Cách tính lương hưu với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động có quyền tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.

Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam và 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.

Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm thì thời gian này được tính tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25% cho mỗi năm đóng.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội.

Cũng theo dự thảo Luật, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu.

Mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng bình quân các mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng. Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

So với chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay, dự thảo Luật đã mở rộng thêm chế độ với người tham gia. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng 4 chế độ: Trợ cấp thai sản; hưu trí; tử tuất; bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Thảo luận về điều kiện và mức hưởng lương hưu đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn tỉnh Phú Thọ) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ cho những người tham gia trên quan hệ tự nguyện, thỏa thuận.

Đại biểu cho rằng, cách tính lương hưu hằng tháng với người tham gia bảo hiểm tưu nguyện theo dự thảo Luật như trên sẽ dẫn đến sự chênh lệch mức giữa nam và nữ cùng mức đóng, thời gian đóng. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của nữ giới cao hơn nam giới, đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng đến chủ yếu là nông dân, người không có việc làm ổn định thường xuyên, như vậy sẽ khó thu hút, thuyết phục, tăng tính hấp dẫn và mở rộng được đối tượng bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) lại đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người tham gia (hiện nay hỗ trợ 30% cho người nghèo, 25% cho người cận nghèo và 10% cho đối tượng khác).

“Tôi thấy cần phải tăng mức hỗ trợ này lên, nhất là những đối tượng đang được hỗ trợ 10% vì khi được hỗ trợ cao hơn, thấy được lợi ích sát sườn nhất thì họ sẽ tích cực tham gia hơn. Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế cho thấy, nếu không có hỗ trợ đáng kể thì tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn thấp”, đại biểu đoàn Kon Tum đề nghị.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cach-tinh-luong-huu-voi-nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-171622.html