Cách Trung Quốc chiếm đoạt công nghệ của Mỹ - Bài cuối: Ai bảo chống trộm cắp là dễ?
Vào thập niên 1980 khi Trung Quốc (TQ) mở cửa đưa sinh viên đi du học ồ ạt, có nhiều lãnh đạo đã phản đối vì cho rằng sẽ bị mất chất xám. Ông Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ đã bảo đại ý chỉ cần một phần nhỏ quay về đã là lãi to. Thực tế, tỷ lệ quay về năm 2007 là 30% và 2018 đã là 78%, chính những người này sẽ thực hiện giấc mơ hiện đại nước TQ của ông Đặng Tiểu Bình.
Trong những năm gần đây, rất nhiều người Mỹ tỏ ra quan ngại về sự vươn lên về kinh tế của TQ. Đặc biệt, hầu như tất cả mọi người đều tỏ ra khó chịu về những quy định mà họ cho là trò “chơi bẩn” như bắt ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các công ty đối tác thì mới cho vào làm ăn ở TQ. Một số không nhỏ người Mỹ vẫn tỏ ra coi thường TQ về các lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng như về quốc phòng. Theo họ, nền khoa học và công nghệ của TQ vẫn còn rất thấp, còn lâu mới có thể cạnh tranh được với Mỹ. Rất ít người Mỹ biết về các chương trình thu hút chất xám như “Ngàn tài năng” (NTN) của TQ đang xảy ra ngay trên nước Mỹ và cả các nước Tây Âu.
Cuộc cạnh tranh giành ngôi vị cao nhất
Thực ra, các lĩnh vực khoa học và công nghệ của TQ đã bắt đầu có những thay đổi có tính chất rất cơ bản trong những năm gần đây. Cá nhân tôi cảm nhận sự thay đổi này rất rõ khi nhận đọc phản biện những công trình của các nhà khoa học từ TQ gửi công bố trên các tạp chí quốc tế về các lĩnh vực photonics. Phải công nhận, khoảng 5-10 năm gần đây chất lượng các công trình gửi từ TQ tốt hơn hẳn, trong đó có những kết quả đặc biệt nổi bật. Điều này có lẽ phải kể đến vai trò quan trọng của các chương trình thu hút chất xám như đã trình bày trên đây.
Các thay đổi này có thể định lượng. Theo báo cáo của National Science Board: 2020 State of U.S Science and Engineering, năm 2015 (là năm số liệu có được đầy đủ) TQ đã vượt qua Mỹ về số lượng bằng tiến sĩ về các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật với gần 32 ngàn bằng trong khi Mỹ chỉ cấp 30 ngàn. Cần nhớ rằng, một trong những yêu cầu chủ yếu của các nhà khoa học từ nước ngoài khi tham gia chương trình NTN là hướng dẫn đào tạo tiến sĩ và sau đại học.
Mặt khác, cũng theo báo cáo này trong khi Mỹ vẫn còn đang dẫn đầu về các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D với mức chi phí 25% R&D toàn cầu năm 2017 thì TQ đã bám theo sát nút 23%, kế đến là Nhật Bản (8%), Đức (6%) và Hàn Quốc (4%). Đáng kể hơn cả là mức độ tăng trưởng của cả Mỹ và châu Âu đều giảm, còn của TQ lại tăng lên nhanh chóng.
Chẳng hạn như từ 2000 đến 2017 Mỹ giảm từ 37% xuống 25%, châu Âu từ 25% xuống 20%, trong khi đó các nước châu Á mà TQ chiếm phần quan trọng tăng từ 25% lên 42%. Rõ ràng, cuộc cạnh tranh để giành ngôi vị số một thế giới về khoa học và công nghệ đã trở nên cực kỳ quyết liệt và việc chiến thắng không chỉ đơn thuần là danh dự của Mỹ và TQ. Đối với Mỹ, chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này sẽ là yếu tố quyết định cho việc bảo vệ vị trí số một thế giới về kinh tế, chính trị và quân sự. Đối với TQ, đó là hoàn thành giấc mơ đưa TQ trở thành cường quốc thế giới trong hầu hết mọi lĩnh vực mà chỉ 30 năm trước điều đó vẫn còn được coi là hoang tưởng.
