn bên cạnh 6 bậc như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có cách tính giá điện đúng bản chất, đúng luật.
Thêm cách tính giá điện 1 bậc
Thông tin cách tính giá điện 1 bậc được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đưa ra tại Hội thảo "Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời áp mái" do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM.
Cách tính giá điện 1 bậc thế nào vẫn chưa được Thứ trưởng Vượng cũng như Bộ Công thương thông báo chính thức.
Hiện tại, giá điện bình quân là 1.897 đồng/kWh. Nếu tính điện 1 giá thì giá bình quân chắc chắn sẽ cao hơn giá hiện tại. Như vậy có nghĩa là những đối tượng hộ nghèo sẽ phải trả tiền điện với giá cao hơn. Trong khi đó, các đơn vị tiêu thụ nhiều điện năng sẽ hưởng lợi nhiều hơn.
Một số ý kiến cho rằng, hiện chúng ta đang tính giá điện theo 6 bậc. Nếu lấy giá bậc 3 làm giá bình quân thì người dùng từ 200kWh trở xuống sẽ bị thiệt người dùng từ 300kWh trở lên sẽ hưởng lợi – có nghĩa là người dùng ít, người nghèo sẽ chịu thiệt so với cách tính theo 6 bậc hiện tại. Điều này khiến người có thu nhập thấp chắc chắn sẽ lựa chọn cách tính theo bậc như hiện tại vì họ dùng ít, trả ít tiền hơn.
Còn Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, với cách tính giá điện bậc thang hiện nay, những người sử dụng dưới 300kWh vẫn có lợi, có nghĩa là người nghèo vẫn được hưởng lợi.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài Chính cho rằng với cách tính theo bậc như hiện nay thì người nghèo được hỗ trợ nhiều hơn.
Chính phủ đã quy định biểu giá điện bán lẻ bình quân sau đó giao cho Bộ Công Thương xây dựng giá bán lẻ cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, hộ bán lẻ, người tiêu dùng và phải bảo đảm an sinh xã hội, tiết kiệm điện.
Cách tính giá điện không đúng nguyên tắc
Theo TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam: Nếu tính điện 1 giá mà lấy bình quân chung của 6 bậc hiện tại chia đều ra là không chính xác và trái luật. Bởi quy định cách tính giá điện bình quân phải dựa trên tổng doanh thu của toàn ngành điện chứ không phải cách chia như vừa nêu.
Theo quan điểm của TS. Ngô Đức Lâm thì chúng ta cần phải áp dụng việc tính giá điện theo nguyên tắc thị trường dựa trên sự điều tiết của nhà nước. Tức là EVN sẽ thực hiện việc kinh doanh, tính giá điện theo cơ chế thị trường, nguồn điện nhiều thì bán rẻ, nguồn điện ít thì bán đắt. Còn nhà nước sẽ kiểm tra xem cách tính giá điện đó có đúng, có chính xác không.
Cần phải phân tách việc kinh doanh riêng, việc hỗ trợ người nghèo riêng chứ không thể áp dụng lẫn lộn như hiện nay. Tất nhiên, việc áp dụng tính giá điện 1 bậc có thể khiến người nghèo phải chịu giá cao hơn. Nhưng làm sao để hỗ trợ tối đa cho người nghèo? Chúng ta đã có Quỹ bình ổn giá điện. Có thể lấy từ quỹ này để hỗ trợ người thu nhập thấp. Điều này cũng phù hợp với công ước Quốc tế.
Cũng theo TS. Ngô Đức Lâm, mặc dù chúng ta đang tính giá điện theo 6 bậc, nhưng bản chất vẫn là 1 bậc. Theo quy định, giá điện được chia theo bậc nhưng tổng doanh thu của các bậc không được thay đổi. Từ 2015 đến nay, Bộ Công thương và EVN chưa bao giờ tính đến vế thứ 2 – "tổng doanh thu các bậc không được thay đổi". Có nghĩa là tổng doanh thu bậc 1 là bao nhiêu, bậc 2 là bao nhiêu… bậc 6 là bao nhiêu? Mà lâu nay vẫn áp dụng theo kiểu tổng doanh thu của cả người giàu, người nghèo, cộng lại chia bình quân. Đây là điểm nhập nhèm – thậm chí có thể nói là kẽ hở dễ bị lợi dụng.
"Chúng ta cần có cách tính giá điện đúng bản chất theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Muốn như vậy thì phải nỗ lực xóa bỏ độc quyền ngành điện", TS. Ngô Đức Lâm cho biết.