Cách trở Pú Hồng
ĐBP - Dốc nối dốc, chỗ nào không nắng, bụi, thì bùn lầy nham nhở... Giao thông cách trở khiến xã Pú Hồng (huyện Ðiện Biên Ðông) gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyến đường vào xã Pú Hồng thường xuyên xảy ra ách tắc trong mùa mưa
Khó đủ bề
Giữa mùa mưa, chúng tôi đến Pú Hồng. Từ trung tâm huyện Ðiện Biên Ðông về xã dài khoảng 50km nhưng có đi xe “hai cầu” cũng phải mất 4 - 5 tiếng đồng hồ, với khoảng chục lần vượt ngầm. Là địa bàn khó khăn nhất về giao thông của huyện, mùa mưa ở Pú Hồng nước suối dâng cao, chảy xiết, tuyến đường lầy lội, trơn tuột. Ðến đoạn đường khó, xe ô tô đang đi thì Phó Bí thư Huyện ủy Lò Hồng Phong kêu dừng lại rồi đổi lái. Nhận công tác tại huyện chừng 3 năm song ông Phong đã có nhiều kinh nghiệm với những cung đường núi. Vừa vần mạnh vô lăng, ông Lò Hồng Phong vừa chia sẻ: May là mấy hôm nay trời nắng, đường ráo, chứ mưa vài ngày thì đi xe còn chậm hơn đi bộ. Mùa mưa, cán bộ huyện muốn đến xã Pú Hồng đều phải đi từ sớm; 3 tháng mùa mưa, rất ít khi cán bộ xã ra khỏi địa bàn.
Dạo quanh một số điểm bán hàng tạp hóa gần trụ sở UBND xã Pú Hồng, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm, đồ gia dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Ðang là mùa mưa, đường tắc, các mặt hàng đều có giá cao hơn so với các địa bàn khác. Ông Mùa A Sùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ mùa mưa là xảy ra tắc đường, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm... theo đó tăng cao. Kinh tế khó khăn, người dân đã dè xẻn trong chi tiêu, nhưng một số mặt hàng thiết yếu không thể không mua. Ðể nâng cao đời sống, tạo nguồn thu nhập, người dân tích cực canh tác trên nương, dưới ruộng, cấy lúa, trồng ngô, sắn song cũng khó bán do giá thành thấp, tư thương không vào được xã do đường tắc, khó đi. Giá sắn bán ở Pú Hồng chỉ từ 9 - 10 nghìn đồng/kg thì ở vùng lân cận như xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) có giá 16 nghìn đồng/kg. Còn với cây ngô, trước đây xã có nhiều hộ trồng với diện tích 1 - 2ha thì nay chỉ còn ít hộ duy trì được từ 1.000 - 2.000m2. Hiện nay, xã Pú Hồng còn 4 bản: Nậm Ma, Mường Ten, Tồng Sớ, Ao Cá chưa có điện; bản Pú Hồng A, B chưa có nước sinh hoạt… Ðời sống bà con còn nhiều khó khăn nên đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Pú Hồng còn 69%; nhiều gia đình thiếu ăn 2 - 3 tháng vào thời điểm giáp hạt.
Xã Pú Hồng có diện tích tự nhiên hơn 12.200ha, tiếp giáp với 5 xã: Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông), Mường Lói, Mường Nhà, Phu Luông (huyện Ðiện Biên) và xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La). Hiện Pú Hồng có 986 hộ, trên 5.156 khẩu, gồm 5 dân tộc: Mông, Thái, Kinh, Lào và Khơ Mú. Trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự như: mua bán lẻ chất ma túy, di dịch cư tự do, xuất cảnh trái phép.
Mong ước gần hơn
Tuyến đường từ ngã tư Phì Nhừ đi Phình Giàng - Pú Hồng - Mường Nhà có tổng chiều dài 57km, là trục đường thông thương của 2 huyện: Ðiện Biên Ðông và Ðiện Biên. Các xã dọc tuyến đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Lào; tỷ lệ hộ nghèo cao. Vào mùa mưa lũ, mặt đường bị hư hỏng, xói lở; đi lại, giao thương ngưng trệ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ông Ðinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Hiện nay tuyến đường đã bị xuống cấp, kết cấu mặt đường đã bị hư hỏng lớn. Toàn tuyến mới có đoạn đường từ ngã tư Phì Nhừ đến trung tâm xã Phình Giàng dài 20km được đổ bê tông. Còn lại là đường cấp phối với chiều dài 37km. Do kết cấu đường chưa được đồng bộ, nguồn kinh phí duy tu đảm bảo hàng năm của huyện còn hạn hẹp, khi mùa mưa đến là mặt đường bị sụt lún, công trình thoát nước bị hư hỏng gây ách tắc, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nhân dân và phục vụ nhiệm vụ an ninh - quốc phòng địa phương.
Phó Bí thư Huyện ủy Ðiện Biên Ðông, Lò Hồng Phong cho biết thêm: Tuyến đường Phình Giàng - Pú Hồng - Mường Nhà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tháng 7/2019, huyện đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Ban Bảo trì đường bộ tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa tuyến đường này với tổng mức đầu tư dự kiến 8 tỷ đồng. Theo đó, sẽ tiến hành sửa chữa nền, mặt đường trên cơ sở bám sát quy mô đường cũ, gồm: Sửa chữa, san gạt mặt đường, nạo vét rãnh dọc, phát quang tuyến; rải mặt đường bằng cấp phối dày 16cm tại những vị trí mặt đường xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng; bổ sung cống thoát nước những vị trí chưa có cống thoát nước địa hình và vị trí cống cũ đã xuống cấp không đảm bảo thoát nước; xếp kè rọ thép tại các vị trí sạt lở nền đường và thượng, hạ lưu cống… Mong rằng các cấp, ngành chức năng sớm quan tâm, hỗ trợ huyện nâng cấp tuyến đường, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi; phát triển sản xuất nâng cao đời sống.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/172167/cach-tro-pu-hong