“Không chịu đau thì không thành công”
Nhiều người cho rằng chống lại chiến lược chiếm đoạt sản phẩm trí tuệ của TQ không khó, chỉ cần quyết tâm và dứt khoát. Những người này thường hay đưa ra các giải pháp đơn giản, thậm chí cực đoan. Họ cho rằng chỉ cần tìm cách cắt đứt hay loại bỏ các hình thức và phương pháp tiếp cận của các nhà khoa học TQ với nền khoa học và công nghệ Âu Mỹ, hạn chế hoặc cấm sinh viên TQ vào học các nghành khoa học, kỹ thuật quan trọng… Thực ra đây là lối suy nghĩ quá giản đơn, nếu không muốn nói là không thực tế (cần nhớ rằng, các ngành khoa học và công nghệ liên quan đến an ninh, quốc phòng thì vẫn luôn được áp dụng với người nước ngoài).
Kể từ thập niên 1980 khi mà chính phủ các nước Âu Mỹ mở cửa đón nhận sinh viên TQ du học, giờ đây đã có hàng triệu người trong số họ trở thành các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành và các kỹ sư làm việc không chỉ trong các ĐH, viện nghiên cứu mà còn cả trong các công ty công nghệ cao. Các kỹ sư và các nhà khoa học gốc TQ đã trở thành một lực lượng quan trọng, nếu không muốn nói là lực lượng chính ở nhiều phòng thí nghiệm trong các trung tâm nghiên cứu của các công ty kỹ thuật và công nghệ cao.
Đơn cử như trung tâm nghiên cứu của một công ty công nghệ cao (nằm trong Fortune 500 nơi tôi đang làm việc từ 2017) có khoảng 1.500 kỹ sư, khoa học gia của hàng chục nước thì người TQ chiếm khoảng 20% trong khi chỉ có 3 người Việt. Với một thực tế như vậy, các công ty không thể nào tự sát bằng cách ngừng tuyển dụng lao động chất xám có gốc TQ chứ đừng nói đến việc loại bỏ hay cắt đứt hoàn toàn các phương cách tiếp cận như đề nghị trên đây. Hơn nữa, một số lớn các nhân viên này đã là công dân Mỹ nên được luật pháp bảo vệ trong nhiều lĩnh vực, trong đó các luật chống phân biệt đối xử.
Trong các trường ĐH, sinh viên TQ chiếm tỷ lệ gần như cao nhất theo học các ngành khoa học và kỹ thuật, và từ đó họ trở thành các giáo sư, chuyên gia, kỹ sư bổ sung cho nền khoa học, công nghệ và nền kinh tế của các nước này. Việc hạn chế sinh viên TQ vào học các ngành khoa học mũi nhọn có thể là một giải pháp lâu dài, với điều kiện phải có sự chuẩn bị cẩn thận sao cho không xảy ra gián đoạn đột ngột từ đầu vào đến đầu ra của “dòng máu” lao động chất xám nuôi nền kinh tế và khoa học của các nước Âu Mỹ. Nên nhớ rằng sức sống của nền khoa học và công nghệ cũng như của cả xã hội phụ thuộc vào “dòng máu xám“ này. Điều càng phải tuyệt đối tránh là khi chưa có một sự chuẩn bị nào mà đã tung ra các lệnh một cách vô tội vạ, ngẫu hứng như những năm gần đây (dùng twitter hay mạng xã hội khác…), không những không giải quyết được vấn đề vốn rất khó, lại còn đánh động đối phương giúp họ thay đổi các phương cách hoạt động.
