Cách tính lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2021
Mức lương, phụ cấp và hoạt động phí của cán bộ, công chức, viên chức được tính theo quy định tại Thông tư 04/2019/TT-BNV ngày 24-5-2019.
Theo đó, mức lương, phụ cấp và hoạt động phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 7 Điều 1 Thông tư 04/2019/TT-BNV được tính căn cứ vào hệ số lương và phụ cấp hiện hưởng quy định tại các văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019, cụ thể như sau:
(1) Cách tính mức lương:
Mức lương năm 2021 = Mức lương cơ sở (1.490.000 đồng/tháng) x Hệ số lương hiện hưởng
(2) Các tính mức phụ cấp:
- Đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở:
Mức phụ cấp năm 2021 = Mức lương cơ sở (1.490.000 đồng/tháng) x Hệ số phụ cấp hiện hưởng
- Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có):
Mức phụ cấp năm 2021 = Mức lương năm 2021 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo năm 2021 (nếu có) x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.
(3) Cách tính mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có):
Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu năm 2021 = Mức lương cơ sở (1.490.000 đồng/tháng) x Hệ số hoạt động phí theo quy định.
Đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 7 Điều 1 Thông tư 04/2019/TT-BNV, gồm:
1. Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
2. Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý và viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển, biệt phái đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
4. Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
7. Các đối tượng sau đây cũng thuộc phạm vi áp dụng Thông tư này khi tính toán xác định mức đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ liên quan đến tiền lương theo quy định của pháp luật:
a) Cán bộ, công chức, viên chức đi học, thực tập, công tác, điều trị, điều dưỡng (trong nước và ngoài nước) thuộc danh sách trả lương của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động;
b) Người đang trong thời gian tập sự hoặc thử việc (kể cả tập sự công chức cấp xã) trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động;
c) Cán bộ, công chức, viên chức đang bị tạm đình chỉ công tác, đang bị tạm giữ, tạm giam;
d) Các trường hợp làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động được ký kết hợp đồng lao động theo bảng lương ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.