Cách Ukraine cải biên tổ hợp phòng không 'Ong bắp cày' để bắn tên lửa tầm nhiệt
The War Zone đưa tin, Ukraine đã trang bị cho hệ thống phòng không tầm ngắn di động 9K33 OSA (được biết đến với biệt danh Ong bắp cày). Đây là loại tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại R-73 có từ thời Liên Xô.
Tích hợp tên lửa R-73 cho hệ thống 9K33 OSA
Việc tích hợp hệ thống phòng không thời Liên Xô với tên lửa không đối không thời Liên Xô được coi là sáng kiến mới của Ukraine, vì trước đây, nước này thường kết hợp tên lửa phương Tây với các hệ thống phòng không trên mặt đất hiện có, được gọi là “'FrankenSAM”. Hình ảnh do tổ chức Come Back Alive chuyên hỗ trợ quân đội Ukraine công bố cho thấy, một hệ thống OSA được trang bị một tên lửa R-73 gắn trên thanh ray ở phía bên phải tháp pháo. Nhiều khả năng bên trái tháp pháo cũng được gắn tên lửa này, nhưng tên lửa có thể bị che khuất trong bức ảnh.
Ban đầu phiên bản OSA-AKM do Ukraine vận hành mang theo sáu tên lửa dòng 9M33, mỗi bên tháp pháo sẽ gắn 3 tên lửa. Các phiên bản cũ hơn của OSA mang theo 4 tên lửa.
OSA 9K33 là một hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm ngắn, tính cơ động cao, được thiết kế từ thời Liên Xô. Hệ thống có chiều dài khoảng 9,1m, bề ngang 2,78m, trọng lượng lên tới 18.000 tấn. OSA 9K33 tích hợp radar dẫn bắn lên xe mang phóng tự hành (TELAR). Xe TELAR của OSA sử dụng khung gầm xe bọc thép đổ bộ BAZ-5937, có thể lội nước hoặc được vận chuyển bằng đường không. Phương tiện được bọc giáp nhẹ và trang bị hệ thống bảo vệ chống vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC).
Tháp pháo của hệ thống OSA nâng cấp sử dụng ăng-ten giám sát hình elip băng tần H (hiển thị ở vị trí gập) và ăng-ten tấn công băng tần J gắn ở phía trước, được bao quanh bởi một radar theo dõi tên lửa nhỏ ở mỗi bên.
OSA-AKM do Ukraine sử dụng ban đầu được trang bị tên lửa đánh chặn 9M33M3 có chiều dài 3,1m, trọng lượng 170kg, mang đầu nổ cận đích nặng 16kg, tầm hoạt động 15km, tốc độ bay 1020m/s và độ chính xác là 5m. So với 9M33M3, R-73 ưu việt hơn nhiều khi có tầm bắn 30km đối với mục tiêu trực diện và tầm bắn 14km đối với mục tiêu bám đuổi. R-73 thường được phóng từ trên không vì khi phóng từ mặt đất, tầm bắn của tên lửa sẽ giảm đáng kể do không được hỗ trợ bởi tốc độ và độ cao của máy bay phóng.
Việc tích hợp tên lửa R-73 với hệ thống OSA 9K33 được coi là giải pháp phù hợp khi số lượng tên lửa 9M33 ban đầu dành cho OSA đang cạn kiệt dần. Cách thức này được cho là đặc biệt hữu ích trong việc đối phó với máy bay không người lái và tên lửa hành trình tầm thấp của Nga. Hệ thống OSA cũng được sử dụng để đối phó với các mối đe dọa từ máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định bay thấp trên chiến trường.
Come Back Alive cho biết đã đầu tư hơn 14 triệu hryvnias (khoảng 336 triệu USD) vào dự án nâng cấp OSA. Mặc dù không tiết lộ có bao nhiêu hệ thống đã được nâng cấp, nhưng tổ chức này lưu ý rằng các trung đoàn OSA trong Lực lượng Mặt đất của Ukraine đã nhận được các hệ thống nâng cấp.
Để tăng thêm tính linh hoạt của hệ thống, Ukraine đôi khi trang bị cả tên lửa R-73 và 9M33M3 cho cùng một bệ phóng. R-73 sử dụng hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại (tìm kiếm mục tiêu tỏa nhiệt, với đầu dò rất nhạy và được làm lạnh), hoạt động ở chế độ 'bắn và quên''. Sau khi phóng tên lửa, xe phóng sẽ di chuyển nhanh chóng ra khỏi vị trí bắn. Còn với tên lửa 9M33M3, hệ thống phải tiếp tục theo dõi mục tiêu và gửi lệnh dẫn đường tới tên lửa.
R-73 nặng 105 kg, dài 2.900 mm, đường kính 170 mm, sử dụng đầu nổ nặng 7,4 kg, với vận tốc 2,5M. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, được thiết kế bao gồm nhiều module khác nhau. Nhờ sự kết hợp giữa hệ thống khí động học và khí động lực nên tên lửa có khả năng thao diễn đặc biệt. Trong quá trình bay, vấn đề trệch hướng và liệng được điều khiển bằng bốn cánh nhỏ đặt gần đầu tên lửa. Ưu điểm vượt trội của tên lửa này là có thể trang bị cho nhiều loại chiến đấu cơ khác nhau chẳng hạn như MiG-21, MiG-23, MiG-29, Su-24, Su-25, Su-27, Su-32 và Su-35, thậm chí là trực thăng Mi-24, Mi-28, và Kamov Ka-50.
Tăng cường sức mạnh phòng không
Việc tên lửa không đối không được điều chỉnh để phóng trên mặt đất, vừa là vũ khí phòng không, vừa để bắn phá các mục tiêu mặt đất, không phải là điều hiếm. Trước đây, lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen đã điều chỉnh R-73 để phóng từ tàu mặt nước chống lại máy bay và sử dụng chúng trong chiến đấu.
Mặc dù có những điểm tương đồng với chương trình FrankenSAM, nhưng chương trình nâng cấp OSA của Ukraine không yêu cầu phải có tên lửa phương Tây hoặc sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật từ phương Tây, do vậy, Ukraine hoàn toàn có thể tự thực hiện chương trình này.
Theo giới phân tích, mặc dù chương trình nâng cấp OSA không phụ thuộc vào nguồn cung cấp tên lửa của phương Tây, nhưng trong tương lai, Ukraine có thể sửa đổi hệ thống này để bắn tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder của phương Tây. AIM-9 Sidewinder khá giống với R-73 vì cùng sử dụng hệ thống dẫn đường hồng ngoại.
Ngoài việc tích hợp với hệ thống phòng không trên mặt đất, Ukraine cũng tích hợp tên lửa R-73 của Ukraine vào xuồng mặt nước không có người lái (USV). Các USV của Ukraine hoạt động ở Biển Đen được cho là đã trang bị R-73, để bảo vệ chúng trước sự tấn công của máy bay trực thăng hay máy bay cánh cố định của Nga.
Vẫn chưa rõ Ukraine có bao nhiêu hệ thống OSA trong kho vũ khí. Một số báo cáo cho biết, ít nhất 21 hệ thống đã bị phá hủy, hư hỏng hoặc bị Nga thu giữ kể từ tháng 2/2024.
Mặc dù có tuổi đời cao nhưng OSA vẫn là hệ thống phòng không hiệu quả và được nhiều nước NATO sử dụng như Bulgaria, Hy Lạp, Ba Lan và Romania. Chương trình nâng cấp OSA được cho là sẽ giúp Ukraine cải thiện năng lực phòng không trên mặt đất, đặc biệt khi đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn của Nga.