Quay trở lại với các phương pháp đối phó với chương trình mà TQ nhằm chiếm đoạt sở hữu trí tuệ của các nước khác. Có một giải pháp nghe có vẻ cực đoan nhưng theo chiều ngược lại phương cách trình bày trên đây. Phương cách này cũng khá phổ biến theo chủ trương của những người vốn có thói quen suy nghĩ ngạo mạn, coi đồng tiền của Mỹ có thể mua được tất cả.
Tư tưởng này được đăng trên tờ Foreign Policy (Chính sách ngoại giao) ngày 17.9.2020 cho rằng để chống việc TQ thu hút chuyên gia cao cấp, chỉ cần trả cao hơn TQ là mọi việc OK, không có gì phải hoảng hốt lo lắng. Theo tác giả, trong 10 năm qua chính phủ TQ đã chi khoảng từ 550 triệu đến 1,1 tỷ USD để thưởng (chưa kể lương) cho những người đồng ý tham gia chương trình NTN, dù lớn nhưng thực ra không phải là cao so với khả năng của Mỹ và các nước. Tác giả của bài báo này cho rằng hiện nay nhiều nhà khoa học TQ cảm thấy vừa bị phân biệt đối xử, vừa bị trả công không xứng đáng. Trong khi đó họ lại được chào đón với mức lương còn cao hơn ở TQ thì việc họ bị thu hút về đây là điều không thể tránh khỏi, và chương trình NTN của chính phủ TQ càng dễ thành công.
Vấn đề thứ hai mà tác giả nhấn mạnh là các vụ án liên quan đến ăn cắp bản quyền, sở hữu trí tuệ đang được đưa tin dù là đáng lo, nhưng nếu để những nhà khoa học bị thu hút và trở về TQ nhiều hơn nữa thì kết quả là càng mất nhiều thêm nữa. Cuối cùng, vấn đề quan trọng nữa là liên quan đến an ninh và quốc phòng. Nhà báo này cho biết ông và đồng nghiệp đã tiến hành điều tra, và phát hiện rằng chỉ có 36 người trong số 3.600 (1%) người tham gia NTN được giao các trọng trách trong các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân của TQ, và khoảng 8% làm việc cho các cơ quan liên quan đến quốc phòng.
Giải pháp của ông cho tất cả vấn đề này: trả lương thật cao hơn để giữ các nhà khoa học lại. Lối suy nghĩ này có các khiếm khuyết quan trọng, nhất là đã bỏ qua đặc tính dân tộc mà như ông Đặng đã từng nói “người TQ đi đâu cũng vẫn là người TQ”. Điều đó có nghĩa là tiền bạc không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trọng nhất (dĩ nhiên, cũng có lúc nó là rất quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất). Thứ hai, không biết trả lương cao mấy cho vừa vì ngay trong lúc này, TQ đã sẵn sàng trả cao hơn hẳn so với mức lương hậu hĩnh ở Mỹ rồi. Không lẽ trả thật cao để giữ các nhà khoa học này lại, vậy thì sẽ trả lương cho những người Mỹ, người nước khác ra sao? Hơn nữa, lương bổng phải được phản ánh bởi cung cầu của nền kinh tế, không thể muốn nâng hay hạ bao nhiêu cũng được.
Hai cách đối phó trên đây tuy là đối cực với nhau nhưng cũng là lối suy nghĩ rất phổ biến. Thực ra, nếu suy nghĩ kỹ thì chỉ từ những gì trình bày trên đây chúng ta đều sẽ thấy vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Trình trạng này có lẽ giống như tiêu đề đã chọn cho phần này: Ai bảo “chống trộm là dễ”, hơn thế nữa, chống “gặm nhấm” còn khó hơn nhiều?!
