Cách Ukraine đối phó với Nga khiến phương Tây đổi suy nghĩ về xung đột tương lai

Dù bị Nga áp đảo về quân số và vũ khí nhưng Ukraine vẫn đạt được những tiến bộ trong ngành công nghiệp quốc phòng. Điều đó khiến quân đội phương Tây phải học hỏi.

Nga đã dựa vào sức mạnh của tổ hợp công nghiệp quân sự cùng gần 695.000 binh sĩ, số lượng lớn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) để tấn công Ukraine.

Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine cũng đang phát triển không ngừng khi cho ra đời số lượng lớn UAV, xe tự hành trên bộ cũng như các hệ thống tiên tiến khác kịp thời gian và ngân sách phân bổ. Đây là điều khiến hầu hết quân đội phương Tây phải ngỡ ngàng.

Sự phát triển của UAV đóng vai trò then chốt trong xung đột ở Ukraine. Ảnh: Business Insider

Sự phát triển của UAV đóng vai trò then chốt trong xung đột ở Ukraine. Ảnh: Business Insider

"Khả năng chế tạo UAV ở quy mô lớn và điều chỉnh chúng để đáp ứng những điều kiện thay đổi trên tiền tuyến của ngành công nghiệp Ukraine đã tạo ra một mô hình quân đội các nước khác đang nỗ lực noi theo", Bryan Clark, thành viên cấp cao tại Viện Hudson chia sẻ với tạp chí Business Insider.

Ông Clark nói thêm, “mặc dù UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) cỡ nhỏ được Nga và Ukraine sử dụng có thể không hữu ích, nhưng phương pháp xây dựng các hệ thống theo yêu cầu bằng cách sử dụng những thành phần mô-đun cũng đang bắt đầu xuất hiện trong nền công nghiệp Mỹ”.

Ukraine đang đảo ngược các mô hình mua sắm quân sự truyền thống. "Sự cần thiết và cấp bách tạo ra đổi mới thực sự. Ukraine đã tìm ra cách đảo ngược chu kỳ phát triển và mua sắm thông thường để cung cấp cho quân đội trang thiết bị được cập nhật chỉ trong vài tuần", Emily Harding, phó chủ tịch bộ phận quốc phòng và an ninh tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định.

Trên thực tế, yếu tố quan trọng là kết nối trực tiếp các công ty khởi nghiệp quốc phòng với binh lính hoạt động trên thực địa để nhanh chóng triển khai vũ khí cải tiến ra tiền tuyến.

Chuyên gia Doug Klain tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, Ukraine không chỉ đang bắt kịp, mà còn chỉ ra con đường phía trước cho các quốc gia khác.

"Trong khi các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ mất nhiều năm để cập nhật hệ thống dựa trên các thử nghiệm trước khi tái triển khai, phía Ukraine lại đang thực hiện những cập nhật đáng kể chỉ trong vài tuần nhằm vượt qua các biện pháp đối phó của Nga", ông Klain nói.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nội địa của Ukraine cũng đang được đẩy nhanh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, khoảng 40% vũ khí được quân đội nước này sử dụng hiện đến từ các nguồn trong nước. Đây được xem là con số ấn tượng đối với một quốc gia đang xảy ra xung đột.

Theo ông Klain, Ukraine đang trở thành một thế lực không chỉ đơn thuần là tiền tuyến phòng thủ của châu Âu.

"Không chỉ là quốc gia nhận viện trợ, Ukraine còn tạo ra giá trị gia tăng. Hiện nay, không có quân đội nào giàu kinh nghiệm hơn trong việc chống lại Nga như Ukraine, và ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine ngày càng được điều chỉnh theo quy mô và chuyên môn cần thiết để bảo vệ châu Âu”, ông Klain đánh giá.

Điển hình, các công ty khởi nghiệp quốc phòng của Ukraine như TenCore được thành lập vào đầu năm 2024 với 5 nhân viên, nhưng nay đã có hơn 175 nhân viên và dự kiến đạt doanh thu 80 triệu USD trong năm nay. Công ty này đã cung cấp hơn 2.000 hệ thống chiến đấu cho Ukraine và từ chối các đề nghị mua lại để duy trì tính độc lập.

Binh sĩ Ukraine triển khai UAV trong chiến đấu. Ảnh: Moscow Times

Binh sĩ Ukraine triển khai UAV trong chiến đấu. Ảnh: Moscow Times

Quân đội phương Tây cần học hỏi

Chuyên gia Lauren Speranza tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu cho rằng, việc Ukraine sử dụng UAV và các hệ thống tự động được AI hỗ trợ một cách sáng tạo đã "cách mạng hóa vai trò của những công nghệ này trong xung đột hiện đại, từ hậu cần đến các cuộc tấn công tầm xa".

"Xung đột hiện đại giữa các đối thủ ngang hàng rõ ràng là cuộc chiến của các cơ sở công nghiệp quốc phòng cũng như của con người và khả năng cơ động. Một quốc gia không thể thích ứng với những diễn biến trên chiến trường và duy trì lực lượng chiến đấu chắc chắn sẽ bị thua cuộc”, bà Speranza nói thêm.

Theo Michael O'Hanlon, Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, "Ukraine đã thực sự thay thế pháo binh bằng UAV trong giao tranh trong chiến hào. Dù điều này không thay đổi mọi thứ trong xung đột hiện đại, nhưng chỉ ra con đường cho các cuộc giao tranh cận chiến trong tương lai, nơi dàn UAV có thể chiếm ưu thế”.

Song, khả năng mở rộng quy mô của Ukraine vẫn đang bị hạn chế vì yếu tố chính là tiền bạc. Với ngân sách quốc phòng 12 tỷ USD, các quan chức Ukraine ước tính, năng lực sản xuất của nước này chỉ bằng 1/3 tiềm năng thực sự.

Do đó, Kiev đang nỗ lực thu hút thêm đầu tư từ phương Tây và để mắt đến các sáng kiến như dự án SAFE do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất. Đây là quỹ trị giá 150 tỷ USD được thiết kế để tăng cường sản xuất quốc phòng châu Âu.

"Ukraine là một phần không thể thiếu trong bất kỳ kiến trúc an ninh nào của châu Âu trong tương lai. Ukraine có những bài học thực sự để chia sẻ, khi tất cả chúng ta tìm cách khôi phục các ngành công nghiệp quốc phòng vốn không đáp ứng được nhu cầu của xung đột hiện đại”, ông Klain kết luận.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-ukraine-doi-pho-voi-nga-khien-phuong-tay-doi-suy-nghi-ve-xung-dot-tuong-lai-2421570.html