Cách Trung Quốc 'hô biến' tỉnh nghèo thành 'thung lũng Silicon'
Một công ty thuộc sở hữu nhà nước đã biến những cánh đồng lúa và hang động ở tỉnh Quý Châu thành một 'thung lũng Silicon' của Trung Quốc, nơi sở hữu những trung tâm dữ liệu hiện đại, nơi đặt máy chủ của những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, Apple...
Điều đó có nghĩa là trong tương lai, một lượng lớn dữ liệu về các công dân Trung Quốc sẽ được lưu giữ và thu thập trong các ngọn núi ở Quý Châu.
Thiên thời địa lợi
Là một tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, Quý Châu là một khu vực kém phát triển, nhận nhiều quỹ xóa đói giảm nghèo nhất và khá tụt hậu so với các tỉnh khác về mạng Internet và điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, vùng đất này đang dần chuyển mình để trở thành trung tâm lưu trữ các dữ liệu thông tin quan trọng và là nơi cho thuê đặt máy chủ của các công ty công nghệ thông tin sừng sỏ hàng đầu thế giới.
Các công ty công nghệ đang tìm kiếm các địa điểm an toàn cho các hệ thống lưu trữ và dự phòng dữ liệu quan trọng của họ. Hầu hết các thiết bị lưu trữ ở quy mô công nghiệp đều tiêu tốn điện năng ngang với một thành phố nhỏ.. Do đó, sự kết hợp của các lợi thế tự nhiên như khí hậu mát mẻ, không khí sạch và lượng thủy điện dồi dào của Quý Châu giúp các công ty này giảm chi phí vận hành và năng lượng sử dụng.
Năm 2017, Trung Quốc ban hành luật an ninh mạng, quy định việc lưu trữ và quản lý dữ liệu địa phương đối với tất cả các doanh nghiệp thu thập thông tin từ khách hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, gần đây nhà chức trách Trung Quốc cũng siết chặt dữ liệu của Alibaba và Ant Financial. Những động thái này đều đang kéo Quý Châu vào kỷ nguyên công nghệ.
Luật và các dự luật liên quan khác của Trung Quốc nêu rõ rằng, dữ liệu nhạy cảm liên quan đến quyền riêng tư, thông tin độc quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc bị cấm gửi hoặc chia sẻ ra ngoài biên giới của Trung Quốc.
Theo đó, các cơ quan chính phủ có thể toàn quyền thực hiện việc chặn và truy xuất dữ liệu từ các tổ chức kinh doanh bao gồm cả các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài.
Siêu dự án "ăn khách"
Dự đoán được chính sách mới của Bắc Kinh, chính quyền tỉnh Quý Châu đã huy động vốn để thành lập Công ty Dữ liệu lớn Guizhou-Cloud vào năm 2014.
Theo Guizhou Daily, doanh nghiệp nhà nước này được giao nhiệm vụ xây dựng và vận hành các “công viên dữ liệu lớn” trên toàn tỉnh, với một phần chi phí khổng lồ về cơ sở hạ tầng và kết nối do Alibaba đảm nhận.
Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu lúc bấy giờ là Chen Miner là người ủng hộ lớn cho khối thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc khi ông giữ chức Phó Tỉnh trưởng Chính phủ Nhân dân tỉnh Chiết Giang, quê hương của Alibaba.
Sau đó, Tencent - chủ sở hữu của ứng dụng WeChat - cũng tham gia đầu tư. Người sáng lập Tencent, ông Pony Ma từng cho biết, 300.000 máy chủ, bộ định tuyến và ổ đĩa cứng của công ty chứa khoảng vài chục petabyte dung lượng lưu trữ sẽ được hưởng "điều hòa không khí tự nhiên" trong một cơ sở hang động rộng 470.000m2 sâu bên trong lòng một ngọn núi tại Quý Châu.