Trước tiên cần phải thấy rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các nước Âu Mỹ lệ thuộc quá nhiều vào lực lượng lao động chất xám người TQ. Như đã nói từ phần đầu, điều phải nói đến là hệ thống “mở” của các ĐH Mỹ và các nước Tây Âu. Đây vừa là điểm mạnh của các nước Âu Mỹ nhưng cũng chứa nhiều rủi ro nếu bị lợi dụng. Lời giải tối ưu cho bài toán này là rất khó, ngoài khả năng của người viết. Điều cần phải thấy là nguyên tắc “no pain no gain” (không chịu đau thì không thành công) có lẽ là nguyên tắc đầu tiên cần phải được chấp nhận, từ người dân đến các công ty, ĐH và chính phủ. Chỉ tìm cách đổ lỗi cho TQ sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Cần phải nhận thấy rằng xu thế chấp nhận sinh viên TQ (và cả ngoại quốc) vào các ngành khoa học, kỹ thuật ngoài tính chất “mở” (openess) của nền ĐH của các nước Âu Mỹ còn có lý do thực dụng. Xu hướng chung ở các nước công nghiệp phát triển, có đời sống cao là giới trẻ thích chọn các ngành nghề học thoải mái hơn, nếu không muốn nói là dễ hơn các ngành khoa học kỹ thuật. Học đã thế mà đi làm còn nhàn hơn và vẫn có thể kiếm nhiều tiền hơn kỹ sư. Đây là quy luật chung, không chỉ xảy ra ở các nước phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc mà cũng đã bắt đầu xảy ra tại Việt Nam.
Trong khi đó nhu cầu của các nước phát triển lại rất cần lực lượng lao động chất xám cao, và vì vậy du học sinh TQ, Ấn Độ và các nước khác đáp ứng được nhu cầu đó. Du học sinh TQ vào thời kỳ trước đây là bằng mọi giá phải tìm cách ở lại Mỹ và các nước. Học các ngành khoa học và kỹ thuật có khả năng tìm được việc làm cao nhất, đó cũng là lý do mà sinh viên TQ theo học các ngành này rất đông. Sau này nhu cầu ở lại không còn cao nữa thì các ngành học cũng đa dạng hơn.
Một điểm khác biệt cơ bản nữa giữa các nước có sinh viên du học đông ở Mỹ như TQ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản là chỉ có TQ có một chương trình quy mô nhà nước gửi sinh viên đi du học. Chương trình này ban đầu những năm 1980, 1990 là gần như 100% do nhà nước tổ chức và quản lý (sau này du học tự túc là chủ yếu). Trong khi đó, sinh viên du học từ các nước khác hầu như là tự túc, do khả năng tài chính của gia đình. Ở đây cần phải nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của nhà nước TQ với phong trào du học. Ngay từ lúc mới sang làm việc ở ĐH Arizona (1998), các nghiên cứu sinh cao học TQ cho tôi xem các văn bằng và các tín chỉ (credit) của các ĐH ở TQ cấp đã rất giống của ĐH Hoa Kỳ. Điều này vô cùng thuận lợi cho các sinh viên TQ vì họ có thể được miễn giảm học một số môn mà họ đã có credit từ các trường TQ. Trong khi đó, các sinh viên Việt Nam sang cho tôi biết họ gặp rất nhiều trở ngại vì nhiều môn học không có tên tương tự hoặc không có số giờ học tương tự, dù bản chất môn học giống nhau, nên không được miễn giảm. Vừa tốn tiền vừa tốn thời gian để học lại.
Rõ ràng bất cứ một sự gián đoạn nào của dòng chảy chất xám này đều dẫn tới tác hại tiêu cực với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa các nước với nhau và với TQ. Vậy, một mặt cần phải tìm cách giảm nhẹ tác động tiêu cực này từ ảnh hưởng của phía du học TQ bằng cách nhanh chóng bổ sung bằng các nguồn khác, đặc biệt phải là nguồn chính từ Mỹ và các nước Tây Âu. Điều này nói dễ hơn làm, nhất là với các nước như Mỹ vốn có xu hướng bảo thủ luôn chống mọi chủ trương dùng chính sách nhà nước can thiệp vào mọi mặt trong xã hội. Nguyên tắc “no pain no gain” lúc nào cũng vậy thôi, nói dễ nhưng chẳng mấy ai muốn làm! Vì vậy đòi hỏi quyết tâm cao của một chính phủ “thông minh”, tránh kiểu hô hào dân túy là chính.