Pony Ma cũng cho biết, các trung tâm dữ liệu "có khả năng tránh được tấn công hạt nhân" nhờ vào địa hình của tỉnh miền núi này.
Các “công viên dữ liệu” đã được tập hợp trong một khu thí điểm quốc gia trị giá 15 tỷ Nhân dân tệ (2,33 tỷ USD) tại Quý Châu vào năm 2016, với mục đích rõ ràng là thực thi các bộ luật và đường lối chính sách của Bắc Kinh để lưu giữ dữ liệu trực tuyến, điều chỉnh việc sử dụng và phân tích tập trung.
Sự chỉ định đó thu hút tất cả những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đến Quý Châu, trong đó có Huawei, Foxconn, đặc biệt là ba nhà mạng viễn thông lớn thuộc khối doanh nghiệp nhà nước (SOE) là China Mobile, China Telecom và China Unicom.
Ngờ vực về tính bảo mật
Việc xây dựng trung tâm dữ liệu tại Quý Châu thu hút báo giới khi có thông tin các máy chủ của Quý Châu – Quizhou Cloud và nền tảng điện toán và lưu trữ iCloud của Apple được kết nối với nhau trong một thỏa thuận được công bố vào năm 2017.
Sự việc này khiến nhiều người dùng các sản phẩm đình đám của Apple tự hỏi liệu Bắc Kinh có tìm cách thu thập thông tin và xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.
Trước những đồn đoán đó, Apple khẳng định rằng quan hệ đối tác của họ với Guizhou SOE nhằm mục đích tuân thủ luật pháp Trung Quốc và sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào đối với các giao thức mã hóa và bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt của họ.
Nhà sản xuất iPhone đã chi 1 tỷ USD cho các công ty bảo vệ quyền riêng tư, chạy các chương trình quảng cáo địa phương, cũng như ủy quyền cho Guizhou-Cloud vận hành các trung tâm dữ liệu dành riêng cho các dịch vụ iCloud cho người dùng Trung Quốc đại lục.
Bên cạnh đó, người dùng đã được cung cấp tùy chọn đóng tài khoản iCloud của họ để không có dữ liệu nào được sao lưu hoặc đồng bộ hóa với các máy chủ ở Quý Châu.
Mặc dù Apple đã tuyên bố tuân thủ đầy đủ các quy định và luật pháp địa phương, nhưng hãng vẫn không được phép có toàn quyền sở hữu các trung tâm dữ liệu ở Quý Châu do luật pháp Trung Quốc yêu cầu phải có đối tác liên doanh địa phương.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã ủy quyền cho Guizhou-Cloud điều hành các máy chủ cho các dịch vụ iCloud của họ ở Trung Quốc đại lục.Trong khi đó, các trung tâm dữ liệu khác của họ trên khắp châu Mỹ và châu Âu hầu hết đều được sở hữu và điều hành độc lập.
Chính quyền Quý Châu cho biết, họ đã thông qua luật để bảo vệ quyền riêng tư. Một giám đốc điều hành cấp cao của Guizhou-Cloud khẳng định, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ dùng sức ép để yêu cầu họ tiết lộ dữ liệu.
Guizhou-Cloud cũng đã bổ nhiệm một vị trí "giám đốc phụ trách về quyền riêng tư và bảo mật" nhằm nỗ lực củng cố thêm niềm tin một số người dùng hoài nghi Apple ở Trung Quốc.
Thật vậy, không có báo cáo nào về vi phạm quyền riêng tư của các đối tác iCloud của Apple tại Trung Quốc. Apple đã tiết lộ trong báo cáo mới nhất về các yêu cầu của chính phủ đối với dữ liệu khách hàng và cách họ phản hồi rằng trong nửa đầu năm 2020, họ đã nhận được 1.022 yêu cầu dữ liệu từ các cơ quan chính phủ Trung Quốc đại lục và họ đã đáp ứng 935 trong số đó.
(theo Asia Times)