Đối với các cơ sở nghiên cứu ĐH và các doanh nghiệp, dù không thể thay đổi một cách đột ngột trong ngắn hạn, thì cũng cần phải có các biện pháp kiên quyết hơn nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ một nước khác – vì sớm muộn điều này cũng sẽ bị kết cục như với TQ hiện nay mà thôi. Bài toán tối ưu cho các biện pháp ngắn hạn và dài hạn cho toàn bộ hệ thống đòi hỏi một giải pháp chung đồng bộ vì nếu không cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Ở đây, “no pain no gain” lại càng rõ và khó giải quyết hơn: trong cuộc cạnh tranh công nghệ và kinh tế, không ai muốn chịu đau dù chỉ là ngắn hạn, nhất là với các CEO luôn muốn giành các thắng lợi trong từng quý để đem lại cho họ các khoản thưởng khổng lồ.
Thâm sâu như ông Đặng Tiểu Bình!
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vào thập niên 1980 khi TQ mở cửa đưa sinh viên đi du học ồ ạt, có nhiều người trong ban lãnh đạo TQ lúc bấy giờ đã phản đối vì cho rằng cho đi như vậy sẽ bị mất hết chất xám vì những người ra đi sẽ không trở về. Ông Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ đã bảo đại ý người TQ đi đâu thì vẫn sẽ là người TQ, và chỉ cần một phần nhỏ quay về đã là lãi to. Nay quả không sai, như nói ở trên, tỷ lệ quay về năm 2007 là 30% và 2018 đã là 78%, chưa kể chính những người này sẽ thực hiện giấc mơ hiện đại nước TQ của ông Đặng Tiểu Bình. Tầm nhìn xa như vậy của ông Đặng quả là hiếm có và đáng để thế giới học tập.
Với một vài phân tích trên đây, có lẽ đã khá rõ ràng rằng cần phải có những thay đổi sâu rộng, nhất quán của tất cả các nước về một chính sách đối phó với TQ. Sẽ là vô ích nếu chỉ một vài nước áp dụng các chính sách mới, còn các nước khác lại cứ tiếp tục như cũ vì “dòng máu xám” này sẽ theo quy luật “bình thông đáy” trong vật lý, sẽ tiếp tục chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp mà thôi.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là phải để người dân có được cái nhìn sâu rộng, hiểu được thực chất của vấn đề. Với thể chế dân chủ của Mỹ mọi chính sách đều do lá phiếu của cử tri thông qua các vị dân biểu (quốc hội) thì điều này lại càng cực kỳ quan trọng. Khi đã hiểu được vấn đề một cách thực chất, hy vọng cuối cùng là người dân sẽ chấp nhận chịu đau cho các giảp pháp cần thiết.
Người viết bài này chỉ hy vọng thế giới sẽ hiểu thấu đáo hơn về người TQ khi làm ăn với họ. Hy vọng rằng điều đó đang xảy ra, và bắt đầu từ chính nước Mỹ.
Nguyễn Trung Dân
_________
* Tác giả bài viết là Phó Giáo sư nghiên cứu (Associate Research Professor) về lĩnh vực vật lý lý thuyết và quang tử tại Đại học Arizona từ năm 1998 đến tháng 2.2017. Từ 2.2017 cho đến nay là nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm nghiên cứu của một công ty công nghệ cao, đa quốc gia tại New York, đồng thời vẫn tiếp tục giữ cương vị Giáo sư ngoài biên chế (Adjunct Professor) của Đại học Arizona.